Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: Chú trọng đầu tư cho giáo dục vùng khó khăn

Nhiều năm qua, giáo dục vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn luôn dành được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cũng như ưu tiên của ngành giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, nhiều thầy, cô giáo nơi đây vẫn đang nỗ lực vượt khó để làm tròn nhiệm vụ “gieo chữ” cho những học trò thân yêu.


Gian nan đứng lớp


Là giáo viên của một trường đặc biệt khó khăn, địa hình hiểm trở, thầy Lê Thế Lữ, giáo viên trường Phổ thông dân tộc bán trú Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình cho biết: Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trường Sơn có 207 học sinh, trong đó có tới 75% học sinh là dân tộc Vân Kiều. Đa số nhà các em đều cách trường từ 15 - 50 km. Giao thông đi lại rất khó khăn, đặc biệt là mùa mưa (từ tháng 9 - 11) nên mỗi lần các thầy cô vào bản động viên các em ra lớp cũng phải mất cả ngày. Có những đoạn đi xe máy được, đoạn không đi được nên nhiều khi đành vứt xe máy dọc đường để đi bộ tiếp.

 

Lớp học tạm của trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã Tả Thàng (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) không đảm bảo cho việc dạy và học, nhất là vào mùa đông giá rét. Quý Trung – TTXVN


“Nhiều học sinh tâm sự với tôi rằng, khi đã về được đến nhà rồi mệt quá, dù muốn nhưng cũng không dám trở lại trường nữa. Nhu cầu được ở lại trường rất cao nhưng cả trường có vẻn vẹn một phòng bán trú rộng gần 10 m2, chỉ kê được một chiếc bàn lớn đủ các em vừa học, vừa ngủ”, thầy Lê Thế Lữ chia sẻ.


Câu chuyện của thầy giáo Lê Thế Lữ chỉ là một ví dụ nhỏ của giáo dục ở vùng khó, vùng sâu, vùng xa, nơi mà nhiều giáo viên và học sinh đang phải gồng mình vượt qua khó khăn. Ông Đoàn Đức Liêm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) tỉnh Quảng Bình cho biết: “Huyện Tòng Hóa, Minh Hóa, Bố Trạch… là những địa phương mà trường phổ thông dân tộc bán trú còn thiếu chỗ ở cho giáo viên, học sinh. Hiện nay, chi ngân sách cho ngành giáo dục tại Quảng Bình cũng chỉ đủ trả lương cơ bản và những hoạt động chung. Ngân sách xây dựng cơ bản mỗi năm gần như không có, chúng tôi chỉ có thể dựng được vài phòng học, hay kiên cố hóa thêm trường lớp sau những đợt bão, lụt”.


Ông Lương Văn Sòng, Giám đốc Sở GD - ĐT tỉnh Hà Giang cũng cho hay: “Tại tỉnh Hà Giang, nhiều trường phổ thông dân tộc bán trú cũng còn thiếu thốn, chưa đủ nhà lưu trú. Tuy nhiên, Sở GD - ĐT cũng chỉ có thể đề đạt nguyện vọng với tỉnh. Với ngân sách của một tỉnh nghèo, phải khó khăn lắm thì mới tìm nguồn chi để hỗ trợ cho học sinh theo Quyết định 85/2010/QĐ - TTg về việc ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú”.


Thay đổi chính sách đãi ngộ


Theo báo cáo gần đây của Bộ GD - ĐT, những năm qua, bằng nhiều nguồn lực (từ các chương trình, chính sách của Đảng và Nhà nước, xã hội hóa, đặc biệt là chương trình kiên cố hóa trường lớp học), cơ sở vật chất cho giáo dục ở vùng dân tộc và miền núi đã từng bước hoàn thiện với đặc điểm dân cư. Đã xóa được “xã trắng” về giáo dục mầm non, trường tiểu học ở tất cả các xã, trường trung học cơ sở có ở nhiều xã, cụm xã và tất cả các huyện. Tất cả các thôn bản vùng khó khăn đều có điểm trường lẻ tạo cơ hội học tập cho con em các dân tộc thiểu số và miền núi.


Hệ thống trường dân tộc nội trú được đầu tư ngày càng hoàn chỉnh, phủ kín các huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Đề án “Củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú giai đoạn 2011 - 2015” của Chính phủ đảm bảo đến năm 2015 số học sinh phổ thông nội trú bằng 7% số học sinh dân tộc thiểu số trung học; xây dựng các trường theo hướng chuẩn quốc gia và đảm bảo các điều kiện đặc thù… Bên cạnh đó, hệ thống trường bán trú ở vùng khó khăn cũng được thành lập ở các xã và cụm xã. Tính đến hết năm học 2011 - 2012, toàn quốc có 21 tỉnh thành lập được 410 trường phổ thông bán trú các cấp, đáp ứng học tập cho trên 100.000 học sinh.


Đặc biệt, theo đánh giá của nhiều cán bộ quản lý giáo dục thì Quyết định 85/2010/QÐ-TTg ban hành về một số chính sách hỗ trợ học sinh dân tộc bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú của Thủ tướng Chính phủ đã hỗ trợ rất nhiều cho thầy và trò ở vùng khó; tuy nhiên, cũng mới chỉ đáp ứng được phần nào những khó khăn.


“Theo điều tra của Công đoàn giáo dục thì mức lương hiện nay chỉ đáp ứng 60% mức sống tối thiểu của giáo viên nói chung. Mặc dù, Bộ GD - ĐT đã đề xuất với Chính phủ về việc có phụ cấp thu hút đối với chính sách cho giáo viên vùng khó. Tuy nhiên phụ cấp này cũng có những điểm chưa hợp lý. Ngoài phụ cấp thu hút cho giáo viên, theo tôi cũng nên có chính sách cho gia đình giáo viên sống và làm việc ở vùng khó khăn, nhằm góp phần tạo sự ổn định cho nhà giáo”, PGS. TS Trần Công Phong, Chủ tịch Công đoàn giáo dục Việt Nam, chia sẻ.

 

Giáo viên Thạch Sơn, trường tiểu học Hữu Thành B, xã Hữu Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long:

Thu nhập chưa tương xứng

Mặc dù ngành giáo dục đã được sự quan tâm nhiều hơn của Đảng, Nhà nước, nhưng thu nhập của những giáo viên trẻ ở vùng khó khăn vẫn chưa tương xứng với công sức của họ. Ở những nơi có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa, giáo viên còn phải làm rất nhiều việc bên cạnh việc đảm bảo hoạt động chuyên môn. Để đảm bảo sĩ số lớp học, ngoài giờ dạy học, nhiều giáo viên phải lặn lội hàng chục km tới tận nhà để thăm hỏi, động viên. Thậm chí, nhiều giáo viên còn phải chia sẻ công việc nhà, đồng ruộng với học sinh để mong các em đi học chuyên cần. Nhiều người trong số đó vì cống hiến cho sự nghiệp mà quên cả tuổi xuân, đến khi nhìn lại đã “quá lứa lỡ thì”.

PGS. TS Trần Công Phong, Chủ tịch Công đoàn giáo dục Việt Nam:

Thực hiện tốt chính sách luân chuyển

Hiện nay, quy hoạch nguồn nhân lực đang được triển khai trong toàn ngành. Tuy nhiên, cần có chính sách đặc biệt nhằm thu hút giáo viên, nhất là những giáo viên trình độ chuyên môn giỏi về công tác ở vùng khó. Song song với đó cần có chính sách đãi ngộ, tôn vinh kịp thời. Theo tôi biết, việc thực hiện luân chuyển giáo viên công tác miền núi sau 5 năm hiện nay gần như không thực hiện được; nhiều tỉnh có quá nhiều địa phương khó khăn. Do đó, cũng cần phải xem xét và thực hiện tốt chính sách luân chuyển cán bộ.

 

Cô Hoàng Thị Minh, giáo viên trường mầm non xã Quảng Nguyên, huyện Xí Mần, tỉnh Hà Giang:

Mong học sinh đủ ấm và giáo viên đủ chỗ ở

Đa số giáo viên chúng tôi đều phải thuê nhà trọ để ở vì cả trường chỉ có một nhà công vụ. Tuy nhiên, học sinh chúng tôi còn khổ hơn vì mùa đông các em thường co ro trong những manh áo cộc, tới bữa chưa đủ no. Mong rằng thời gian tới các em được đủ ấm tới trường, giáo viên đủ chỗ ở để yên tâm công tác hơn.

Những ngày đầu, mới nhận công tác, công việc quả là rất vất vả vì tôi đảm nhiệm việc dạy học ở bậc học mầm non. Ở bậc học này, cha mẹ ở vùng cao vẫn có quan niệm: “Không quan trọng”. Họ có thể địu con lên nương, để con chơi cùng với các anh chị lớn hơn mà không cần tới trường. Vì vậy, công tác vận động trẻ ra lớp là việc làm mà bất cứ giáo viên nào cũng phải làm tốt bằng mọi cách như: Phối hợp cùng với chính quyền địa phương thăm hỏi, vận động hoặc cùng lên nương làm rẫy, cấy lúa với đồng bào.

Vận động được trẻ ra lớp đã khó, dạy chữ cho trẻ còn khó hơn vì ngôn ngữ bất đồng, nhiều trẻ còn đang bập bẹ tiếng mẹ đẻ và không biết một chữ phổ thông nào. Có lần, tôi nói: “Các em để tay lên bàn”; các em đều đồng loạt nói theo: “Các em để tay lên bàn”. Vì vậy, chúng tôi vừa dạy tiếng phổ thông, vừa học để hiểu cả tiếng mẹ đẻ của các em. Có tạo được sự yên tâm, niềm an ủi cho trẻ thì các em mới thích đi học.

 

Lê Vân - Trọng Thủy(thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN