TP Hồ Chí Minh tìm giải pháp khơi thông khâu vận chuyển hàng hoá thiết yếu

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, để đáp ứng nguồn cung cho người dân trong khu phong tỏa, cách ly, một số hệ thống phân phối đang áp dụng vận chuyển hàng hóa bổ sung bằng xe hai bánh.

Tại họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn do UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức chiều 30/7, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện các mặt hàng thực phẩm, lương thực ở các địa phương đang vào mùa thu hoạch nên nguồn cung ở các tỉnh khá dồi dào, tuy nhiên việc vận chuyển hàng hóa về Thành phố vẫn gặp khó khăn. Để giải quyết tình trạng này, các bộ, ngành đã có những chỉ đạo kịp thời để tháo gỡ khó khăn ở khâu vận chuyển hàng hóa liên tỉnh thuận lợi hơn.

Chú thích ảnh
Các nhà phân phối cần phân bổ hàng hóa kịp thời hơn đến người dân trong mùa dịch. 

“Lượng hàng về TP Hồ Chí Minh không thiếu, vấn đề ở đây chỉ là kênh phân phối trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có đáp ứng được yêu cầu hay không”, ông Phương nói.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, tính đến nay, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh chỉ còn 27/234 chợ truyền thống còn hoạt động, chủ yếu là các chợ tại các vùng ven ngoại thành. Điều này khiến cho áp lực mua sắm hàng hóa của người dân dồn về các hệ thống phân phối hiện đại.

“Hệ thống phân phối hiện đại trước đây hoạt động từ 6 giờ sáng cho tới 22 giờ, khi người dân có nhu cầu thì đã tăng thời gian lên 24 giờ; trong đó Bách Hóa Xanh cũng đã tăng thời gian phục vụ 24/24. Tuy nhiên, với yêu cầu hiện nay, các hệ thống này hoạt động từ 7 giờ sáng đến 17 giờ hàng ngày, do đó thời gian mua sắm của người dân ngắn lại, số lượng điểm bán giảm xuống. Vì vậy, việc đưa hàng hóa tới cho người dân cũng gặp khó khăn hơn rất nhiều, cần phải có nhiều nỗ lực hơn từ các đơn vị phân phối”, ông Nguyễn Nguyên Phương nói.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, hiện nay, ở các địa bàn nhiều siêu thị và cửa hàng tiện lợi, người dân khi đi mua sắm hàng thiết yếu sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, đối với nhiều địa bàn ít siêu thị, chợ dừng hoạt động thì người dân gặp khó khăn. Do đó, Sở Công thương đã đề xuất một số giải pháp và được UBND TP Hồ Chí Minh chấp nhận triển khai.

Cụ thể, cho các đơn vị phân phối, doanh nghiệp… tăng cường xây dựng các phương án nhanh chóng mở lại các điểm bán lương thực thực phẩm tươi sống, thiết yếu tại các chợ truyền thống đang tạm dừng hoạt động với điều kiện các điểm bán phải đảm bảo an toàn phòng dịch. Đối với trường hợp các chợ truyền thống không tổ chức được điểm bán an toàn, sẽ tổ chức các điểm bán ở khu vực lân cận và địa phương phải hỗ trợ tham gia đảm bảo an toàn phòng dịch. Trong đó, có thể sử dụng cả các tiểu thương của các chợ truyền thống đang tạm dừng hoạt động đứng ra bán hàng, Sở Công thương sẽ đứng ra giới thiệu nguồn hàng để cung ứng cho người dân đầy đủ hơn.

Để đảm ứng nguồn cung cho người dân trong khu phong tỏa, cách ly, một số hệ thống phân phối đang áp dụng vận chuyển hàng hóa bổ sung bằng xe hai bánh. Tuy nhiên, do Thành phố đang kiểm soát chặt việc đi lại giữa các quận, huyện nên việc bổ sung nguồn hàng kịp thời rất khó.

Để giải quyết tình trạng này, Sở cũng đề nghị các quận, huyện và thành phố Thủ Đức hỗ trợ sử dụng các phương tiện để nhận hàng từ các điểm cung ứng hàng hóa của các hệ thống phân phối đưa về địa bàn để bổ sung kịp thời cho người dân.

Tin, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Bình Định cử đoàn cán bộ hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và Bình Dương chống dịch COVID-19
Bình Định cử đoàn cán bộ hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và Bình Dương chống dịch COVID-19

Chiều 30/7, tỉnh Bình Định đã tổ chức Lễ xuất quân tiễn 32 y, bác sỹ tại 5 bệnh viện của địa phương lên đường, nhận nhiệm vụ hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương chống dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN