Cây mũi nhọn kinh tế trước nguy cơ phá sản

Long An là tỉnh có diện tích rừng tràm lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tràm là cây mũi nhọn kinh tế của tỉnh Long An ở những năm 2005 trở về trước, nhưng từ năm 2006 trở lại đây đầu ra của cây tràm thu hẹp, kéo theo giá giảm thấp nên nhiều hộ nông dân phá tràm chuyển sang cây trồng khác làm cho diện tích rừng tràm của tỉnh giảm nghiêm trọng với hơn 35.000 ha. Nếu các cơ quan chức năng không có các biện pháp tích cực thì trong tương lai rừng tràm sẽ biến mất.

 

Diện tích rừng tràm trên địa bàn tỉnh Long An đang giảm mạnh.
Mạnh Linh - TTXVN


Chi cục Kiểm lâm tỉnh Long An cho biết: từ năm 2006 đến nay diện tích rừng tràm của tỉnh giảm hơn 35.000 ha, hiện tại chỉ còn gần 28.000 ha, diện tích còn lại chủ yếu là do Nhà nước quản lý như: Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, các lâm trường. Nguyên nhân là do đầu ra của cây tràm thu hẹp kéo theo giá giảm mạnh. Hiện tràm cừ từ 6 - 7 năm tuổi có giá từ 18-20 triệu đồng/ha (thời điểm năm 1988-2002 có giá 70-80 triệu/ha); trong khi đó đầu tư trồng mới phải mất từ 15-17 triệu đồng/ha, chưa kể công chăm sóc trong thời gian 6-7 năm. Vì cây tràm ngày nay không còn hiệu quả kinh tế nữa, nên nông dân ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười là Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh và Thạnh Hóa thuê cơ giới phá gốc tràm chuyển sang trồng lúa, trồng khoai mỡ, đào ao nuôi cá.


Thạnh Hóa là huyện có diện tích rừng tràm lớn nhất ở tỉnh, nhưng hiện chỉ còn gần 10.000 ha, giảm gần gấp 2 lần so với năm 2005. Riêng từ đầu năm 2013 đến nay giảm gần 3.000 ha. Huyện Tân Hưng có hơn 12.000 ha, nhưng hiện tại cũng chỉ còn hơn 3.000 ha, chủ yếu là do Nhà nước quản lý như khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen ở xã Vĩnh Châu B hơn 1.500 ha, Lâm trường xã Vĩnh Lợi hơn 1.000 ha.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những nội dung chủ yếu của chuyển đổi kinh tế nông nghiệp nông thôn. Đây cũng là quá trình chuyển dịch từ nền kinh tế thuần nông, tự cung, tự cấp, sang nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Thực hiện Quyết định số 150/2005/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản cả nước đến năm 2010 và tầm nhìn 2020 của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua một số địa phương trong cả nước đã thực hiện đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận. Trên thực tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng chỉ được triển khai thực hiện trên những vùng đất khó khăn, sử dụng cơ cấu cây trồng chưa phù hợp, canh tác theo tập quán, tạo ra chuỗi giá trị thấp, sản xuất kém hiệu quả và chưa ứng dụng một cách triệt để các tiến bộ kỹ thuật để khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên.


Bác Võ Văn Hiếu, ở ấp Cả Sách, xã Vĩnh Lợi (huyện Tân Hưng) cho biết: Cây lúa hiện nay so với cây tràm hiệu quả rất cao, 1 ha đất trồng lúa hiện nay mỗi năm lãi từ 30-40 triệu đồng, còn trồng tràm 6-7 năm mới thu hoạch có khi còn lỗ vốn, nhiều hộ có đất bị nhiễm phèn nặng, không có hệ thống thủy lợi tưới, họ trồng tràm để cải tạo phèn sau đó họ cũng phá ra trồng lúa hoặc trồng khoai mỡ.


Anh Trần Văn Tài - Trưởng phòng nông nghiệp huyện Tân Hưng cho biết: người dân ở vùng Đồng Tháp Mười đốn tràm chuyển sang các loại cây trồng khác là do tự phát, vì hiệu quả cây tràm ngày nay không còn, chính quyền địa phương vận động, ngăn không mấy hiệu quả. Hiện nay Nhà nước, tỉnh cũng không có chính sách hỗ trợ để nông dân giữ lại diện tích tràm cho nên địa phương rất lo ngại ảnh hưởng đến sinh thái trong vùng, nhất là hàng năm khi lũ về không hạn chế dòng chảy nước lũ từ thượng nguồn đổ xuống để bảo vệ hệ thống đường giao thông, đê bao sẽ bị nước cuốn sạt lở, kể cả nhà của bà con nằm dọc theo các tuyến kênh cũng bị đe dọa mỗi khi lũ về.


Trước tình hình trên, đầu năm 2013 Chi cục Kiểm Lâm Long An xin ý kiến UBND tỉnh để quy hoạch diện tích rừng tràm của tỉnh với 50.000 ha, trong đó rừng cố định 30.000 ha và 20.000 ha rừng phân tán nhằm bảo vệ vùng sinh thái và để ngăn cản hạn chế dòng chảy nước lũ hàng năm nhằm bảo vệ những công trình hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông nông thôn, đê bao vùng lũ. Thế nhưng hiện nay tỉnh vẫn chưa có quy hoạch, vì vậy, với tình trạng phá rừng hiện nay để chuyển sang cây trồng khác, cây tràm trong tương lai sẽ bị phá sản nếu không có giải pháp chính sách hỗ trợ nông dân, đầu tư xây nhà máy chế biến bột giấy từ cây tràm.


Thanh Tuấn

Tạo đột phá trong khâu giống lúa

Mỗi năm, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Tiền Giang sản xuất và cung ứng khoảng 1.900 tấn giống lúa mới chất lượng cao các loại cho nhu cầu sản xuất. Ngoài ra, còn trồng khảo nghiệm trên 300 giống của khoảng 20 bộ giống lúa mới chất lượng cao do các viện, trường, các tổ chức khoa học cung cấp nhằm đánh giá, tuyển chọn những giống mới phù hợp cho nhu cầu sản xuất của từng vùng sinh thái. Từ đó, góp phần cung ứng nguồn nông sản hàng hóa chất lượng tốt cho thị trường xuất khẩu. Hiện nay, ngoài Trại giống Vĩnh Hựu là nơi tập trung trồng, khảo nghiệm và nhân các giống lúa mới chất lượng cao phù hợp với các vùng sinh thái: Ngọt, nhiễm mặn, vùng ngập lũ... Trung tâm còn tổ chức được mạng lưới 19 tổ sản xuất lúa giống tại các địa bàn trọng điểm thu hút đông đảo nông dân tham gia. Qua đó, cũng tạo thêm kênh khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp cho bà con.

Ông Trần Ngọc Ẩn, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Tiền Giang

 

Chuyển đổi cây trồng trên đất lúa vẫn tự phát

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua diễn ra khá rầm rộ. Tuy nhiên, các hoạt động này phần lớn được thực hiện một cách tự phát, xuất phát từ nhu cầu của bà con nông dân do trồng lúa liên tục mất mùa, thua lỗ. Hơn nữa, việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng các loại cây khác như ngô (bắp), khoai lang, mè, đậu nành… thời gian qua chủ yếu thực hiện một cách bị động, trên những vùng đất bị động về nước tưới, thời tiết… Để giải quyết các vướng mắc trong việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long cần giải quyết được mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp cung ứng đầu vào cũng như tiêu thụ sản phẩm đầu ra.


Ông Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia

 

Coi trọng cơ giới hóa


Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cần nhấn mạnh giải pháp cơ giới hóa đồng bộ, hợp tác với các nước lân cận để khảo nghiệm máy móc thực tế từng cây trên đồng ruộng mỗi vùng. Nên hợp tác thử nghiệm, tiến đến nhập khẩu nhanh các loại máy móc làm việc hiệu quả để phục vụ kịp thời cho việc sản xuất các loại cây màu chủ yếu được đưa vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng luân canh trên đất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long từ sản xuất đến công nghệ sau thu hoạch.


Tiến sĩ Nguyễn Công Thành, Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN