Doanh nhân phải vươn lên trong cạnh tranh và hội nhập

Những năm qua, nhiều doanh nghiệp (DN) chạy theo dòng vốn dễ dãi, khai thác các cơ hội mang tính chất đầu cơ. Hiện, những cơ hội này không còn nữa, cơ chế xin cho trong nền kinh tế cũng mất theo tiến trình cải cách thể chế. Như vậy, muốn tồn tại, DN chỉ có cách chiến thắng trên thương trường, trong cạnh tranh.

Ông Vũ Tiến Lộc (ảnh), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết trong cuộc trao đổi với phóng viên Tin Tức nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.

 

2013 vẫn là một năm khó khăn của cộng đồng DN, họ đã làm gì để trụ vững và vươn lên, thưa ông?


Mặc dù, trong 9 tháng qua, Chính phủ đã có nhiều biện pháp để ổn định kinh tế vĩ mô nhưng bức tranh chung của khối DN vẫn là rất khó khăn. Trong 9 tháng qua, trên 40.000 DN phải đóng cửa, giải thể. Số đăng ký mới hoặc quay lại hoạt động chỉ có 11.000 DN.


Trong số các DN đang hoạt động, có tới 66% không có khả năng đóng thuế thu nhập DN. Phần lớn các DN đã cố gắng trụ vững nhưng hiệu quả sản xuất không cao.


Nếu chỉ tính toán trên bài toán lỗ lãi, nhiều DN sẽ đóng cửa tạm thời để bảo toàn vốn, nhưng phần lớn họ không làm vậy. Họ vẫn tiếp tục duy trì hoạt động, đóng góp vào tăng trưởng chung, giải quyết công ăn việc làm và nộp vào ngân sách nhà nước. Đó là nỗ lực rất đáng ghi nhận của cộng đồng DN Việt Nam.


Bên cạnh đó, có một bộ phận DN vẫn hoạt động hiệu quả. Đây là những DN đã có quá trình tự tái cấu trúc từ những năm trước. Họ đã xây dựng được hệ thống quản trị DN bài bản và quản lý tốt rủi ro.


Theo dự báo, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn. Do đó, trong bối cảnh hiện nay, các DN không thể ỷ lại, trông chờ vào Chính phủ. Vì nguồn lực của Chính phủ hiện nay có hạn. Chính phủ chỉ có thể cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, làm động lực cho DN phát triển. Do vậy, DN không thể trông chờ vào các gói kích cầu lớn như những năm trước đây.


Vì thế, các DN phải chủ động tái cấu trúc, chủ động chuyển đổi và phải “Tự cứu mình trước khi trời cứu”.

 

Trong năm 2013, Chính phủ đã có những chính sách gì để hỗ trợ cộng đồng DN vượt qua khó khăn, thưa ông?


Chính phủ đã ra nhiều Nghị quyết để trợ giúp các DN như: giãn, hoãn nợ trong các hệ thống ngân hàng, trợ giúp cho DN vừa và nhỏ, các DN xuất khẩu... Đó là những trợ giúp có ý nghĩa, giúp các DN giảm bớt khó khăn.


Bên cạnh đó, thành công lớn nhất của Chính phủ là điều hành hạ lãi suất trong hệ thống ngân hàng, giúp hạ thấp chi phí trong kinh doanh của DN. Ngoài ra, Chính phủ đã nỗ lực và thực hiện gói trợ giúp cho thị trường bất động sản, giải quyết nhà ở cho người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, vì nguồn lực hạn chế nên Chính phủ không thể đưa ra những gói hỗ trợ có quy mô lớn như những năm trước.


Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục cải cách thể chế theo hướng bình đẳng hơn, tạo điều kiện cho các DN cạnh tranh lành mạnh.



Cải cách thể chế và hội nhập vào thị trường thế giới là những việc mà Chính phủ đang làm để phát triển kinh tế và trợ giúp DN, nhưng bản thân các DN sẽ cải cách như thế nào để đón nhận những thời cơ này, thưa ông?


Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục cải cách thể chế theo hướng bình đẳng hơn. Bên cạnh đó, các DN sẽ có điều kiện thuận lợi hơn khi Việt Nam tham gia vào các khu vực kinh tế chung như: ASEAN, châu Á - Thái Bình Dương... có cơ hội nhập vật tư, nguyên liệu với giá thấp hơn, thu hút đầu tư, vốn. Nhưng Chính phủ sẽ thị trường hóa một số nguyên liệu đầu vào, làm tăng chi phí đầu vào của DN. Do vậy, DN vừa đứng trước thuận lợi, vừa đứng trước thách thức.


Để nắm bắt cơ hội, các DN phải tái cấu trúc, định vị DN nghiệp mình ở phân khúc nào của thị trường, tìm ra lĩnh vực kinh doanh cốt lõi mà mình có lợi thế, đồng thời đa dạng hóa thị trường để tránh rủi ro và có khả năng hội nhập cao.


Hiện nay, các DN Việt Nam có hệ thống quản trị yếu, chưa theo kịp trình độ của khu vực và thế giới. Do vậy, điểm mấu chốt là xây dựng hệ thống quản trị hiệu quả, minh bạch. Đặc biệt là quản trị tài chính. Có hệ thống phòng ngừa rủi ro. Đây là khâu then chốt để quyết định thành công của DN. Qua quan sát của VCCI, những DN thành công thường là những DN có hệ thống quản trị vững mạnh.


Để có hệ thống quản trị tốt, họ đã tích cực liên kết với các đối tác nước ngoài thông qua việc bán cổ phần, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Do vậy, các đối tác nước ngoài sẽ tác động trực tiếp tới hệ thống quản trị của các DN, tham gia vào hệ thống quản trị của DN. Bằng cách đó các DN có thể xây dựng một hệ thống quản trị tiên tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động.



Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, ông sẽ nhắn nhủ gì với cộng đồng DN?


Trong bối cảnh hiện nay, DN trụ vững đã là thành công. Muốn vậy, DN phải “bắt tay” ngay vào tái cấu trúc, đổi mới, không trông chờ, ỷ lại. DN hãy tự đổi mới, sáng tạo, dũng cảm gạt bỏ những lĩnh vực kinh doanh không hiệu quả, tập trung cho những vấn đề cốt lõi, DN cũng cần nỗ lực để nâng cao tính cạnh tranh nhất là khi nước ta sẽ hội nhập rộng hơn, sâu hơn với khu vực và thế giới. Tôi chúc các DN sẽ thành công.


Xin cảm ơn ông!


Thu Hường - Phi Sơn (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN