Đẩy mạnh chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động

Sáng 9/9, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã tổ chức khai mạc “Giải Vô địch bóng đá công nhân toàn quốc 2023 - National Worker’s Football Championship 2023” và “Ngày hội công nhân” tại Hải Phòng. Nhân sự kiện này, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã trả lời phỏng vấn báo chí về việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động.

Thưa ông, những năm qua, Đảng, Nhà nước và tổ chức Công đoàn đã dành nhiều nguồn lực để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động. Ông có thể đánh giá về thành quả, những chuyển biến tích cực của việc này?

Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ). Đảng ban hành nhiều chủ trương, chỉ thị, nghị quyết về xây dựng giai cấp công nhân, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho CNVCLĐ như Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban chấp hành (BCH) Trung ương Đảng (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH, HĐH) đất nước”, Chỉ thị số 52-CT/TW ngày 9/1/2016 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống tinh thần cho CNLĐ khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX)”….

Chú thích ảnh
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, phát biểu tại lễ khai mạc.

Gần đây nhất, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định “Xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh… Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nhà ở và phúc lợi xã hội cho công nhân; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân…”. Thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật, tạo hành lang pháp lý bảo đảm quyền lợi, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho CNVCLĐ. Thực hiện chủ chương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, với trách nhiệm của mình, những năm qua, tổ chức Công đoàn luôn chú trọng, coi nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, CNVCLĐ được các cấp công đoàn triển khai ngày càng thiết thực, hiệu quả, quy mô lớn trên diện rộng với nhiều chương trình, mô hình tốt, sáng tạo đã trở thành dấu ấn riêng biệt của Công đoàn như: “Tết Sum vầy”, “Tháng Công nhân”, “Mái ấm Công đoàn”, “Phúc lợi đoàn viên”…

Giai đoạn 2018 - 2022 có hơn 27 triệu lượt đoàn viên, người lao động được chăm lo Tết với tổng số tiền hơn 26 nghìn tỷ đồng. Công đoàn tham mưu mời các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành trung ương đi thăm, tặng quà động viên công nhân, viên chức, lao động có hoàn cảnh khó khăn, tạo sự lan tỏa tích cực tới cấp ủy, chính quyền các địa phương, người sử dụng lao động cùng chung tay chăm lo cho đoàn viên, người lao động. Chương trình “Mái ấm Công đoàn” giúp hơn 9.200 người lao động được xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở với tổng số tiền hỗ trợ gần 490 tỉ đồng. Tổng Liên đoàn đã tham mưu đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 04/11/2020 sửa đổi Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” để xây dựng nhà ở, nhà lưu trú, thiết chế văn hóa phục vụ công nhân lao động (CNLĐ).

Nhiều công đoàn cơ sở nghiên cứu, đề xuất, thương lượng với người sử dụng lao động, lãnh đạo chuyên môn mở rộng phúc lợi của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cho người lao động. Bên cạnh các giá trị, lợi ích vật chất, tổ chức công đoàn quan tâm các giải pháp chăm lo, cải thiện đời sống tinh thần, nâng cao sức khỏe cho đoàn viên, người lao động như tham quan, nghỉ mát, văn nghệ, thể thao, khám sức khỏe định kỳ, thăm, động viên, chia sẻ, tạo động lực, truyền cảm hứng để người lao động vượt mọi khó khăn, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Đặc biệt, trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và tình trạng mất việc, giãn việc do doanh nghiệp giảm đơn hàng hoặc không thể tổ chức sản xuất, kinh doanh, Tổng Liên đoàn đã ban hành nhiều chính sách, tập trung mọi nguồn lực chăm lo cho đoàn viên, người lao động (NLĐ). Các cấp Công đoàn, đội ngũ cán bộ công đoàn cả nước đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, tình cảm vì đoàn viên, NLĐ, không quản khó khăn, gian khổ, chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, NLĐ. Tổ chức Công đoàn đã dành hàng chục ngàn tỷ đồng chăm lo, hỗ trợ cho hàng chục triệu lượt đoàn viên, NLĐ.

Tổng Liên đoàn phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình gameshow “Giờ thứ 9+”; phối hợp với Liên đoàn bóng đá Việt Nam và đơn vị hữu quan tổ chức Giải Vô địch bóng đá công nhân toàn quốc tạo sân chơi lành manh, rèn luyện sức khỏe, giới thiệu hình ảnh người công nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tự lực, tự cường, có ước mơ, hoài bão, khát vọng cống hiến, đồng thời, khẳng định sự chăm lo toàn diện của tổ chức công đoàn đối với công nhân, lao động.

Trước thời điểm năm 2023, chưa từng có giải bóng đá dành cho công nhân trên quy mô toàn quốc. Xin ông cho biết vì sao Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam lại quyết định tổ chức Giải vô địch bóng đá công nhân toàn quốc 2023?

Mặc dù được Đảng, Nhà nước quan tâm, tổ chức Công đoàn nỗ lực chăm lo, nhưng nhìn chung đời sống vật chất, tinh thần của CNLĐ vẫn còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, mấy năm gần đây, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cùng với các tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu khiến cho doanh nghiệp giảm đơn hàng phải thu hẹp, tạm dừng sản xuất, thậm chí phá sản đã ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ đến việc làm, thu nhập, đời sống của đoàn viên, người lao động.

Chú thích ảnh
Các đội tham gia giải đấu.

Có một thực tế CNLĐ là lực lượng chính tạo ra của cải vật chất cho xã hội nhưng do cường độ làm việc cao, căng thẳng, thu nhập thấp, và do thiếu cơ sở, vật chất, thiết chế phục vụ tập luyện thể dục, thể thao và sinh hoạt văn hóa tinh thần nên đời sống tinh thần của CNLĐ còn khó khăn, hạn chế, thậm chí có thể nói là “nghèo nàn”.

Thấu hiểu điều đó, nhằm tạo sân chơi bổ ích, rèn luyện sức khỏe cho công nhân lao động cả nước, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Liên đoàn bóng đá Việt Nam và Báo Tuổi trẻ thống nhất tổ chức Giải Vô địch bóng đá công nhân toàn quốc 2023. Đây là lần đầu tiên giải bóng đá dành cho CNLĐ được tổ chức ở quy mô toàn quốc nhằm nâng cao sức khỏe và đời sống tinh thần của công nhân lao động, tăng cường giao lưu, đoàn kết công nhân. Trong khuôn khổ Giải bóng đá, Công đoàn tổ chức “Ngày hội công nhân” để công nhân được thưởng thức các chương trình văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, các trò chơi giải trí, mua hàng giảm giá, nhận quà tặng từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Đây cũng là sự kiện, hoạt động văn hóa thể thao quy mô lớn nhất thiết thực chào mừng Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Cho đến thời điểm này, công tác chuẩn bị tổ chức giải đấu đã được tiến hành ra sao, thưa ông? Công nhân lao động trên cả nước đón nhận thông tin về giải đấu ra sao, thưa ông?

Đến thời điểm này, mọi công việc chuẩn bị cho Giải Bóng đá đã được triển khai chu đáo, chuyên nghiệp, đảm bảo tiến độ với tinh thần trách nhiệm cao vì đoàn viên, CNLĐ. Tổng Liên đoàn đã thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, ban hành Quy chế làm việc, ban hành Điều lệ chính thức của giải đấu, trong đó quy định chặt chẽ về đối tượng tham gia là nam công nhân lao động, kỹ sư, kỹ thuật viên trực tiếp sản xuất có quốc tịch Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, đang làm việc trong các doanh nghiệp, đơn vị thuộc các thành phần kinh tế có tổ chức Công đoàn; tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế 06 tháng trở lên tính đến thời điểm đăng ký tham gia thi đấu.

Tổng giá trị giải thưởng là 840 triệu đồng, trong đó giải Nhất vòng loại khu vực 20 triệu đồng, giải Nhất vòng chung kết toàn quốc 150 triệu đồng. Toàn bộ chi phí giải thưởng và chi phí phục vụ công tác tổ chức giải đấu được vận động xã hội hóa từ tài trợ của doanh nghiệp.

Điều đáng mừng là giải đấu đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự hưởng ứng tích cực của các cấp công đoàn, đoàn viên, CNLĐ và các doanh nghiệp. Đồng chí Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dành sự quan tâm cùng với lãnh đạo các cơ quan chính thức khởi động Giải Bóng đá tại Diễn đàn Người lao động 2023 tổ chức ngày 28/7/2023 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Công nhân yêu bóng đá đang rất mong chờ Giải đấu.

Kết thúc thời hạn đăng ký, Ban Tổ chức nhận được đăng ký tham gia của 65 đội bóng thuộc các Liên đoàn lao động (LĐLĐ) tỉnh, thành phố, công đoàn (CĐ) ngành Trung ương và tương đương, CĐ Tổng Cty trực thuộc TLĐ và 9 đội của các doanh nghiệp lớn đăng ký trực tiếp với Ban Tổ chức.

Ban Tổ chức đã tổ chức bốc thăm chia bảng, xếp lịch thi đấu vòng loại khu vực và họp báo thông tin rộng rãi về giải đấu và Lễ khai mạc giải đấu. Theo đó vòng loại tổ chức thi đấu tại 8 khu vực (do 8 đơn vị đăng cai: Hải Phòng, Hà Nội, Nghệ An, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Quảng Nam và Bình Định), trong đó 03 khu vực tổ chức giải bóng đá kết hợp Ngày hội công nhân phân bổ đều 3 ở miền Bắc, Trung, Nam (Hải Phòng, Quảng Nam, Cần Thơ). Thời gian thi đấu vòng loại từ 8/9- 29/10/2023. Vòng chung kết toàn quốc dự kiến diễn ra cuối tháng 11/2023 và sẽ kết hợp tổ chức Ngày hội công nhân.

Giải đã được khởi tranh vào ngày 8/9/2023, Lễ khai mạc chính thức diễn ra sáng 9/9/2023 tại TP Hải Phòng.

Ban tổ chức kỳ vọng gì trong việc tạo sân chơi quy mô, hoành tráng và nhân văn khi tổ chức Giải bóng đá công nhân toàn quốc?

Với mục đích nhân văn, đáp ứng nhu cầu của CNLĐ nên Giải đấu đã nhận được sự đón nhận hào hứng, nhiệt tình của đoàn viên và cán bộ Công đoàn. Đây là sự cổ vũ rất lớn đối với các đơn vị tổ chức.

Chúng tôi kỳ vọng Giải Bóng đá công nhân toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức sẽ thành công tốt đẹp, tạo sân chơi bổ ích, quy mô hoành tráng để đoàn viên, CNLĐ cả nước thêm cơ hội rèn luyện sức khỏe, nâng cao đời sống tinh thần, tăng cường giao lưu, đoàn kết, gắn bó với địa phương, doanh nghiệp.

Giải đấu thành công sẽ là tiền đề tiến tới tổ chức giải đấu định kỳ thường xuyên, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phong trào bóng đá trong công nhân, góp phần phát triển bóng đá phong trào của Việt Nam, đồng thời động viên, khích lệ cấp ủy, chính quyền các cấp, doanh nghiệp tiếp tục quan tâm, tăng cường các hoạt động chăm lo đời sống tinh thần cho CNLĐ, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/01/2008 của BCH Trung ương Đảng (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

XM/Báo Tin tức
Công tác nhân sự chuẩn bị cho Đại hội VI Công đoàn Viên chức Việt Nam
Công tác nhân sự chuẩn bị cho Đại hội VI Công đoàn Viên chức Việt Nam

Chiều ngày 7/9, Công đoàn Viên chức Việt Nam tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt Công đoàn Viên chức Việt Nam bàn về công tác nhân sự chuẩn bị cho Đại hội nhiệm kỳ 2023 - 2028; Phát động cuộc thi trực tuyến "Công đoàn Việt Nam và Công đoàn Viên chức Việt Nam qua các kỳ đại hội"; xem xét Tờ trình Giải thưởng Cống hiến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN