TP Hồ Chí Minh: Đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông trong nội thành

Dự thảo Nghị quyết quy định khung tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trong khu vực nội thành tại TP Hồ Chí Minh là điều cần thiết. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần trưng cầu ý kiến của đối tượng áp dụng, cụ thể đây là người dân, người tham gia giao thông, Hiệp hội vận tải thành phố.

Đây là ý kiến của hầu hết các đại biểu là thành viên của Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tại Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết quy định khung tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trong khu vực nội thành trên địa bàn Thành phố. Hội nghị Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng với Công an thành phố tổ chức ngày 11/11.

Cần lấy ý kiến của người dân, hiệp hội về quy định phạt

Chú thích ảnh
 Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, dự thảo Nghị quyết quy định khung tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ này còn nhiều vấn đề cần xem xét lại. Cụ thể, dự thảo vẫn chưa lấy ý kiến của đối tượng trực tiếp chịu tác động là người tham gia giao thông; chưa đánh giá tác động sau khi ban hành; chưa có báo cáo tổng kết việc thi hành xử phạt vi phạm hành chính trong thời gian qua để có cái nhìn khách quan...

Để đảm bảo hiệu quả và tính khả thi của công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông và phòng, chống các vi phạm giao thông đường bộ, Luật sư Nguyễn Văn Hậu đề nghị tạm dừng thông qua dự thảo Nghị quyết Quy định khung tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trong khu vực nội thành trên địa bàn. “Việc tạm dừng này để các sở, ban ngành nghiên cứu thêm và làm lại, xem xét, sửa đổi những bất cập về xử phạt vi phạm hành chính vi phạm giao thông trên thực tế hiện nay của thành phố”, Luật sư Nguyễn Văn Hậu nhấn mạnh.

Thành phố cần phải có thời gian để đánh giá tổng thể về quy trình và hồ sơ xây dựng, ban hành Nghị quyết; một số bất cập trong thực tiễn xử lý hành vi vi phạm giao thông có thể ảnh hưởng đế tính khả thi và hiệu quả thi hành chính sách. Đặc biệt, cần đánh giá những tác động, phản ứng từ người dân; cần cân nhắc việc đưa ra và áp dụng tại thời điểm này bởi nhiều người vẫn đang gặp khó từ sau đại dịch COVID-19 và những tác động của kinh tế thế giới.

Chú thích ảnh
Bà Thi Thị Tuyết Nhung, nguyên Trưởng ban Văn hoá - Xã hội Hội đồng nhân TP Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị.

Tương tự, bà Thi Thị Tuyết Nhung, nguyên Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân Thành phố đã nêu băn khoăn khi ban hành Nghị quyết trong thời điểm này; đồng thời đề xuất lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động bởi việc lưu thông và Hiệp hội vận tải Thành phố về việc gia tăng mức xử phạt.

Đánh giá cao dự thảo và tính khả thi của Nghị quyết, song bà Thi Thị Tuyết Nhung nhấn mạnh về tình hình giao thông hiện nay, việc lưu thông hàng hóa qua cảng đường bộ, cảng đường thủy, các khu chế xuất, khu công nghiệp… đóng vai trò quan trọng và tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế của Thành phố. Do vậy, Thành phố cần xem lại việc phát triển hạ tầng giao thông, giao thông công cộng đến thời điểm này, công tác tuyên truyền về luật giao thông đường bộ, nhận thức của những người tham gia giao thông.

Cùng quan điểm, bà Hoàng Thị Lợi cho rằng, dự thảo Nghị quyết quy định khung tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trong khu vực nội thành của Thành phố dựa trên cơ sở pháp lý luật định đối với khu vực nội thành của thành phố trực thuộc Trung ương. Đặc biệt, từ thực tiễn về ý thức của người tham gia giao thông, tình hình tai nạn giao thông, tình trạng thanh thiếu niên tụ tập chạy xe gây mất trật tự công cộng, các phương tiện thô sơ, cơ giới vận chuyển hàng hóa cồng kềnh và những vi phạm quy định về thi công, bảo trì trong phạm vi đất dành cho đường bộ… nên cần thiết có quy định, chế tài mang tính chất đặc thù riêng biệt của một thành phố.

Tuy nhiên, ngành Giao thông, lực lượng Công an thành phố cùng các ngành chức năng cần tăng cường phối hợp tuyên truyền, cảnh báo, sắp xếp lại các biển báo hiệu giao thông phù hợp để tạo điều kiện cho người tham gia giao thông thực hiện tốt Luật Giao thông đường bộ. Các ngành chức năng cần tăng cường lắp đặt camera giám sát ở những tuyến đường chính; xử phạt thật nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm giao thông; tăng cường tuần tra, kiểm soát; hỗ trợ, giúp đỡ người tham gia giao thông khi cần…

Tại Hội nghị, nhiều đại biểu kiến nghị xem xét, giải thích, phân biệt rõ phạm vi đường vành đai hay nội đô, nội ô, ngoại thành được áp dụng trong dự thảo Nghị quyết quy định khung tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trong khu vực nội thành trên địa bàn thành phố… Nhiều đại biểu cho rằng cần sớm triển khai dự thảo bởi việc tăng số tiền xử phạt sẽ kéo giảm số vụ tai nạn giao thông, tăng cường trật tự an toàn giao thông, bảo vệ tính mạng con người; đồng thời cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về an toàn giao thông, nhất là học sinh, sinh viên...

Mức phạt lên đến 16 triệu đồng

Theo Thượng tá Đoàn Văn Quới, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ, đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh, những năm qua, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp. Số vụ tai nạn giao thông luôn ở mức cao, tỷ lệ phương tiện giao thông tăng hàng năm, tình trạng ùn ứ giao thông xảy ra vào các giờ cao điểm…

Trong khi, ý thức của người tham gia giao thông vẫn còn nhiều hạn chế, chủ quan trong lưu thông (ý thức chưa cao, chưa tự giác, cũng như sự am hiểu về pháp luật giao thông còn kém). Tình trạng người vi phạm vẫn tiếp diễn thường lặp lại đối với một số hành vi vi phạm nhất định (lưu thông ngược chiều, đường cấm, sai làn đường, không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu, dừng, đỗ sai quy định...).

Do sự đa dạng về thành phần tham gia giao thông và nơi lưu trú không cố định, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuyên truyền phổ biến luật giao thông nên cần thiết phải nâng cao giải pháp, các biện pháp chế tài về xử lý vi phạm để nâng cao ý thức chấp hành của người tham gia giao thông.

Chú thích ảnh
Thượng tá Đoàn Văn Quới, Phó Trưởng Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị.

Dự thảo Nghị quyết quy định khung tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trong khu vực nội thành trên địa bàn thành phố áp dụng mức phạt và khung tiền phạt tăng gấp 2 lần so với Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung năm 2021) của Chính phủ và phạm vi áp dụng trên tuyến đường vành đai và nội thành Thành phố Hồ Chí Minh được bố cục gồm 3 chương, 8 điều.

Trong đó, Chương II quy định cụ thể mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính như xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ và quy định về vận tải đường bộ theo hành vi quy định tại Điều 5, Điều 23 Nghị định số 100 của Chính phủ cao nhất là 6 triệu đồng đối với hành vi đi vào khu vực đường cấm. Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ theo hành vi quy định tại Điều 6 Nghị định số 100 của Chính phủ.

Phạt tiền lên đến 16 triệu đồng đối với hành vi buông cả hai tay khi đang điều khiển xe; dùng chân điều khiển xe; ngồi về một bên điều khiển xe; nằm trên yên xe điều khiển xe; thay người điều khiển khi xe đang chạy; quay người về phía sau để điều khiển xe hoặc bịt mắt điều khiển xe. Xử phạt tương tự đối với trường hợp điều khiển xe lạng lách hoặc đánh võng trên đường bộ trong, ngoài đô thị; điều khiển xe chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh, chạy bằng hai bánh đối với xe ba bánh…

Theo bà Phan Kiều Thanh Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội, dịch vụ, du lịch hàng đầu của cả nước và là đầu mối giao thông, giao lưu quốc tế quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của Việt Nam và khu vực. Thành phố còn là đầu mối giao thông quan trọng nối các tỉnh Đông Nam bộ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long… nên tạo sự đa dạng và phức tạp về trật tự giao thông.

Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông chung của thành phố, bà Phan Kiều Thanh Hương cùng nhiều đại biểu đề nghị cơ quan tham mưu cần lưu ý về thời gian, tổ chức thăm dò, lấy ý kiến dư luận xã hội; cần chú trọng trong việc xây dựng văn bản, tờ trình nhất là việc đưa ra định hướng, mục tiêu đạt được thể hiện được ý chí, tâm tư, nguyên vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân thành phố; tránh tình trạng dự thảo Nghị quyết chỉ hướng đến việc xử phạt…

Theo Công an, Thành phố Hồ Chí Minh, tai nạn giao thông luôn ở con số cao mặc dù hàng năm đều được kéo giảm. Tình trạng ùn ứ giao thông vào các giờ cao điểm vẫn còn. Hệ thống vận tải hành khách nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Một số vi phạm quy định về thi công, bảo trì công trình trong phạm vi đất dành cho đường bộ có chiều hướng gia tăng.

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng thanh thiếu niên tụ tập chạy xe gây mất trật tự công cộng gây ảnh hưởng đến tình hình trật tự giao thông, tâm lý bất an cho người tham gia giao thông. Các phương tiện thô sơ, cơ giới ba bánh, xe mô tô kéo theo vật khác vận chuyển các loại hàng hóa cồng kềnh, nguy hiểm gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Việc ban hành Nghị quyết được xem là một trong các giải pháp nhằm cụ thể hóa, thực hiện nhiệm vụ phát triển Thành phố, xây dựng đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố theo nội dung Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025; thực hiện mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông và kiểm soát, xử lý nghiêm tình trạng thanh thiếu niên tụ tập chạy xe gây mất trật tự...

Bài và ảnh: Thanh Vũ (TTXVN)
Trẻ em vi phạm Luật Giao thông đường bộ có được giảm tiền phạt?
Trẻ em vi phạm Luật Giao thông đường bộ có được giảm tiền phạt?

Bạn đọc hỏi: Con tôi 15 tuổi điều khiển xe gắn máy dưới 50 cc, vi phạm lỗi không đội mũ bảo hiểm thì bị xử phạt như thế nào và có được giảm tiền phạt không?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN