Lớp học đặc biệt bên dòng sông Phú Lộc

7 giờ tối, nhà văn hóa khu vực Thanh Thủy (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) nằm bên con sông Phú Lộc cửa rộng mở, đèn bật sáng trưng. Hai dãy bàn ghế học trò sắp ngay ngắn, ngay chính giữa phòng treo chiếc bảng dạy học. Chừng nửa tiếng nữa, đây sẽ là lớp học của những ngư dân vùng biển.


Nhất thầy Bảy


Thanh Khê Đông là phường ven biển, đa phần người dân mưu sinh bằng nghề đi biển và buôn bán cá. Cuộc sống chật vật, họ không có điều kiện để đi học chữ. “Không biết đọc, biết viết là thiệt thòi lớn cho người dân, họ không làm được các giấy tờ, thủ tục đến cả tính toán, trao đổi trong công việc hàng ngày. Bởi vậy phường đã phối hợp với Đồn Biên phòng (ĐBP) Phú Lộc mở lớp dạy xóa mù chữ”, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, cán bộ văn hóa phường Thanh Khê Đông chia sẻ.

 

Thầy Bảy tận tình chỉ dạy cho các học viên.


Đều đặn các tối 3, 5, 7 hàng tuần, nhà văn hóa khu vực đón hơn chục học viên đến học chữ. Người trực tiếp giảng dạy là thiếu tá Lê Nho Bảy (ĐBP Phú Lộc). Từ tập đọc, tập viết, cho đến cách làm toán, “thầy” Bảy tận tình chỉ bảo cho các học viên. Gọi là thầy, nhưng thầy Bảy chẳng có chút nghiệp vụ sư phạm nào, chỉ dạy theo phương châm người biết chữ bày cho người chưa biết chữ. Vậy mà cũng đã sáu năm trời, bao lứa học trò qua tay thầy, biết viết đơn, biết kí. “Cách đây vài năm thầy đi công tác, họ điều thầy khác về dạy nhưng trò chẳng có hứng thú học, vì thầy không nhiệt tình, lại dạy chẳng hay, rứa nên lười đi học lắm, chỉ có thầy Bảy là nhất”, một học viên bày tỏ.

Trong lớp học, mỗi người được thầy dạy một cách riêng: chị Hường tiếp thu nhanh nên có thể ra những đề bài khó, cô Lu nặng tai nên phải bày vẽ từ từ... Ngoài dạy chữ, thầy còn làm luôn công tác dân vận, chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống của họ. “Dạy học cho bà con không khó, nhưng mình phải tận tình và tâm huyết họ mới chịu nghe, chỉ cần tất cả biết đọc, viết, làm được bốn phép tính cộng trừ nhân chia là tôi mãn nguyện lắm rồi”.


Bà Lê Thị Minh Châu (cán bộ TT GDTX quận Thanh Khê), người trực tiếp kiểm tra và quản lí lớp học cho biết tuy lớp học có sách, giáo án đầy đủ, nhưng không thể cứ cứng nhắc áp dụng, phải linh hoạt giảng dạy vì các học viên đã lớn tuổi, tiếp thu chậm.


Con thi đại học, ba mẹ mới lần mò con chữ


Để có được lớp học này, thầy Bảy, bà Thúy, bà Châu phải đi vận động từng nhà, từng người. Hầu hết ngư dân mệt mỏi sau một ngày đi biển về, hoặc không có thời gian, số khác lại “dị”, sợ người khác khinh không biết chữ nên không dám đi học. Có trường hợp nhà ở ngay cạnh lớp, nhưng ngại không dám qua, vậy là thầy phải đến tận nhà bày vẽ. Bà Thúy kể câu chuyện tếu táo mà xúc động rằng có hôm lớp học vắng hoe, thầy Bảy phải điện tới từng nhà giục, người kêu không có xe thầy phải tới chở, người bận cho con ăn, thầy phải đợi. Nhiều lúc, ngư dân tới lớp vẫn còn nồng mùi tanh của biển, vừa đóng cọc neo xong là chạy luôn đến học, hơi đâu mà sửa soạn.

 

Anh Văn Dần: “Hai vợ chồng quyết tâm học đến khi nào nhìn chữ là đọc luôn, không phải đánh vần”. (Trong ảnh: Anh Dần và vợ, chị Lâm Thị Xoa).


Điều đặc biệt nhất của lớp xóa mù này là các học viên đều đã lập gia đình, có con cháu. Nhỏ tuổi nhất là em Nguyễn Thị Lan (1991), lớn tuổi nhất là cô Nguyễn Thị Lu (1962). Sinh ra và lớn lên ở vùng biển, kiếm miếng ăn đủ đắp đổi qua ngày đã là hạnh phúc, không ai nghĩ đến việc học chữ cần thiết như thế nào. Nhưng rồi họ cũng vỡ lẽ ra khi làm bất kì thủ tục nào cũng phải lăn dấu vân tay, mọi giấy tờ phải nhờ người khác đọc. Vợ chồng anh Văn Dần, chị Lâm Thị Xoa có con lớn năm nay thi đại học, tối tối, hai vợ chồng dắt nhau đến lớp ê a đánh vần, tập đọc.

Anh Dần kể trước kia muốn dùng điện thoại cũng chịu, người ta chỉ cho bấm nút xanh để nghe, biết mỗi vậy. Giờ đọc được, viết được, biết lưu cả tên nữa, thấy mình oách lắm. Bà xã ngồi bên hào hứng theo: Ông ấy viết nhanh hơn tui, còn đọc thì chậm hơn tui. Câu chuyện rộn ràng hẳn lên khi các học viên khoe biết đọc báo, biết hát cả karoke, nhìn bảng hiệu là biết người ta bán gì chứ không vào quán phở hỏi cơm như trước...


Gần mười giờ đêm, thầy Bảy xin phép dừng lại câu chuyện để họ về ngủ sớm, đàn ông 1 giờ đêm dậy đi biển, phụ nữ 4 giờ sáng dậy đi mua cá rồi. Bà Thúy còn kịp khoe mấy năm liền, phường Thanh Khê Đông luôn dẫn đầu về công tác xóa mù chữ.


Bài và ảnh: Thanh Hiền

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN