Nhà vệ sinh “đe dọa” phụ nữ Ấn Độ

Tại Ấn Độ, tính trung bình cứ 3 hộ gia đình mới có một hộ có nhà vệ sinh riêng. Tình cảnh này đang gây ra hiểm họa lớn đối với phụ nữ Ấn Độ, những người thường xuyên bị tấn công khi sử dụng nhà vệ sinh công cộng.

Kiểu nhà vệ sinh tồi tàn hay gặp ở Ấn Độ.

Việc thiếu thốn điều kiện vệ sinh luôn là mối quan ngại tại đất nước đông dân thứ 2 thế giới này. Các nhà hoạt động tại Ấn Độ đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Nhiều tổ chức phi chính phủ đã thiết kế ra các buồng vệ sinh công cộng an toàn, chi phí thấp và có thể dễ dàng tiếp cận. Trong khi đó, phụ nữ Ấn Độ là đối tượng hơn ai hết thấu hiểu tình cảnh vệ sinh tồi tàn. Một công dân Bhalswa (bang Delhi) cho biết: “Những nhà vệ sinh công cộng bị phá bục để cho đám công nhân xây dựng nhòm ngó, quấy rầy. Nhiều khi các bà mẹ không nói ra những gì đã xảy đến với con gái mình, vì lo sợ sẽ gặp phải khó khăn lúc gả chồng”.


Đơn cử như tại Bhalswa, chỉ có 2 nhà vệ sinh công cộng phục vụ 1.000 người. Phụ nữ phải đi theo từng nhóm, đến vào buổi sáng để chờ sử dụng các buồng vệ sinh dơ bẩn, vì đó là quãng thời gian an toàn nhất. Thế nhưng chừng đó cũng chưa đủ. Họ vẫn thường xuyên bị chòng ghẹo, bắt cóc và tấn công. Các quan chức địa phương cho biết, những vụ việc như vậy xảy ra ít nhất 1 lần/tháng. Còn tại Bawana cách đó không xa, nơi mà chỉ có 1 nhà vệ sinh công cộng cho 300 nhân khẩu, mối nguy hiểm tương tự cũng luôn rình rập. Afsana, một phụ nữ trẻ, cho biết: “Đám đàn ông thường tụ tập bên ngoài nhà vệ sinh, và nếu chúng tôi lơ đễnh, tụi họ thường sán đến, sờ soạng”.

Phụ nữ tại Bhalswa thường đi vệ sinh theo nhóm để được an toàn.


Phụ nữ là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi phải sử dụng nhà vệ sinh công cộng ở Ấn Độ, vì chúng được thiết kế không có mái, cửa sổ thì thấp tè. Và thế là để khỏi bị tấn công, quấy rối tình dục, nhiều phụ nữ lựa chọn cách đi vệ sinh “lộ thiên”. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), có đến 53% hộ gia đình tại Ấn Độ lựa chọn cách "xả thải” này - một nguyên nhân làm lây lan bệnh dịch và ô nhiễm nguồn nước.


Tại bang Madhya Pradesh, chính quyền thậm chí còn đưa ra yêu cầu bắt buộc các chú rể phải trình diện được bức ảnh kèm theo hình ảnh của mình cùng nhà vệ sinh riêng thì mới được kết hôn.


Một số nhóm hoạt động cũng đang có những nỗ lực tương tự. Tổ chức Sulabh International đã cung cấp cho 1,2 triệu hộ gia đình ở Ấn Độ hệ thống toilet xả nước kể từ khi được thành lập năm 1970.


Hoài Thanh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN