Phòng chống rét cho trâu, bò: Cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền cơ sở

Khu vực trung du, miền núi phía Bắc hiện có khoảng 1,46 triệu con trâu và 907.000 con bò. Tuy nhiên, do tập quán chăn nuôi trong vùng chủ yếu mang tính quảng canh, thả rông nên thường xuyên gặp rủi ro về dịch bệnh và thiên tai. Mới đây, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên tổ chức Diễn đàn Khuyến nông với chuyên đề “Một số biện pháp phòng chống rét cho gia súc các tỉnh miền núi phía Bắc”.

 

Từ kinh nghiệm cơ sở


Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, đợt lạnh ở vùng núi phía Bắc năm 2008 đã làm chết gần 200.000 con trâu, bò, riêng tỉnh Lào Cai có hơn 18.000 con trâu, bò chết. Còn đợt lạnh năm 2010 ở tỉnh Hà Giang đã làm cho hơn 7.000 con trâu, bò bị chết… Tổng thiệt hại do gia súc bị chết rét từ năm 2008 đến nay khoảng 300 tỷ đồng.


 

Che chắn chuồng trại chống rét cho trâu.

 

Rút kinh nghiệm trong công tác phòng chống rét cho trâu, bò, tỉnh Hà Giang đã kiện toàn Ban chỉ đạo, tỉnh huy động hệ thống chính trị vào cuộc. Khuyến nông thôn, bản đi đầu trong việc hướng dẫn kỹ thuật phòng, chống đói, rét cho gia súc tại gia đình. Trước mùa rét, các thôn, bản tiến hành rà soát các hộ chưa có chuồng nuôi nhốt hoặc chuồng nuôi nhốt còn tạm bợ không đủ khả năng giữ ấm cho trâu, bò trong mùa đông để có phương án hỗ trợ; hướng dẫn đánh đống rơm hoặc làm giá gác ngay trong chuồng để dự trữ thức ăn cho gia súc. Các đơn vị cơ sở thực hiện nghiêm chế độ báo cáo các biện pháp phòng, chống đói, rét về Sở NN&PTNT. Theo đó, khi chưa có thiệt hại báo cáo 2 tuần/lần, bắt đầu từ 15/10/2012 và khi có tình hình thiệt hại xảy ra báo cáo 2 ngày/lần để Sở kịp thời tổng hợp báo cáo UBND tỉnh. Kết quả cho thấy, vụ đông xuân năm 2011 - 2012 tỷ lệ gia súc chết do đói, rét của Hà Giang đã giảm rõ rệt. Cụ thể vụ đông xuân năm 2007 - 2008 là 18.000 con; năm 2010 - 2011 là 7.560 con, đến vụ đông xuân năm 2011 - 2012 chỉ có 44 con (chủ yếu trâu, bò già và bê nghé).


Còn ở Cao Bằng, qua 2 vụ rét đậm, rét hại năm 2008 và năm 2011 đã có 56.445 con gia súc bị chết rét; gây thiệt hại 252 tỷ đồng. Các xã vùng cao có tỷ lệ trâu, bò chết cao hơn các xã vùng thấp do thiếu thức ăn, ý thức phòng chống đói, rét cho gia súc của người dân còn thấp. Vụ đông xuân 2012 - 2013, tỉnh Cao Bằng chủ động hỗ trợ phòng chống rét cho đàn gia súc hơn 6,5 tỷ đồng bằng hỗ trợ thức ăn hỗn hợp cho 21.500 hộ nghèo có chăn nuôi trâu, bò tại 12 huyện; hỗ trợ 400 hộ chăn nuôi thuộc diện nghèo và cận nghèo chưa có chuồng và chuồng bị hư hỏng hoặc di chuyển chuồng gia súc ra khỏi gầm sàn nhà.

 

Huy động sự vào cuộc cả hệ thống chính trị


Tại diễn đàn, các chuyên gia chăn nuôi cho rằng, bên cạnh sự quan tâm hỗ trợ kinh phí của tỉnh thì hệ thống chính trị phải vào cuộc, trong đó ban chỉ đạo phòng chống rét cho gia súc phải là người tiên phong. Bên cạnh đó, các tỉnh miền núi phía Bắc sớm hoàn thiện hệ thống khuyến nông cơ sở để hướng dẫn bà con các giải pháp kỹ thuật phòng chống rét cho vật nuôi, phòng chống các bệnh trên gia súc, các biện pháp chế biến và dự trữ thức ăn thô xanh; giới thiệu các giống cỏ phù hợp, các loại cây thức ăn phát triển trong điều kiện mùa đông…


Để chủ động phòng chống đói, rét cho gia súc, giảm thiểu thiệt hại về chăn nuôi trong vụ đông xuân 2012 - 2013, Cục Chăn nuôi cho rằng, các tỉnh cần lập Ban chỉ đạo và có các hành động cụ thể về phòng chống đói rét cho đàn gia súc; cử các đoàn công tác đi chỉ đạo trực tiếp, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống đói, rét, đặc biệt chú trọng các địa phương vùng cao, những nơi có nguy cơ vật nuôi bị ảnh hưởng nhiều do đói, rét; chủ động sử dụng ngân sách dự phòng của địa phương để phục vụ công tác phòng, chống đói, rét cho vật nuôi; hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ chăn nuôi nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số để gia cố, che chắn chuồng trại và mua thức ăn bổ sung cho đàn gia súc. Đồng thời, cấp cơ sở cần cập nhật diễn biến thời tiết ở địa phương, thông tin kịp thời và thường xuyên cho người chăn nuôi biết, không chủ quan và bị động trong việc phòng, chống đói, rét cho vật nuôi.


Theo PGS.TS. Nguyễn Xuân Trạch, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội: “Các tỉnh miền núi phía Bắc phải tăng cường hoạt động mạng lưới khuyến nông và thú y cơ sở cũng như vai trò của chính quyền địa phương. Thực tế cho thấy, địa phương nào có chương trình hành động cụ thể cho từng ngành, từng cấp, từng người; thực hiện kiểm tra, đôn đốc liên tục đối với cấp dưới và vận động từng hộ dân thì nơi đó ít xảy ra tình trạng trâu, bò chết rét. Giải pháp kỹ thuật chúng ta có khá đầy đủ, nhưng vấn đề hiện nay triển khai ra sao và như thế nào. Muốn vậy chỉ khi các cấp chính quyền vào cuộc quyết liệt thì mới mang lại hiệu quả”.


Thu Thủy - Xuân Cường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN