Vĩnh biệt Nelson Mandela - người con vĩ đại của Nam Phi

20 giờ 50 ngày 5/12, tại thành phố Johannesburg, một con người vĩ đại của đất nước Nam Phi đã về với thế giới bên kia. Đó là Nelson Mandela, “người cha” của nhân dân Nam Phi, vị tổng thống da đen đầu tiên của “đất nước cầu vồng”.


Ông là người anh hùng đấu tranh không mỏi mệt chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid, một con người đã hi sinh tự do của mình để mang tự do đến cho người khác. Dù sự ra đi của ông không bất ngờ nhưng người ta không khỏi bàng hoàng và cay sống mũi. Thế giới kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt ông, Madiba, cái tên thân thương mà người dân Nam Phi đã gọi ông.


Nước mắt và tiếng hát


Bằng giọng nghẹn ngào, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma ngày 6/12 xuất hiện trên truyền hình thông báo tin buồn: “Đất nước chúng ta đã mất đi người con vĩ đại nhất. Dân tộc chúng ta đã mất đi một người cha… Ông Nelson Mandela đã đưa chúng ta xích lại gần nhau, và cùng với nhau, chúng ta nói lời tiễn biệt ông”. Tổng thống Zuma nhấn mạnh: “Mặc dù biết trước rằng ngày này nhất định sẽ tới, song không gì có thể xoa dịu nỗi đau sâu sắc ấy”.

 

Chân dung ông Mandela.AFP/TTXVN


Sau khi tin buồn được phát đi, người dân Nam Phi vội vã đến nhà riêng của ông Mandela ở khu vực ngoại ô Houghton, thành phố Johannesburg. Tâm trạng của những người ở quanh khu vực nhà ông Mandela mỗi người một khác. Có người cố kìm nước mắt, có người lại nhảy múa ca hát tôn vinh người anh hùng của họ. Góc này, một người phụ nữ lặng lẽ thắp nến. Góc kia, người ta đặt hoa tưởng niệm ông. Đây đó vang lên kiếng kèn vuvuzela. Nhiều người hô to tên ông.

Được tin ngài Nelson Mandela, nguyên Chủ tịch Đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC), nguyên Tổng thống Cộng hòa Nam Phi đã từ trần ngày 5/12/2013, ngày 6/12/2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi Điện chia buồn đến Chủ tịch ANC, Tổng thống nước Cộng hòa Nam Phi Jacob Zuma.

Điện chia buồn có đoạn viết:

“ Chúng tôi rất xúc động và đau buồn được tin ngài Nelson Mandela, nguyên Chủ tịch Đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC), nguyên Tổng thống Cộng hòa Nam Phi đã từ trần ngày 5/12/2013.

Nelson Mandela là người con ưu tú, người chiến sỹ kiên cường, lãnh tụ kiệt xuất của nhân dân Nam Phi, người đã dành cả cuộc đời mình và đã có những cống hiến hết sức to lớn cho cuộc đấu tranh của nhân dân Nam Phi và nhân dân thế giới chống áp bức, bất công và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, vì tự do, công lý, bình đẳng và tiến bộ xã hội.

Chúng tôi xin gửi tới ANC, Nhà nước và nhân dân Nam Phi cũng như gia quyến Tổng thống Nelson Mandela lời chia buồn sâu sắc nhất. Chúng tôi tin tưởng rằng nhân dân Nam Phi sẽ biến đau thương thành sức mạnh đoàn kết, đưa Nam Phi vượt qua mọi thử thách và tiếp tục đạt nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp phát triển đất nước”.


Tại quảng trường Nelson Mandela ở khu vực Sandton thuộc Johannesburg, sáu người đứng dưới chân bức tượng đồng Mandela tỏ lòng kính trọng ông. Họ gồm hai người da trắng, hai người da đen và hai người da đỏ, đại diện cho “đất nước cầu vồng” Nam Phi mà ông Mandela đã cống hiến suốt cuộc đời. Nhiều người dân đã mang theo hoa và nến đặt quanh bức tượng. Khi được phỏng vấn, có người đã bật khóc.

 

 

Người dân tưởng niệm với nến và hoa ở gần nhà ông Mandela tại Johannesburg.


Trước ngôi nhà cũ của ông Mandela ở thị trấn Soweto, rất đông người dân đã tập trung ngay từ khi trời còn tờ mờ sáng. Người ta nắm tay thành vòng tròn giữa phố Vilakazi, hát những bài hát trong cuộc cách mạng chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.


Trước đó, ông Mandela đã phải nhập viện ở thủ đô Pretoria do liên tục bị viêm phổi trong vài năm trở lại đây. Ông từng bị lao khi ở trong tù và sức khỏe ngày càng xuống dốc, có lúc tưởng như không qua khỏi. Sau khi ra viện hồi tháng 9/2013, ông tiếp tục chống chọi với bệnh tật tại nhà riêng ở Johannesburg dưới sự chăm sóc của gia đình. Ông vừa tròn 95 tuổi vào ngày 18/7/2013.


Mặc dù hiếm khi xuất hiện trước công chúng trong thời gian qua nhưng ông Mandela luôn giữ một vị trí đặc biệt trong tâm thức của Nam Phi và thế giới. Thông điệp hòa giải, không trả thù đã truyền cảm hứng cho cả thế giới sau khi ông đàm phán hòa bình chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc ở Nam Phi.


Thế giới nói lời vĩnh biệt


Trong những ngày tới, các địa điểm gắn liền với dấu ấn của ông Mandela chắc chắn sẽ chật kín người dân Nam Phi và quốc tế mong được nói lời giã biệt với một con người vĩ đại. Cả đất nước sẽ để cờ rủ từ ngày 6/12 cho đến sau lễ quốc tang.

Nét chính trong cuộc đời Nelson Mandela

- Ngày 18/7/1918: Ông Nelson Mandela sinh ra tại làng Qunu ở Transkei, con trai út trong một gia đình thuộc bộ tộc Thembu.

- Năm 1944: Đồng sáng lập Liên đoàn Thanh niên thuộc Đại hội Dân tộc Phi (ANC).

- Năm 1964: Ông bị kết án chung thân, ngồi tù ở đảo Robben ngoài khơi Cape Town.

- Năm 1990: Ông được trả tự do sau khi Tổng thống Nam Phi bỏ lệnh cấm ANC và các phong trào giải phóng của đảng này.

- Năm 1993: Giành giải Nobel Hòa bình. - Năm 1994: Trở thành tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi.

- Năm 2007: Thành lập một tổ chức quốc tế gồm các nguyên thủ quốc gia đã về hưu để góp phần giải quyết các vấn đề lớn của thế giới.

- Năm 2013: Nhập viện vì tái phát viêm phổi, được ra viện và qua đời tại nhà riêng ngày 5/12/2013.


Trong vài ngày tới, thi hài ông sẽ được đưa tới một bệnh viện quân đội và ướp. Quan tài ông sẽ được đặt tại một tòa nhà rất gần với nơi ông đã tuyên thệ nhậm chức khi trở thành tổng thống dân bầu đầu tiên ở Nam Phi vào năm 1994. Nam Phi sẽ tổ chức cả các buổi lễ truy điệu riêng và chung dành cho ông Mandela, trong đó có lễ truy điệu tại sân vận động Johannesburg với sự tham dự của nhiều nguyên thủ quốc gia.


Ngay sau khi tin buồn truyền đi từ Nam Phi, các lãnh đạo thế giới đã bày tỏ sự tiếc thương, dành những lời tôn vinh tốt đẹp nhất để giã biệt ông Mandela.


Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon coi ông Mandela là một “người khổng lồ vì công lý”. Ông nói: “Nhiều người trên toàn thế giới bị ảnh hưởng bởi cuộc đấu tranh hết mình của ông cho tự do, bình đẳng và phẩm giá của con người”.


Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ, ông Barack Obama nói: “Chúng ta có thể sẽ không có những người như Nelson Mandela nữa… ông đã thuộc về thời đại”. Tổng thống Obama đã ra lệnh để cờ rủ ở Nhà Trắng và các tòa nhà công cộng khác cho đến ngày 9/12 - một hành động tôn kính hiếm có dành cho một lãnh tụ nước ngoài.


Tại số 10 phố Downing, Thủ tướng Anh David Cameron bày tỏ: “Một ánh sáng vĩ đại đã biến mất trên thế giới”. Tổng thống Nga Vladimir Putin ca ngợi ông Mandela là “một trong những chính trị gia vĩ đại nhất thời hiện đại”. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết người dân Trung Quốc sẽ nhớ mãi những cống hiến nổi bật mà ông đã dành cho nhân loại.


Ngoài các lãnh đạo thế giới, những người nổi tiếng trong giới giải trí và thể thao cũng bày tỏ sự kính trọng với ông Mandela.


Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN