Hội thảo "Phát triển và Chuyển giao Tài sản Trí tuệ"

Chiều 27/11/2015, tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, Viện Khoa học Sở hữu Trí tuệ thuộc Bộ KH&CN và Sở KH&CN TP.HCM đã phối hợp tổ chức hội thảo "Phát triển và Chuyển giao Tài sản Trí tuệ" và lễ trao Giấy chứng nhận quản trị viên tài sản trí tuệ cho 90 chuyên viên, trưởng bộ phận và giám đốc tài sản trí tuệ tại các doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn TP.HCM.

Toàn cảnh hội thảo

Hội thảo do Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh kiêm Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam chủ trì, với sự tham dự của ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền Tác giả, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, ông Trịnh Minh Tâm, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, TS. Tạ Quang Minh, Viện trưởng Viện Khoa học SHTT, PGS. TS Vũ Văn Khiêm, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam Bộ Khoa học và Công nghệ, PGS.TS. Huỳnh Quyền, Phó Ban KH&CN Đại học Quốc gia TP.HCM và TS Ngô Thị Phương Lan, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM.


Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh và các Quản trị viên tài sản trí tuệ tại hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh khẳng định: Cùng với quá trình sáng tạo và phát triển các tài sản trí tuệ mới, hoạt động quản trị tài sản trí tuệ trong từng doanh nghiệp, trường, viện là rất quan trọng để tạo một môi trường rộng rãi cho việc vận dụng pháp luật sở hữu trí tuệ vào thực tiễn nghiên cứu phát triển, sản xuất kinh doanh, chuyển giao áp dụng và nhân rộng các thành quả sáng tạo vào cuộc sống.


Theo bà Phan Thị Châu, Tổng Giám đốc kiêm Trưởng Ban Quản trị Tài sản Trí tuệ Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Vĩ Long, trong giai đoạn tham gia ngày càng sâu vào các Hiệp định thương mại tự do (TPP, AEC...), quản trị tài sản trí tuệ đã trở thành một chức năng không thể thiếu của một doanh nghiệp.


Bà Lê Thị Bé Ba, Trưởng Phòng Quản lý và Hỗ Trợ Doanh nghiệp, Thư ký Ban Quản trị Tài sản Trí tuệ Trung Tâm Ươm tạo Doanh nghiệp thuộc Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM nêu rõ:  Sự sống còn của một doanh nghiệp khởi nghiệp nằm ở chỗ phải phát triển được ít nhất một Tài sản trí tuệ mới (công nghệ mới, quy trình mới, giống cây mới...), nếu không thì rất khó vào được thị trường đã có sẵn các doanh nghiệp đang đi trước mình. Hơn nữa, tài sản trí tuệ đó phải có khả năng bảo hộ độc quyền sở hữu trí tuệ. Nếu không, khi may mắn được thị trường ưa chuộng, các đối thủ cạnh tranh có tiềm lực mạnh hơn nhảy vào đầu tư, thì doanh nghiệp khởi nghiệp gần như không thể bảo vệ hoặc phát triển được thị phần. Do đó, hoạt động hỗ trợ Ươm tạo phải là một chuỗi giá trị liên hoàn không chỉ bao gồm hỗ trợ hạ tầng, hỗ trợ trang-thiết bị , hỗ trợ đào tạo/huấn luyện nhân sự ... mà còn cần bao hàm cả hỗ trợ các thủ tục kiểm định, kiểm nghiệm và lưu hành sản phẩm, hỗ trợ về sử dụng dịch vụ sở hữu trí tuệ và tổ chức quản trị tài sản trí tuệ, hỗ trợ giao kết thương mại và chuyển giao công nghệ, hỗ trợ đàm phán và tham gia kênh phân phối...


Trao giấy chứng nhận quản trị viên tài sản trí tuệ cho 90 chuyên viên, trưởng bộ phận và giám đốc tài sản trí tuệ

TS. Nguyễn Hồng Quang, Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM đã làm rõ thêm về việc trong một trường đại học, để điều chỉnh các mối quan hệ trong quá trình tạo lập, ghi nhận, quản lý và khai thác các tài sản trí tuệ, không chỉ có Quy chế Quản trị Tài sản Trí tuệ hay Quy chế Bảo mật, mà còn cần kể đến vai trò quan trọng của một số Nội quy khác như: Quy định về quản lý hoạt động KH&CN tạo cơ sở cho các quá trình phát triển tài sản trí tuệ mới, Quy định về Đạo đức trong giảng dạy và Nghiên cứu khoa học tạo nền tảng văn hóa trong việc tôn trọng Quyền tác giả, Quyền nhân thân và hội nhập vào môi trường khoa học quốc tế, Quy định về Phân phối thu nhập từ hoạt động Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ góp phần hài hòa lợi ích phát sinh từ các tài sản trí tuệ mới...


Ông Nguyễn Hữu Cẩn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học SHTT cho biết: Đã rất nhiều tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp có tên tuổi của Việt Nam, đặc biệt là các nhãn hiệu như bánh kẹo Bibica, bánh kẹo Kinh Đô, bia Sabeco, bia Huda, cà phê Highland, Phở 24, dầu gội X-MEN, nước giải khát Tribeco, băng thấm Diana, dịch vụ siêu thị Citimart, dịch vụ mua bán hàng kim khí điện máy Nguyễn Kim đã bị chuyển nhượng hoàn toàn quyền sở hữu qua các công ty nước ngoài. Ông Cẩn đã đưa ra nhiều phân tích chi tiết như 81% bên mua lại các tài sản trí tuệ của doanh nghiệp Việt Nam có quốc tịch từ châu Á và châu Âu, 25% yếu tố thúc đẩy hành vi mua là các quyền sở hữu trí tuệ đã được xác lập, các tác động của quá trình chuyển nhượng tài sản trí tuệ đối với bên bán (doanh nghiệp Việt Nam) và bên mua (doanh nghiệp nước ngoài), các xu hướng chuyển dịch tài sản trí tuệ trong giai đoạn sắp tới và một số khuyến nghị đối với các doanh nghiệp Việt Nam..., đặc biệt là cần có hiểu biết và kỹ năng thực hành về quản trị tài sản trí tuệ.


TS. Đào Minh Đức, Trưởng Phòng SHTT Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã cung cấp tài liệu giới thiệu về kết quả của Chương trình Đào tạo Quản trị viên Tài sản Trí tuệ tại TP.HCM trong giai đoạn 2011-2015 do Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng Viện Khoa học Sở hữu Trí tuệ tổ chức. Đây là Chương trình đầu tiên trong cả nước hướng đến việc hỗ trợ các doanh nghiệp, trường, viện tự xây dựng hoạt động SHTT và quản trị tài sản trí tuệ trong nội bộ. Thông qua việc tham gia nghiên cứu tại Chương trình, trung bình mỗi năm Thành phố Hồ Chí Minh có trên 20 người được đơn vị ra quyết định bổ nhiệm, phân công vào các chức danh như Chuyên viên Tài sản trí tuệ, Chuyên viên SHTT, Trưởng Bộ phận hoặc Phòng, Ban Quản trị Tài sản trí tuệ, Giám đốc Tài sản trí tuệ... và chính họ tự xây dựng, ban hành các Quy chế, Quy định, quy trình, thủ tục quản trị tài sản trí tuệ nội bộ của trên 20 doanh nghiệp, trường, viện khác nhau...


Phát biểu kết thúc Hội thảo, TS. Tạ Quang Minh, Viện trưởng Viện Khoa học SHTT đánh giá cao các kinh nghiệm thực tiễn và đa dạng của các thành viên cộng đồng quản trị tài sản trí tuệ tại TP.HCM thể hiện qua các nội dung tham luận, cảm ơn Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã quan tâm đến công tác quản trị tài sản trí tuệ thông qua việc thành lập Ban Quản trị Tài sản Trí tuệ của nhà trường và phối hợp hỗ trợ tổ chức thành công Hội thảo Phát triển và Chuyển giao Tài sản Trí tuệ tại TP.HCM.

PV
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN