Y tế dự phòng - Bài cuối: Cần chung tay

“Kinh nghiệm thành công của những đợt chống dịch vừa qua chính là sự vào cuộc cả hệ thống chính trị. Sự vào cuộc đó nếu thường xuyên và thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 18 của Quốc hội về đầu tư ngân sách cho y tế dự phòng (YTDP) thì hệ thống sẽ dần có đủ điều kiện về con người, trang thiết bị, cơ sở vật chất”, PGS. TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, khẳng định.

 

Quyết sách của ngành y


Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Từ năm 2007, Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 950/QĐ- TTg về xây dựng các trạm y tế xã thuộc vùng khó khăn... Tuy nhiên, cũng do nguồn ngân sách hạn chế nên cho đến giờ vẫn chưa có kinh phí thực hiện quyết định này. Tuy vậy, Bộ Y tế vẫn tiếp tục đề nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư bố trí 1.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2012 - 2015 để sửa chữa hoặc xây lại các trạm y tế đã xuống cấp. Ngoài ra, với sự hỗ trợ của các nguồn tài trợ, ngành y tế đang từng bước xây dựng một số trạm y tế xã ở các vùng biên giới, vùng hải đảo...


 

Làm tốt công tác YTDP sẽ giúp ngăn chặn dịch bệnh cho cộng đồng. Ảnh: Dương Ngọc- TTXVN

Xác định đào tạo nhân lực là một khâu then chốt để đẩy mạnh chất lượng và khả năng đáp ứng nhiệm vụ của hệ YTDP nên Bộ Y tế cũng rất chú trọng công tác này. Từ năm 2006 - 2007, Bộ Y tế đã mở mã ngành đào tạo chuyên ngành y học dự phòng. Thời gian đào tạo là 6 năm cho nên đến năm 2013 thì khóa bác sĩ YTDP đầu tiên mới ra trường. Tuy nhiên, đây là một chuyên khoa rất khó thu hút sinh viên, có năm chỉ tuyển được 30/100 chỉ tiêu, dù điểm thi đầu vào thấp hơn nhiều so với điểm chuẩn của ĐH Y Hà Nội.


Để tăng cường nguồn nhân lực được đào tạo chuyên sâu cho YTDP, thời gian qua, Bộ Y tế đã chỉ đạo các trường ĐH Y rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình đào tạo này trên cả nước. Căn cứ vào năng lực đào tạo và nhu cầu sử dụng cán bộ, các trường có thể tăng chỉ tiêu tuyển sinh chuyên ngành y học dự phòng trong những năm tới. Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ tăng cường đào tạo theo địa chỉ cho YTDP tuyến huyện, xã; đào tạo bác sỹ liên thông, đào tạo văn bằng 2 hệ YTDP. Đồng thời mở nhiều mã ngành đào tạo cho YTDP như: cử nhân, kỹ thuật viên xét nghiệm… Sử dụng nhiều nguồn vốn hỗ trợ từ các dự án để đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ YTDP tuyến tỉnh...


“Tuy việc đầu tư cơ sở vật chất cho hệ thống YTDP là trách nhiệm của chính quyền địa phương nhưng tới đây, Bộ Y tế sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá về thực trạng của trung tâm y tế tuyến huyện. Trên cơ sở đó tham mưu, đề xuất với Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố có những đầu tư phù hợp hơn cho hệ thống YTDP”, PGS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết.

 

Tăng giám sát, giảm sự lơ là


Theo GS.TS Nguyễn Trần Hiển, để hạn chế tình trạng dịch đến hẹn lại lên đồng thời cải thiện được tình trạng quá tải bệnh viện thì ngành YTDP cần được đầu tư về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị. Đặc biệt, ngành cần có đủ nguồn lực để xây dựng được một hệ thống giám sát chủ động đối với các bệnh dịch.


Muốn vậy, cần tăng cường sự chủ động của chính quyền các cấp, sự tham gia của các ban, ngành đoàn thể trong hoạt động phòng chống dịch bệnh. Củng cố hệ thống y tế, đặc biệt là trung tâm y tế huyện và trạm y tế xã/phường để thực hiện tốt các nguyên lý và nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu mà chúng ta đã thực hiện khá tốt trong những năm 80 của thế kỷ trước như: Giáo dục sức khỏe, dinh dưỡng, môi trường - nước sạch, sức khỏe bà mẹ trẻ em - kế hoạch hóa gia đình, tiêm chủng mở rộng, phòng chống dịch bệnh, khám và điều trị bệnh thông thường và chấn thương, thuốc thiết yếu, quản lý sức khỏe, xây dựng và củng cố mạng lưới y tế cơ sở...


“Nhưng trước mắt, cần phải giám sát chặt việc thực thi các quyết định của Chính phủ về đầu tư cho YTDP. Đơn cử, Chiến lược quốc gia về YTDP Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 đã khẳng định, việc tập trung đầu tư cho YTDP là trách nhiệm của hội đồng nhân các cấp, các bộ, ngành. Nghị quyết 18 ngày 3/6/2008 của Quốc hội cũng đã quy định phải dành 30% ngân sách y tế cho YTDP... Tuy nhiên, do thiếu sự giám sát nên việc triển khai những quy định này còn lỏng lẻo. Do đó, cần có đơn vị đảm nhận vai trò giám sát, kịp thời kiến nghị với Chính phủ những địa phương chưa thực hiện đúng các quy định của Đảng và Nhà nước”, GS.TS Nguyễn Trần Hiển đề xuất.


Vâng, để vực dậy hệ thống YTDP thì còn cần rất nhiều quyết sách của cả ngành y và chính quyền các cấp. Nhưng vì YTDP chính là một phần xương sống của ngành y nên nhiều chuyên gia y tế cho rằng, ngành y cần phải tiên phong trong mọi hoạt động vì sự phát triển bền vững của hệ thống này. Và để thay lời kết cho loạt bài, xin được trích dẫn ý kiến mà GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam đã chia sẻ, đó là: “Trên vai người lãnh đạo ngành y là đôi quang gánh rất nặng mà một bên là hệ thống YTDP và bên còn lại là hệ điều trị. Nếu chỉ chú trọng đầu tư cho điều trị mà sao nhãng hệ YTDP thì hậu quả sẽ là sự gia tăng bệnh dịch và tỷ lệ người dân mắc bệnh. Căn bệnh quá tải bệnh viện như vậy cũng khó lòng được điều trị tận gốc. Do đó, trách nhiệm của người lãnh đạo ngành y là phải tạo được sự cân bằng giữa hai đầu “quang gánh”. Có vậy thì ngành y tế mới phát triển bền vững, hoàn thành tốt được nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”.

 

Phương Liên

Y tế dự phòng- Bài 4: Sự thầm lặng của những 'chiến sĩ' chống dịch
Y tế dự phòng- Bài 4: Sự thầm lặng của những 'chiến sĩ' chống dịch

Luôn phải xông pha nơi tuyến đầu mỗi khi dịch, bệnh bùng phát nên những cán bộ y tế dự phòng thường xuyên phải đối diện với nguy cơ lây nhiễm, thậm chí bị tử vong bởi những bệnh dịch nguy hiểm. Công việc vất vả là vậy nhưng đời sống của nhiều cán bộ y tế dự phòng đang gặp rất nhiều khó khăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN