Bùng nổ bóng đá phong trào - Bài cuối: Đừng xem thường bóng đá “phủi”

Cách đây hơn 1 tháng, ở vòng 9 V-League 2013, cái tên Nghiêm Xuân Tú đã được nhắc tới như một hiện tượng. Vừa được tung vào sân trong trận derby Thanh - Nghệ, Tú “ngựa” đã nhanh chân dứt điểm chính xác, ấn định chiến thắng 2-1 cho chủ nhà Thanh Hóa. Sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu như không phải Xuân Tú khi đó vừa mới chân ướt, chân ráo gia nhập sân chơi V-League được 4 ngày. Trước khi ký hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên với đội bóng sông Mã, Xuân Tú là dân đá “phủi” chính hiệu.

Xuân Tú (trước) trong màu áo chuyên nghiệp Thanh Hóa. Ảnh: Internet


Những trường hợp như Xuân Tú không nhiều, nhưng "cú nhảy" của anh ít nhất đã cho thấy rằng, khoảng cách giữa bóng đá phong trào và bóng đá chuyên nghiệp là không quá xa. Khi khoảng cách đó ngày càng được thu hẹp, thì cũng đồng nghĩa với việc bóng đá chuyên nghiệp có thêm một nền tảng vững chắc để phát triển, song song với công tác đào tạo trẻ một cách bài bản.


Trong chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam tới năm 2020, ngành thể dục thể thao đã đặt chỉ tiêu gia tăng số lượng các CLB bóng đá phong trào như sau: Năm 2015 đạt 4.500 CLB, năm 2020 đạt 7.500 CLB. Cứ nhìn vào việc hàng nghìn CLB đăng ký tham dự các giải đấu phong trào kể từ đầu năm tới giờ, có thể thấy rằng định hướng phát triển đó không phải là điều gì mơ hồ. Số lượng người chơi bóng đá “phủi” trên thực tế thậm chí còn cao hơn thế, bởi có rất nhiều đội bóng hoạt động tự phát, đá bóng mang tính chất giao lưu, giải trí là chính và cũng chưa đạt đến một trình độ nhất định để đăng ký tham dự các giải đấu có quy mô toàn quốc như Larue Cup hay Cúp Bia Sài Gòn.


Bóng đá chuyên nghiệp có lẽ cũng phải ghen tỵ về bước phát triển mạnh mẽ của bóng đá phong trào. Chỉ trong một thời gian ngắn, từ những giải đấu nhỏ lẻ, có quy mô theo ngành hoặc đơn vị, bóng đá phong trào đã chứng kiến sự ra đời của hàng loạt giải đấu cấp toàn quốc, được tổ chức ngày càng bài bản và có tính chuyên nghiệp cao, điển hình là Hà Nội Premier League - Season 1 (HPL - S1).


Nếu như làm bóng đá chuyên nghiệp, mỗi năm phải đầu tư ít nhất khoảng 40 tỷ đồng để nuôi một đội bóng, thì với bóng đá phong trào, chỉ cần vài trăm triệu đồng là đã có thể tổ chức được một giải cỡ nhỏ, nhưng sức hút đối với khán giả có khi còn hơn cả chuyên nghiệp. Chính vì lý do này, số lượng các giải đấu đang ngày một tăng và nhiều nhà tài trợ đang phải cạnh tranh quyết liệt với nhau để có thể đứng tên tổ chức một giải bóng đá phong trào. Trái lại, các nhà tài trợ đang “chán” V-League và hạng Nhất.

 

Phong trào nuôi chuyên nghiệp


Trở lại với Xuân Tú, anh là một ví dụ cho thấy, sự chuyên nghiệp hóa của các giải phong trào đang giúp phát hiện những tài năng cho bóng đá đỉnh cao. Đang khoác áo FC Cường Quốc đá tại HPL - S1, Xuân Tú bỗng chốc nhảy lên khoác áo Thanh Hóa thi đấu ở V-League. Cho dù vẫn cần phải cải thiện về thể lực và học hỏi thêm kinh nghiệm thi đấu, như nhận xét của HLV Mai Đức Chung (Thanh Hóa), nhưng Xuân Tú lại có cái chất “quái” mà chỉ sân bóng “phủi” mới có thể sản sinh ra được.


Trong lúc chờ đợi thêm những Xuân Tú khác xuất hiện ở V-League hay hạng Nhất, một điều nữa được ghi nhận là không ít cầu thủ hoặc cựu cầu thủ chuyên nghiệp cũng đang lựa chọn gia nhập các CLB phong trào. Ví dụ, sân chơi HPL-S1 hiện quy tụ rất nhiều gương mặt nổi tiếng, như tiền vệ Phạm Thành Lương (FC Hanel), cựu tuyển thủ Đặng Phương Nam (FC Cường Quốc), cựu tuyển thủ Tuấn Thành (FC Thăng Long), trợ lý HLV đội tuyển Futsal Việt Nam, Ngọc Anh (HLV Trà Dilmah), cựu đội trưởng đội tuyển Futsal Việt Nam, Tuấn Tú (HLV Top Group)…


Sân chơi phong trào hấp dẫn hẳn lên nhờ sự góp mặt của những ngôi sao như vậy. Đổi lại, bóng đá “phủi” cũng đang mở ra một lối thoát cho những cầu thủ chuyên nghiệp hết thời và cả những cầu thủ chuyên nghiệp đang trong giai đoạn tìm kiếm việc làm. Làm một phép tính đơn giản: HPL - S1 hiện có 12 đội tham dự, mỗi đội khoảng 20 người, tổng cộng là khoảng 240 người. Con số này sẽ tăng lên mức 400 người vào mùa giải tới, khi quy mô của giải được mở rộng thành 2 hạng đấu. Các lớp đào tạo trẻ của Hà Nội T&T (V-League) và CLB Hà Nội (hạng Nhất) hiện cũng chỉ có từng ấy học viên, mà sau đó, số lượng cầu thủ phát triển được sự nghiệp chuyên nghiệp là không nhiều.


Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, khi các cầu thủ chuyên nghiệp cũng đang phải chạy đôn, chạy đáo để tìm việc, thì những giải đấu như HPL, Larue Cup hay Cúp Bia Sài Gòn ít nhất đã cho họ một sự lựa chọn không tồi.


Song Long

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN