Trung Quốc đối mặt vấn nạn béo phì

Trung Quốc đang phải đối mặt với thực trạng tăng nhanh số người béo phì, khi mà lối sống ưa thích đồ ăn nhanh (fast food), lười tập thể dục đã trở nên phổ biến tại quốc gia này.

Đo trọng lượng xác định tình trạng thừa cân ở Trung Quốc.


Nền kinh tế tăng trưởng mạnh đồng nghĩa với việc người dân được hưởng thụ chất lượng cuộc sống tốt hơn, tỷ lệ người khá giả trong xã hội cũng cao hơn. Tuy nhiên, những chỉ số tốt đẹp về kinh tế cũng làm tăng số người có “vòng eo bánh mì”.


Nghiên cứu do Viện Khoa học thể thao Trung Quốc tiến hành mới đây trên 43.000 người trưởng thành cho thấy, 11% số người trong độ tuổi 20 - 39 mắc chứng béo phì, tăng 2% so với thời điểm khảo sát năm 2010.


Một công trình khảo sát khác của Tổng cục Thể dục thể thao Trung Quốc được thực thiện trên 10 tỉnh thành và vùng tự trị cũng cho thấy, 34,4% dân số Trung Quốc trong độ tuổi 20 - 69 thuộc diện thừa cân. Tỉ lệ này đặc biệt cao trong nam thanh niên cũng như các nữ trung niên ở vùng đô thị, nơi “chứng kiến” thành tựu phát triển kinh tế nhanh chóng.

Số trẻ em Trung Quốc béo phì ngày một tăng.


Người Trung Quốc được biết đến với dáng vóc thanh mảnh, chế độ ăn truyền thống của họ cũng chú trọng đến sự hài hòa giữa thịt, rau, tinh bột và hoa quả... Thế nhưng, các chuỗi cửa hàng ăn nhanh đang “mọc lên như nấm” tại các thành phố lớn, với những thương hiệu nổi tiếng như McDonald’s, Pizza Hut, KFC... là lý do giải thích tại sao tỉ lệ béo phì, đặc biệt trong trẻ em, tại khu vực thành thị Trung Quốc đang ngày càng gia tăng.


Một lý do khác cũng cần phải nhắc đến là chính sách “một con” của chính phủ Trung Quốc. Vì là con một nên trẻ em được các bậc cha mẹ và người lớn cưng chiều quá mức, chúng được thoải mái lựa chọn đồ ngọt và đồ ăn nhanh theo ý thích.


Wang Li, 28 tuổi, một nhân viên môi giới chứng khoán cho biết, chưa bao giờ số người phát phì tại Trung Quốc lại nhiều như hiện nay. “Đồ ăn hiện nay có quá nhiều dầu mỡ trong khi mọi người lại lười tập thể dục. Như tôi đây, sau bữa trưa, tôi lại vùi đầu vào công việc, về nhà thì người mệt bã, chẳng muốn cử động gì nữa. Nhìn chung, cả ngày tôi chỉ có hai tư thế một là ngồi, hai là nằm mà thôi”, Li lý giải.


Đây cũng là tình trạng chung trong xã hội Trung Quốc hiện đại - người dân từ bỏ thói quen tập thể dục do những áp lực từ công việc và học hành.


Tại Trung Quốc đã bắt đầu xuất hiện các tiếng nói yêu cầu chính phủ nỗ lực hơn nữa để nâng cao nhận thức của người dân về sức khỏe cộng đồng. Xing Wenhua, giáo sư tại trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Kinh, cho rằng “cần tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền để người dân thấy được việc luyện tập thể thao không chỉ có tác dụng giữ cho cơ thể khỏe mạnh, mà còn giúp giải thoát sức ép, cảm giác tiêu cực - điều đặc biệt quan trọng đối với giới trẻ hiện nay”.


HT (Theo The Independent)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN