Triều Tiên hủy bỏ hiệp định đình chiến với Hàn Quốc

Tình hình bán đảo Triều Tiên lại thêm căng thẳng khi CHDCND Triều Tiên ngày 11/3 chính thức tuyên bố hủy bỏ hiệp định đình chiến ký vào cuối cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 do Hàn Quốc và Mỹ bắt đầu tiến hành cuộc tập trận chung "Giải pháp then chốt" như dự kiến.


 

Binh sĩ CHDCND Triều Tiên diễn tập quân sự ngày 6/3, một ngày sau khi nước này cảnh báo hủy bỏ thỏa thuận ngừng bắn với Hàn Quốc. Ảnh: Kyodo/TTXVN

 

Hãng tin Kyodo (Nhật Bản) dẫn tờ "Rodong Sinmun", cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, đưa tin hiệp định đình chiến này "hoàn toàn bị hủy bỏ kể từ hôm nay (11/3)" và vũ khí của Triều Tiên đã được đưa vào vị trí sẵn sàng chiến đấu. Bài báo có đoạn viết: "Giờ là thời điểm cho trận chiến cuối cùng" và "không ai có thể dự đoán được điều gì có thể xảy ra tại khu vực này”, ám chỉ khả năng Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử thiết bị hạt nhân tiếp theo hoặc có các hành động tấn công quân sự khác.


Cùng ngày, Bộ Thống nhất Hàn Quốc xác nhận Triều Tiên đã cắt đường dây nóng liên lạc giữa hai miền vốn được thiết lập để giải quyết các sự cố xảy ra tại khu phi quân sự ở biên giới. Triều Tiên từng cảnh báo sẽ cắt đường dây nóng này, đồng thời hủy các thỏa thuận không xâm lược giữa hai miền, sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) thông qua nghị quyết tăng cường trừng phạt Bình Nhưỡng. Tuần trước, Bộ Chỉ huy tối cao quân đội Triều Tiên cũng cảnh báo sẽ hủy bỏ hiệp định đình chiến nếu Hàn Quốc và Mỹ tiến hành tập trận chung.


Bất chấp những đe dọa của Triều Tiên, ngày 11/3, cuộc tập trận chung thường niên "Giải pháp then chốt" giữa Hàn Quốc và Mỹ vẫn diễn ra. Theo kế hoạch, cuộc tập trận sẽ kéo dài tới ngày 21/3 với sự tham gia của 10.000 binh sĩ Hàn Quốc và 3.500 lính Mỹ cùng nhiều loại máy bay chiến đấu, trong đó có máy bay tàng hình F-22 và máy bay oanh tạc B-52. Hai tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Lassen và USS Fitzgerald cũng tham gia tập trận. "Giải pháp then chốt" được tiến hành song song với cuộc tập trận "Đại bàng non" kéo dài từ ngày 1/3 đến 30/4 với khoảng 200.000 binh sĩ Hàn Quốc và 10.000 lính Mỹ tham gia.


Hai cuộc tập trận trên diễn ra trong bối cảnh tình hình bán đảo Triều Tiên diễn biến căng thẳng sau khi Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân lần thứ ba hôm 12/2 vừa qua và HĐBA LHQ thông qua nghị quyết tăng cường trừng phạt Bình Nhưỡng do vụ thử này.


Trong khi Mỹ và Hàn Quốc khẳng định các cuộc tập trận này diễn ra thường niên và chỉ mang tính phòng thủ đơn thuần, thì Triều Tiên lại cho rằng rằng đó là hành động nhằm chuẩn bị cho việc xâm lược nước này. Bộ Ngoại giao Triều Tiên từng cảnh báo một cuộc chiến tranh giữa hai miền Triều Tiên là “khó tránh khỏi”, đồng thời đe dọa sẽ “tấn công phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân” đối với Mỹ và Hàn Quốc.


Theo nhận định của các chuyên gia, căng thẳng giữa hai miền Triền Triên đang đem lại những khó khăn cho Tổng thống mới của Hàn Quốc Park Geun-Hye, người đã nhậm chức hai tuần trước song vẫn chưa thông qua được vị trí chủ chốt như Bộ trưởng Quốc phòng, Cố vấn an ninh quốc gia và Giám đốc cơ quan tình báo.


Trong một diễn biến liên quan, tân Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye ngày 11/3 đã tổ chức cuộc họp nội các đầu tiên nhằm tìm biện pháp giảm bớt căng thẳng đang gia tăng giữa hai miền Triều Tiên, đồng thời tháo gỡ các sức ép khác khi dự luật cơ cấu lại chính phủ vẫn chưa được quốc hội nước này thông qua.


Theo dự luật cơ cấu chính phủ mới do chính quyền của bà Park Geun-Hye đệ trình quốc hội, nội các mới sẽ gồm 18 thành viên. Mặc dù Bộ trưởng Quốc phòng và 4 bộ trưởng khác vẫn chưa hoàn tất quá trình điều trần và chất vấn ở quốc hội nhưng bà Park Geun-Hye vẫn dự kiến sẽ trao quyết định bổ nhiệm chính thức cho các bộ trưởng vào ngày 12/3.


Lê Hải (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN