Bảo đảm ổn định cuộc sống người dân khi thành lập thành phố Thủ Đức

Ngày 24/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Nội vụ và UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị "Phiên họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định và hướng dẫn tổ chức chính quyền đô thị Thành phố Hồ Chí Minh".

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN

Ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết: Ban soạn thảo Nghị định đã tiếp thu cơ bản các ý kiến, đồng thời tiếp tục lấy ý kiến về các vấn đề như quy định chế độ công vụ với việc bổ sung quy định ký hợp đồng hỗ trợ làm công tác chuyên môn nghiệp vụ. Quy định về cơ chế giám sát quyền lực, thực hiện quyết toán ngân sách của quận, phường cũng như xác định điều kiện để thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh phát triển đột phá.

Dự thảo Nghị định gồm 8 chương 46 Điều. Sau khi nghiên cứu, tiếp thu ý kiến, Ban soạn thảo dự thảo Nghị định thống nhất việc bổ sung quy định về phân cấp, ủy quyền, quy định thêm “Phòng Khoa học công nghệ” của thành phố Thủ Đức. Về chức danh lãnh đạo, thành phố Thủ Đức sẽ có 4 Phó Chủ tịch UBND. Sau khi hoàn chỉnh, dự thảo Nghị định sẽ được Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ xem xét, thông qua.

“Để đảm bảo ổn định công việc cho cán bộ, công chức cũng như giải quyết các thủ tục hành chính cho đến khi thành phố Thủ Đức chính thức đi vào hoạt động ngày 1/3/2021, các cơ quan hành chính vẫn phải hoạt động liên tục, không bị ngưng trệ, đáp ứng nhu cầu của người dân trong sinh hoạt và các hoạt động kinh tế, giao dịch”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết thêm. 

Chú thích ảnh
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN

Theo Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, trên cơ sở các ý kiến tại phiên họp ngày 19/12 vừa qua, UBND Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị cơ quan Trung ương về số lượng Phó Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức không quá 4 người, cơ quan chuyên môn không quá 13 phòng. Thành phố Thủ Đức dự kiến sẽ là trung tâm đổi mới sáng tạo lớn nhất Việt Nam, nên vai trò của khoa học công nghệ rất lớn. Mặt khác theo định hướng, tại đây sẽ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp nên cần có Phòng Khoa học công nghệ, cho phép thành phố thuộc Thành phố Hồ Chí Minh chi ngân sách cho lĩnh vực khoa học công nghệ.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh phát triển các quận 2, 9 và Thủ Đức thành Thành phố Thủ Đức để tập trung đầu tư phát triển thành khu đô thị sáng tạo tương tác cao. Ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

“Thành phố Thủ Đức sẽ trở thành Khu đô thị sáng tạo tương tác cao, là mô hình phát triển dựa trên kinh tế tri thức, kinh tế số, đồng thời là nơi chuyển giao công nghệ mới cho các tỉnh thuộc khu vực Đông Nam bộ và mở rộng các dịch vụ sản phẩm công nghệ 4.0 tại các tỉnh thuộc Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Để phát triển thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ kiến nghị Chính phủ ban hành một Nghị định riêng với chính sách đặc thù cho mô hình thành phố thuộc thành phố”, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết thêm.

Trần Xuân Tình  (TTXVN)
Gấp rút sắp xếp, tổ chức bộ máy Thành phố Thủ Đức
Gấp rút sắp xếp, tổ chức bộ máy Thành phố Thủ Đức

Sau khi Nghị quyết 1111/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị TP Hồ Chí Minh, trong đó có đề án thành lập thành phố Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức, dự kiến ngày 31/12, UBND thành phố sẽ công bố Nghị quyết về việc thành lập mô hình “thành phố trong thành phố” này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN