Sư phạm “soán ngôi” kinh tế

Ngày 22/4 là hạn cuối nộp hồ sơ dự thi ĐH, CĐ năm 2013. Theo thống kê ban đầu của các trường ĐH, THPT, nơi tiếp nhận hồ sơ của thí sinh, năm nay, sự lựa chọn khối ngành của thí sinh đã có sự thay đổi so với các năm trước.

 

Sư phạm “lên ngôi”


Nếu như các năm trước, sư phạm là một trong số các ngành ít được thí sinh lựa chọn thì năm nay, số hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) ĐH, CĐ vào khối ngành sư phạm đã tăng so với mọi năm.


 

Thí sinh nghe tư vấn chọn ngành tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2013 tại TP Hồ Chí Minh.

 

“Năm ngoái, số hồ sơ dự thi vào ngành sư phạm chỉ khoảng chục bộ thì năm nay, chúng tôi đã thu tới vài chục bộ hồ sơ”, bà Phạm Thị Hạnh, cán bộ thu nhận hồ sơ tại Phòng Giáo dục - Đào tạo (GD - ĐT) quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết. Tại một số trường THPT, số thí sinh đăng ký vào ngành sư phạm cũng tăng. Tại trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), Ban Giám hiệu nhà trường cho biết, số hồ sơ ĐKDT vào ngành sư phạm tăng lên rõ rệt. Năm trước, cả trường chỉ có 10 hồ sơ, đến khi thi chỉ còn vài em thì năm nay số hồ sơ ĐKDT vào ngành này đã tăng lên vài chục bộ.


Cơ quan đại diện Bộ GD - ĐT tại TP Hồ Chí Minh đã thu nhận tổng cộng hơn 22.000 hồ sơ của thí sinh tự do. Trong đó, nhiều hồ sơ ĐKDT vào ĐH Sài Gòn, ĐH Sư phạm, ĐH Y Dược, ĐH Nông Lâm. Đại diện Phòng Đào tạo ĐH Sài Gòn cho biết, trường đã nhận được 2.700 hồ sơ, trong đó, khối ngành sư phạm chiếm đến 2/3 tổng số hồ sơ. ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh cũng nhận được hơn 1.000 hồ sơ ĐKDT trực tiếp tại trường. Đại diện nhà trường dự báo, số hồ sơ năm nay có thể sẽ tăng hơn năm ngoái khoảng 2.000 bộ. ThS Nguyễn Anh Đức, Trưởng phòng Công tác Học sinh - Sinh viên, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho biết, có 2.450 hồ sơ ĐKDT nộp trực tiếp tại trường (trong đó, có gần 200 hồ sơ ĐKDT liên thông), tăng hơn 40% so với năm trước.


Ngoài khối ngành sư phạm, thí sinh cũng có xu hướng chọn các ngành xã hội, kĩ thuật. Cụ thể, ĐH Bách khoa Hà Nội nhận khoảng 1.600 hồ sơ, tăng 10% so với năm trước. TS Mai Đức Ngọc, Trưởng Ban quản lí đào tạo, Học viện Báo chí Tuyên truyền cho biết, lượng hồ sơ dự thi của thí sinh nộp trực tiếp tại trường năm nay tương đương năm ngoái. Còn theo ông Lê Quốc Hạnh (Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Hà Nội), năm nay số thí sinh đến trường nộp hồ sơ tăng 20% so với năm ngoái. Theo ông Hạnh, số lượng hồ sơ ĐKDT vào ngành xã hội năm nay tăng đột biến ngành kinh tế mất lợi thế do suy giảm kinh tế.

 

Trường kinh tế top trên vẫn “hot”


Ông Trần Mạnh Dũng, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng (Hà Nội) cho rằng, nhiều thí sinh đã rời bỏ ngành kinh tế, một ngành “hot” trong nhiều năm qua. Theo ông Dũng, đến sát hạn chót nộp hồ sơ dự thi 1 ngày, số hồ sơ thí sinh nộp trực tiếp tại học viện mới chỉ có 500 bộ, ít hơn năm trước khoảng 500 hồ sơ. Ông Dũng nói: “Tình hình khủng hoảng kinh tế, nhân lực ngành tài chính ngân hàng đang bão hòa đã tác động đến xu hướng chọn ngành của thí sinh”.


Tuy nhiên, tại các trường ĐH “top đầu”, lượng hồ sơ nộp trực tiếp tại trường vẫn giữ ở mức ổn định hoặc sụt giảm không đáng kể. ĐH Ngoại thương nhận số hồ sơ tương đương năm trước. Học viện Tài chính nhận được 900 hồ sơ, tăng so với năm ngoái. Còn tại ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, số hồ sơ khối ngành kinh tế chiếm khoảng 75% số hồ sơ dự thi vào.


Ông Hoàng Hữu Niềm, Trưởng Phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD - ĐT Hà Nội cho biết, tính đến ngày 22/4, Sở đã nhận được số hồ sơ từ các quận, huyện gửi về. Theo đó, tổng số hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh tại Hà Nội là hơn 164.000 bộ. “Với số thí sinh dự thi khoảng 70.000 em, thì trung bình mỗi em nộp khoảng 2,4 bộ hồ sơ”, ông Niềm nói.


Hiện Sở GD - ĐT, các trường ĐH, CĐ tổng hợp số lượng hồ sơ. Dự kiến, cuối tháng 5 sẽ có thông tin chính thức của Bộ về số thí sinh dự thi vào từng ngành và tỉ lệ chọi của từng trường. Tuy nhiên qua những số liệu phân tích ban đầu, có thể thấy, nhu cầu nhân lực của xã hội đã tác động rất lớn đến việc lựa chọn ngành dự thi của thí sinh.

 

Hoàng Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN