Giải bài toán giãn dân phố cổ theo quy hoạch của Hà Nội

Sau khi thành phố Hà Nội thông qua Quy hoạch phân khu khu vực nội đô, vấn đề giãn dân trong khu phố cổ được nhiều người quan tâm.

Thành phố Hà Nội đã thông qua Quy hoạch phân khu khu vực nội đô, dân số hiện trạng (theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019) là trên 887.000 người, dân số theo quy hoạch đến năm 2030 khoảng 672.000 người. Như vậy, khoảng 215.000 người dân đang sinh sống tại khu vực phố cổ, phố cũ và hồ Gươm cùng vùng phụ cận sẽ phải di chuyển tới nơi khác sinh sống.

Video phóng viên báo Tin tức (TTXVN) ghi nhận thực trạng tại quận Hoàn Kiếm sau khi thành phố Hà Nội thông qua Quy hoạch phân khu nội đô:

Sống trong căn nhà có diện tích chưa đầy 20m2, nằm sâu trong ngõ 61 phố Cửa Đông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), bà Trần Thị Dung than thở: "Tôi về đây khoảng 15 năm. Căn nhà đang ở thực sự xuống cấp, mỗi năm lại xuất hiện thêm nhiều vết nứt trên tường. Cái nóng của mùa hè sẽ biến gian nhà thành “lò xông hơi”, còn vào mùa mưa, đến giấc ngủ cũng chập chờn vì phải chống dột…”.

Những năm trở lại đây, chậu, xoong nồi luôn được để trên giường để nếu gia đình bà Dung có việc phải xa nhà; sàn gác xép luôn được phủ một lớp nilon để tránh nước ngấm qua các vách ngăn…

Chú thích ảnh
Căn nhà của bà Trần Thị Dung tại số 61 phố Cửa Đông hiện đã xuống cấp nghiêm trọng.

Chung cảnh ngộ “ngõ nhỏ, phố nhỏ”, gia đình anh Phạm Đức Bách (trú tại số 74 Hàng Khoai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) có đến 4 nhân khẩu sinh sống trong diện tích vỏn vẹn 20m vuông. Chưa kể, lối đi chung của ngõ có đến 3 hộ dân sinh sống cùng ra, vào hàng ngày.

Trao đổi với báo Tin tức, anh Phạm Đức Bách (sinh năm 1980) cho hay: “Có thể người từ nơi khác đến sống tại phố cổ sẽ thấy khó ở, nhưng gia đình tôi trải qua 3 thế hệ nên cũng đã quen với cuộc sống chật chội, ẩm thấp. Hàng chục năm qua, 14 -15 người thuộc 3 hộ dân trong ngõ nhỏ này cùng sử dụng chung nhà vệ sinh. Do chật chội nên mỗi người đều phải sắp xếp lịch sinh hoạt phù hợp… nhà có khách đến chơi thì xác định mời ra quán cà phê chứ lấy đâu chỗ ngồi mà tiếp đón...”.

Chú thích ảnh
Trong nhiều con ngõ nhỏ của phố cổ Hà Nội, hàng trăm căn nhà xập xệ, xuống cấp.

Khi được hỏi về đề án di dời dân sắp tới, hơn ai hết, anh Bách mong mỏi có được nơi ở rộng rãi hơn, khang trang hơn, cho dù vẫn tiếc nuối tuổi thơ đã gắn liền với nơi này. Nhưng điều anh Bách lo lắng nhất đó là tương lai sẽ làm nghề gì để kiếm sống. Hiện tại, phố cổ nơi anh ở, gia đình đang có một quán phở bán lâu năm, khách quen cũng nhiều. Giờ sang nơi khác, kế mưu sinh trở lại bài toán nan giải nhất đối với gia đình anh.

Chú thích ảnh
Nhiều người đang rất mong ngóng chủ trương giãn dân của thành phố Hà Nội.

Chia sẻ với báo chí, ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm nhận định, quy hoạch này nêu rất rõ, thành phố Hà Nội đã có phương án ai đi, đi như thế nào, ai được tái định cư, ai ở lại... mục đích của quy hoạch đều hướng đến để người dân hưởng thụ điều kiện tốt nhất.

Hiện tại, đa số nhà dân ở khu phố cổ Hoàn Kiếm khá nhếch nhác. Một phần các hộ dân ở đây không có sổ đỏ, mà chủ  yếu tự xây dựng rồi ở. Tiện nghi và điều kiện sống khá thiếu thốn.

Theo ông Long, nhu cầu của người dân hiện nay cao hơn so với trước, nhiều người mong muốn có diện tích nhà ở lớn hơn, tiện nghi hơn, nên nhà ở trong phố cổ không đáp ứng được, vì thế họ chọn việc di chuyển ra ngoài. Phố cổ giờ đây cần nhường lại diện tích cho việc phát huy giá trị di sản, phục vụ du lịch, thương mại…

Trung Nguyên/Báo Tin tức
Sáu đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử tại Hà Nội
Sáu đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử tại Hà Nội

Về tổng thể, 6 đồ án quy hoạch phân khu có quy mô nghiên cứu hơn 2.700 ha nhằm mục tiêu phát triển đô thị tại khu vực nội đô lịch sử theo quy hoạch được duyệt, bảo đảm sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; cải thiện về cơ bản điều kiện sống của người dân theo hướng văn minh, hiện đại và phát triển bền vững.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN