Góp sức giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở Bình Định

Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã phủ đến tất cả các xã, phường, thị trấn ở Bình Định và giúp gần 7.000 hộ thoát nghèo trong năm 2019.

Chú thích ảnh
Thông tin về chính sách tín dụng ưu đãi được niêm yết công khai tại UBND xã Bình Tân, huyện Tây Sơn.

Ông Đoàn Trung Thành, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Bình Định chia sẻ, trong năm 2019, NHCSXH đã cho gần 18.000 loọt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay 949 tỷ đồng. Riêng 3 huyện nghèo Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão có doanh số cho vay đạt 317 tỷ đồng, với hơn 7.100 hộ được vay vốn. Tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 5,34%, giảm 1,67% so với năm trước, riêng các huyện nghèo giảm 7,62%.

Chú thích ảnh
NHCSXH giải ngân cho các hộ chính sách tại xã để giảm chi phí và thời gian đi lại cho hộ vay.

Bên cạnh đó, NHCSXH tỉnh Bình Định coi việc tăng cường nguồn vốn, nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân là nhiệm vụ hàng đầu tại 121 xã đang xây dựng nông thôn mới. Năm 2019, tổng doanh số cho vay tại các xã này đạt 1.303 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ hơn 83% tổng doanh số cho vay tất cả các chương trình trên toàn tỉnh. Dư nợ đến cuối năm ở các xã xây dựng nông thôn mới là 3.179 tỷ đồng, chiếm 83,5% tổng dư nợ toàn tỉnh, với gần 76.000 khách hàng. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã góp phần giúp 77/121 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Cụ thể, tín dụng chính sách đã giúp các xã đạt một số tiêu chí nông thôn mới như: Về tiêu chí việc làm, vốn chính sách đã giúp thu hút và tạo việc làm cho trên 2.800 lao động trong nước, 450 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Về tiêu chí giáo dục và đào tạo, đã có hơn 1.800 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không phải bỏ học vì thiếu tiền. Với tiêu chí nước sạch và môi trường, gần 8.000 hộ đã được vay vốn để xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Về tiêu chí nhà ở dân cư, gần 320 hộ đã được vay vốn xây dựng nhà theo các quyết định số 48 và 33 của Thủ tướng Chính phủ.

Chú thích ảnh
Hộ chị Võ Thị Trinh, ở thôn Mỹ Thạch, xã Bình Tân, huyện Tây Sơn, được vay vốn nuôi bò và vay để xây dựng công trình nước sạch; đến nay đã thoát nghèo.

Với những kết quả đạt được, năm 2019, NHCSXH tỉnh Bình Định đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tặng Bằng khen vì thành tích thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. UBND tỉnh Bình Định cũng tặng Bằng khen cho chi nhánh vì thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.

Bài và ảnh: Mai Khôi
Mường Khương - Rẻo cao biên giới nỗ lực thoát nghèo
Mường Khương - Rẻo cao biên giới nỗ lực thoát nghèo

Mường Khương huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai có 86,5 km đường biên giới. Rẻo cao này đang nỗ lực từng bước thoát khỏi nhóm huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Những năm gần đây, đời sống người dân đã đổi thay, kinh tế - xã hội từng bước đi lên. Hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số đang tính chuyện vươn lên làm giàu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN