Chương trình giảm ùn tắc giao thông TP Hồ Chí Minh đang ‘đói’ vốn, thiếu mặt bằng

Phần lớn các dự án thuộc chương trình giảm ùn tắc giao thông tại TP Hồ Chí Minh đang gặp phải khó khăn do thiếu vốn, thiếu mặt bằng khiến các dự án đều đội vốn đã tác động không nhỏ đến đời sống người dân và cả nền kinh tế của thành phố.

Đây là nhận định của ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, khi nói về hiệu quả của chương trình giảm ùn tắc giao thông của TP Hồ Chí Minh trong thời gian qua.

Chương trình chống ùn tắc giao thông, giảm kẹt xe của thành phố chưa đạt được hiệu quả cao.

Theo ông Cường, 50 dự án mà ngành giao thông đang triển khai trên địa bàn đa số đều chậm do thiếu vốn và không có mặt bằng. Chẳng hạn, dự án mở rộng tỉnh lộ 8 gắn với khu công nghiệp Đông Nam dài 7 km được duyệt từ năm 2008 với vốn khi đó là 220 tỉ đồng (trong đó 110 tỉ đồng dành cho giải phóng mặt bằng) nhưng đến nay do vướng mặt bằng, chậm triển khai nên thẩm định lại vốn dự án này đã bị “đội” lên hơn 800 tỉ đồng (trong đó phải mất hơn 600 tỉ đồng cho giải phóng mặt bằng). Hoặc như dự án Trung tâm điều hành giao thông vốn 300 triệu đô la Mỹ tính toán thực hiện từ lâu nhưng cuối cùng đến nay cũng không thực hiện được bởi chưa kêu gọi được vốn ODA…


“Chỉ khi các dự án đang trong quá trình triển khai mới thấy huy động nguồn lực vốn rất khó khăn. Tính toán giai đoạn 2016 - 2020, thành phố cần bố trí khoảng 177.000 tỉ đồng cho dự án giao thông nhưng đến thời điểm này mới chỉ bố trí được 14%. Hoặc như cả dự án đường Vành đai 3 với tổng vốn khoảng 16.000 tỉ đồng (sử dụng vốn Trung ương) sắp tới TP Hồ Chí Minh cũng phải ứng trước từ ngân sách thành phố mới mong có thể đẩy nhanh tiến độ được", ông Cường cho biết.


Có thể nói, khi vốn không cân đối đủ, mặt bằng sạch cho các dự án giao thông bị chậm chuyển giao do bị vướng pháp lý thu hồi đất, thẩm định giá trị đất… đang là những thách thức lớn để chương trình chống ùn tắc giao thông, giảm kẹt xe của thành phố chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.


Theo báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh, trong 6 tháng qua, tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố tuy có chuyển biến nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Qua kết quả kiểm tra hệ thống camera quan sát giao thông và hệ thống định vị GPS các loại phương tiện lưu thông vẫn còn nhiều vị trí có nguy cơ ùn tắc giao thông. Tình trạng ùn ứ giao thông vẫn còn xảy ra thường xuyên, đặc biệt là tại một số khu vực như khu vực cảng Cát Lái và phía Đông thành phố; các tuyến đường như: Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đinh Bộ Lĩnh, Cộng Hoà, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Thị Minh Khai... Những tuyến đường còn tình trạng kẹt xe, ngập nước đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân.


Nhiều chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra rằng, tình trạng ùn tắc giao thông đang từng giờ tác động trực tiếp lên đời sống người dân. Bởi hàng ngày, người dân đi học, đi làm đều cảm thấy di chuyển rất khó khăn hơn, khí thải ô nhiễm nhiều hơn gây ô nhiễm môi trường và thậm chí xa hơn còn ảnh hưởng đến nền kinh tế của thành phố.


Đại diện Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh cho biết, vì ngán ngại cảnh kẹt xe hàng giờ nên nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã chuyển hàng xuất nhập khẩu về cảng Thị Vải - Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) chứ không còn thông qua cảng Cái Lái (TP Hồ Chí Minh), điều này đang khiến nguồn thu thuế của hoạt động xuất nhập khẩu thành phố đang bị giảm sút. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm nay, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đang giảm 4,8% so với cùng kỳ. Ngoài ra, thuế thu từ tiền cho thuê mặt đất, mặt nước cũng giảm khoảng 14%….

TP Hồ Chí Minh cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án trọng điểm để tránh bị đội vốn khi xây dựng, hoàn thiện.

Nhận xét về 7 chương trình đột phá của thành phố, trong đó có nói về hiệu quả của chương trình giảm ùn tắc giao thông, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, đã đến lúc thành phố phải đổi cách làm, phải có sự linh hoạt, thích nghi để có thể được những kết quả đặt ra khi thực hiện các chương trình đột phá. Vừa qua, các chương trình đột phá chưa cho thấy kết quả đột phá như mong muốn, công tác thực hiện các chương trình hiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Ví dụ chương trình giảm ùn tắc giao thông, trong hơn 2 năm qua, việc xây đường mới chỉ đạt 100 km trong tổng số 270 km đường cần xây mới. Do đó, nếu không có giải pháp đột phá thì không thể nào làm nổi 64% diện tích đường còn lại trong nửa nhiệm kỳ cuối. Về đất dành cho giao thông theo quy hoạch, hiện mới chỉ đạt 8,8% trong khi mục tiêu nâng lên 16%. Với tình hình quỹ đất tại TPHồ Chí Minh hiện nay, việc bổ sung thêm đất cho giao thông theo mục tiêu này là rất khó.


“Việc cần làm hiện nay là đẩy mạnh việc thu hút nguồn vốn xã hội hóa cho các dự án trọng điểm, nếu không sẽ rất khó hoàn thành những dự án này trong thời gian tới. Để thu hút nguồn vốn xã hội hóa, thành phố cần đẩy mạnh cải cách hành chính, mở cửa thu hút đầu tư, tạo điều kiện từ các chính sách cho các nhà đầu tư… Khi có vốn thì cần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tránh để kéo dài gây ảnh hưởng đến tiến độ các dự án khiến vốn khi thực thi bị "đội" quá cao”, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.


Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Ngập nước, kẹt xe, lấn chiếm đất công... được đưa ra tại kỳ họp thứ 9 HĐND TP Hồ Chí Minh
Ngập nước, kẹt xe, lấn chiếm đất công... được đưa ra tại kỳ họp thứ 9 HĐND TP Hồ Chí Minh

Kỳ họp thứ 9 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa IX diễn ra vào ngày mai (10/7) sẽ dành nhiều thời gian để các đại biểu tiến hành thảo luận về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2018 của thành phố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN