Đại biểu Vũ Trọng Kim: Cần bổ sung thêm kênh đào, đầm, hồ nước trong điều chỉnh Luật Tài nguyên nước

Nghiên cứu dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đại biểu Vũ Trọng Kim - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định nhận thấy phạm vi điều chỉnh và một số điều của luật này cần thiết phải bổ sung thêm, đó là: Kênh đào, đầm, hồ nước để điều chỉnh.

“Vì sao cũng là kênh nhân tạo - kênh đào có tên hay thế mà Luật Tài nguyên nước chẳng gọi tên”, đại biểu Vũ Trọng Kim nói. 

Chú thích ảnh
Đại biểu Vũ Trọng Kim (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định). Ảnh: TTXVN

Với lập luận đó, đại biểu Vũ Trọng Kim đề nghị trong dự thảo Luật nên có điều luật quy định về quản lý, khai thác và sử dụng, bảo vệ kênh đào. 

Cũng theo đại biểu Vũ Trọng Kim, ở nước ta, loại công trình này mới xuất hiện tại tỉnh Nam Định, đó là kênh đào sông Đáy kết nối sông Ninh Cơ. Đây là công trình đem lại nhiều lợi ích cho dân sinh, cho cả nông, ngư nghiệp và giao thông vận tải, nhất là lợi ích về giảm thời gian vận chuyển, tiết kiệm tiền của nhân dân và doanh nghiệp, vì nó sinh lời khá lớn và ổn định. 

“Nhân dân vùng đồng bằng sông Hồng rất biết ơn Chính phủ đã đầu tư loại công trình mới này trên 100 triệu USD, tương đương với 2.300 tỷ đồng, nay đã hoàn thành và đi vào khai thác sử dụng có hiệu quả”, đại biểu Vũ Trọng Kim nói.

Đại biểu Vũ Trọng Kim cho biết: Kênh đào Suez mệnh danh là kỳ quan thép cùng với 6 kênh đào nổi tiếng khác trên thế giới đã làm thay đổi cục diện giao thông vận tải, phát triển kinh tế khá năng động và thú vị. Như kênh đào sông Đáy - Ninh Cơ này cũng có tính chất hoạt động khoa học công nghệ như kênh đào Suez.

Đại biểu Vũ Trọng Kim cho rằng ông không cường điệu hóa kênh đào sông Đáy - Ninh Cơ. Bởi vì công trình này có tính chất kỹ thuật là phải dùng âu tàu đưa nước lên, nước xuống để tàu, thuyền 2.000 - 3.000 tấn qua lại, vì vậy rất xứng đáng có chỗ đứng trong Luật Tài nguyên nước. 

Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định đề nghị, Chính phủ cần ban hành quy phạm pháp luật để quản lý, khai thác và sử dụng loại công trình này, kể cả việc phòng, chống, khắc phục hậu, quả tác hại do nước hoặc sự cố công trình nước thì không nên bỏ qua loại công trình mới xuất hiện ở nước ta.

“Nước là loại tài nguyên quan trọng, thiếu nước 5 - 7 ngày con người có thể chết. Với tầm nhìn xa, tôi đề nghị cần có ý tưởng cho một kế hoạch mới, chủ động cho tương lai khi xuất hiện một kênh đào mới”, đại biểu Vũ Trọng Kim nói.

“Đề nghị Quốc hội hãy coi kênh đào - một thuật ngữ mới để có chế định, chế tài vào các Điều 3, Điều 39, Điều 53 và các điều khoản khác cho tương thích với một loại công trình mới, với nguồn lợi đa chiều. Một loại công trình cũ của thế giới nhưng là công trình mới của Việt Nam cần quan tâm”, đại biểu Vũ Trọng Kim đề nghị.

V.Tôn/Báo Tin tức
Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi): Thể chế hóa chính sách mới về quản lý tài nguyên nước
Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi): Thể chế hóa chính sách mới về quản lý tài nguyên nước

Thời gian qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức các phiên họp về xây dựng dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), tập trung vào 4 nhóm chính sách: Bảo đảm an ninh nguồn nước; xã hội hóa ngành nước; kinh tế tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra và đề xuất sửa đổi bổ sung một số chính sách khác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN