Nghị quyết mới sẽ giúp TP Hồ Chí Minh phát triển kinh tế, xã hội vượt trội

Kỳ họp thứ V, Quốc hội khóa XV tới đây sẽ xem xét ban hành nghị quyết (NQ) mới thay thế NQ54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh. Với NQ mới này, TP Hồ Chí Minh kỳ vọng sẽ khơi thông các nguồn lực, tạo đà tăng trưởng nhanh, bền vững trong giai đoạn tiếp theo nhằm đảm bảo hiện thực hóa các quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn phát triển thành phố theo các Nghị quyết Trung ương ban hành.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh đang cần có một nghị quyết mới để tháo gỡ khó khăn, đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội.

Giải quyết các điểm nghẽn

So với Nghị quyết 54, dự thảo NQ mới bao gồm nội dung mở rộng hơn và cụ thể hơn trên một số lĩnh vực, được xem là cơ chế mới để gia tăng ưu thế, vị trí của TP Hồ Chí Minh, tạo đà cho những sự phát triển kinh tế, xã hội vượt trội.

Theo NQ54, TP Hồ Chí Minh được thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển trên 4 lĩnh vực: Quản lý đất đai; đầu tư; quản lý tài chính; quyền và cơ chế của cán bộ. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, nhà quản lý, nhiều nội dung triển khai thực hiện theo NQ này còn chậm. Một số cơ chế, chính sách chưa được quy định cụ thể, hoặc còn chờ văn bản hướng dẫn, nên kết quả chưa đạt như kỳ vọng.

Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh cho biết, sự phát triển của TP Hồ Chí Minh đang đứng trước những điểm nghẽn về giao thông, nguồn nhân lực và thể chế. Chính sách pháp luật còn chồng chéo và chung chung, thẩm quyền không rõ, nhiều việc phải xin cấp trên, việc xử lý các vấn đề của Thành phố lớn còn chậm và chưa đáp ứng yêu cầu. Mặt khác, cơ chế nhìn chung còn nặng xin - cho, quy trình, thủ tục còn nặng nề, mất nhiều thời gian trong triển khai, tổ chức, thực hiện. Ngay như thủ tục các dự án mất hàng năm, muốn chỉ định thầu một trường học phải xin tới Thủ tướng.

Bên cạnh đó, yêu cầu mới về xây dựng chính quyền đô thị và hoàn thiện mô hình TP Hồ Chí Minh trong Thành phố đang đặt ra nhiều vấn đề trong quản lý, vận hành bộ máy phù hợp với đặc điểm, tính chất của đô thị đặc biệt. Nhiều việc dồn lên HĐND, UBND và các sở, ngành. Cán bộ, công chức, viên chức TP Hồ Chí Minh đang chịu nhiều áp lực trong thực thi công vụ…

“Trước thực tế này, đòi hỏi cần có cơ chế, chính sách vượt trội để phát huy vai trò của một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục và đào tạo của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước”, bà Thảo nói.

Chú thích ảnh
Nghị quyết mới sẽ giúp TP Hồ Chí Minh đẩy nhanh việc giải ngân đầu tư công để thực hiện các dự án trọng điểm.

Theo các chuyên gia kinh tế, cơ chế đột phá thường đề cập đến ba khía cạnh với điều kiện vượt khỏi khung pháp luật và thực tiễn chính sách thông thường, vốn được áp dụng đại trà. Đó là chính quyền địa phương sẽ được trao quyền lớn hơn để tự quyết định các vấn đề về phát triển, đặc biệt có cả quyền được thiết lập một số quan hệ đối ngoại trực tiếp. Thứ hai, môi trường chính sách, pháp luật về đầu tư, thương mại tại địa phương đó sẽ có sự tự do, thông thoáng hơn, bớt đi các rào cản về giấy phép và thủ tục hành chính. Thứ ba, có các ưu đãi về tài chính cho địa phương đó.

PGS. TS Trần Thọ Quang, Vụ trưởng, Trưởng cơ quan thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Trung, Tây Nguyên đánh giá, trao cơ chế chính sách đặc thù cho TP Hồ Chí Minh là giúp cởi mở môi trường đầu tư, thông thoáng thủ tục để Thành phố tiếp cận làn sóng dịch chuyển sản xuất đang diễn ra mạnh, biến TP Hồ Chí Minh trở thành trung tâm sản xuất ổn định, tạo ra giá trị thật. Sau khi có cơ chế mới, TP Hồ Chí Minh sẽ có thêm điều kiện xây dựng Thành phố khoa học - công nghệ, trung tâm dịch vụ tài chính của đất nước, khu vực và thế giới.

"Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đang phát triển trong điều kiện nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít thách thức. Đáng chú ý, thời gian gần đây, những chỉ số phát triển có biểu hiện khó khăn, động lực tăng trưởng đã suy giảm; tìm kiếm nguồn lực mở rộng nguồn thu ngân sách cho Thành phố cũng như tìm kiếm phương án thúc đẩy tăng trưởng trong giai đoạn mới gặp khó khăn rất lớn. Vì vậy, NQ mới đang được người dân kỳ vọng sẽ là động lực để tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn cho TP Hồ Chí Minh phát triển", PGS.TS Trần Thọ Quang nói.

Ở góc độ khác, PGS.TS Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính Marketing cho biết, trong bối cảnh trợ lực cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển, việc tạo cơ chế đặc thù mới cho TP Hồ Chí Minh là điều khá cần thiết cho cả vùng. Bởi khi đầu tàu kinh tế của cả nước phát triển mạnh mẽ thì các tỉnh, thành lân cận TP Hồ Chí Minh cũng sẽ phát triển theo. Mặt khác, NQ mới được xây dựng cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội hơn NQ54 sẽ là cơ sở pháp lý hữu hiệu để TP Hồ Chí Minh thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội; từ đó phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua...

Đề xuất thể chế, cơ chế vượt trội hơn

Theo đại diện UBND TP Hồ Chí Minh, dự thảo NQ mới bao gồm các quy định thí điểm một số cơ chế chính sách vượt trội phát triển TP Hồ Chí Minh với 6 nội dung cụ thể: quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược TP Hồ Chí Minh; quản lý khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy TP Hồ Chí Minh và thành phố Thủ Đức.

Chú thích ảnh
Người lao động sẽ có thêm nhiều việc làm khi TP Hồ Chí Minh triển khai nghị quyết mới.

TS Hà Thị Thùy Dương, Học viện Chính trị khu vực IV nhấn mạnh, khi những cơ chế vượt trội này được thí điểm thành công ở TP Hồ Chí Minh và giúp cho thành phố phát triển, từ đó đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước cũng như có thể nhân rộng những cơ chế đó ra các địa phương khác để thúc đẩy các địa phương khác phát triển. Việc xây dựng và thí điểm cơ chế vượt trội cho TP Hồ Chí Minh có ý nghĩa toàn quốc, nên tất cả các bộ ngành đều phải tích cực cùng Thành phố nghiên cứu để đề xuất thể chế, cơ chế vượt trội cho thành phố.

Trước khi xây dựng cơ chế vượt trội cho TP Hồ Chí Minh, các đơn vị, nhà quản lý cũng cần chú ý đến tham khảo, học hỏi kinh nghiệm xây dựng thể chế vượt trội cho vùng, địa phương của các nước trên thế giới; bên cạnh đó, xuất phát từ điều kiện thực tế của TP Hồ Chí Minh, những tiềm năng, lợi thế đang có để định hướng phát triển trong tương lai, từ đó xây dựng thể chế vượt trội sát với thực tế và có trọng tâm, trọng điểm. Việc xây dựng cơ chế vượt trội phải tính toán đầy đủ, kỹ lưỡng đến khả năng thực hiện vì đòi hỏi sự phân cấp, phân quyền cho chính quyền Thành phố rất lớn.

“Thí điểm cơ chế vượt trội cho TP Hồ Chí Minh là rất cần thiết cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn. Vấn đề quan trọng là phải có quyết tâm hành động để xây dựng được một thể chế vượt trội hiệu quả, có khả năng thực hiện thành công cơ chế đó để tạo ra sự bứt phá ngoạn mục của thành phố trong tương lai, xứng tầm đô thị dẫn đầu cả nước về nhiều mặt”, TS Hà Thị Thùy Dương chia sẻ.

Trong khi đó, TS Phạm Việt Dũng, Tạp chí cộng sản cho biết, về bản chất, cơ chế đột phá mới chỉ là điều kiện cần, còn hiệu quả thực sự lại phụ thuộc vào tài năng và thực lực của các nhà lãnh đạo địa phương, sự đồng lòng chung sức của người dân. Vì vậy, TP Hồ Chí Minh muốn tận dụng được cơ hội và điều kiện mới từ NQ mới thì cần phải nêu cao tinh thần trách nhiệm để biến các chính sách thành các giải pháp phát triển cụ thể, giúp đời sống người dân tốt hơn, doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn... Ngoài ra, với nghị quyết mới, TP Hồ Chí Minh cũng cần quan tâm đến sự phản hồi từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư và các tầng lớp xã hội để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho họ. Bởi bài toán phát triển luôn luôn được giải quyết bởi sự hợp tác đa bên giữa chính quyền, người dân, doanh nghiệp chứ không chỉ là ý chí và quyết tâm của các cấp chính quyền, lãnh đạo.

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, tính đến nay, Bộ Kế hoạch-Đầu tư và Thành phố đã cơ bản hoàn thiện dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54, thể hiện trên một số khía cạnh, lĩnh vực: quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo… Các nội dung được phân chia thành 4 nhóm: 

- Nhóm 1 là các cơ chế chính sách kế thừa toàn bộ và các cơ chế chính sách sửa đổi, bổ sung đã được quy định tại Nghị quyết số 54.

- Nhóm 2 là các cơ chế chính sách có nội dung tương tự đã được quy định tại các Nghị quyết đặc thù của các địa phương khác như: Hội đồng nhân dân thành phố quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500ha phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị …

- Nhóm 3 là các cơ chế chính sách có trong dự thảo Luật đất đai sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi, dự kiến trình Quốc hội trong thời gian sắp tới như: Ủy ban nhân dân thành phố được ban hành và áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất trong một số trường hợp; Thành phố thực hiện thủ tục về giao đất, thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với diện tích đất hình thành sau khi thực hiện lấn biển, tạo quỹ đất mới, không gian phát triển mới cho thành phố.

- Nhóm 4 là các cơ chế chính sách mới chưa được quy định tại Nghị quyết 54.

 

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh: Ô tô đâm gãy cây xanh rồi lật ngang trên vỉa hè
TP Hồ Chí Minh: Ô tô đâm gãy cây xanh rồi lật ngang trên vỉa hè

Đến hơn 17 giờ ngày 20/5, lực lượng chức năng thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) vẫn đang xử lý hiện trường vụ tai nạn xe ô tô 7 chỗ đâm gãy cây xanh trong Khu công nghệ cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN