Sống chung với ô nhiễm

Hơn 13.000 người dân ở xã Sa Nhơn và thị trấn Sa Thầy thuộc huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum phải sống trong môi trường ô nhiễm đã 10 năm nay. Tình trạng này bắt đầu từ khi Nhà máy tinh bột sắn Thịnh Phát đi vào hoạt động. Nước thải của nhà máy chảy xuống suối Đắk Sia chạy quanh nhà máy khiến nước suối đen ngòm. Dòng nước đen này chảy quanh qua các cánh đồng rồi vào thị trấn, khiến không khí ở nơi đây bao trùm trong ô nhiễm.


Trưởng thôn Nhơn Bình, xã Sa Nhơn, A Hữu khẳng định, năm nay, không dưới 5 lần thôn và xã phối hợp kiểm tra và phát hiện nhà máy xả nước thải ô nhiễm trực tiếp ra suối. Ngoài ra, còn có 4 lần thôn và xã phối hợp với huyện, tỉnh kiểm tra. Năm nào cũng kiểm tra nhiều lần nhưng rồi... đâu lại vào đấy.


Ông Đào Duy Hiến, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sa Thầy cũng khẳng định, mỗi năm đoàn cán bộ xã, huyện và đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh kiểm tra 3 - 4 lần. Tuy nhiên, không hiểu sao lịch kiểm tra dày như vậy mà việc gây ô nhiễm môi trường từ nhà máy không hề giảm. Lần kiểm tra gần đây nhất là giữa tháng 4, đoàn kiểm tra liên ngành đã yêu cầu nhà máy ngưng hoạt động. Tuy nhiên, việc làm mạnh tay trên lại “vô tình” trùng với thời điểm niên vụ sắn đã vào cuối vụ, nhà máy ngưng hoạt động để bảo trì máy móc.


Tuy nhà máy đã ngưng hoạt động được hơn 1 tháng nhưng mùi hôi thối vẫn bao phủ khắp vùng. Trước cổng nhà máy có cả đống bã sắn, bên trong, 2 bể lọc nước bẩn vẫn tràn qua bể và thoát ra môi trường. Chỉ cần 1 trận mưa, lượng nước sẽ vô tư tràn xuống suối Đắk Sia. Bản thân 2 bể trên chỉ cách con đường chính liên xã có vài bước chân. Ngoài ra, khuôn viên nhà máy cũng chẳng thể mở rộng để xây dựng bể, sân phơi nên nhà máy "vô tư" phơi bã sắn dọc bờ suối và trên tuyến đường liên xã.


Người dân nơi đây gần như đã chấp nhận sống chung với ô nhiễm bởi mặc dù đã kiểm tra nhiều lần mà vẫn chẳng thay đổi được gì.

 

Cao Nguyên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN