Khẳng định ‘đẳng cấp’ tuyến trên từ hiệu quả triển khai bệnh viện vệ tinh

Ngoài việc người bệnh được hưởng lợi, không mất công mất sức khi phải lên tuyến trên khám chữa bệnh, triển khai Đề án bệnh viện vệ tinh còn là cơ hội khẳng định “thương hiệu” của chính bệnh viện tuyến trên.

Đoàn công tác Bệnh viện E đến khảo sát thực trạng, xác định nhu cầu để hỗ trợ hiệu quả cho ngành y tế tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: TX

Người bệnh được điều trị bằng kỹ thuật cao ngay ở tuyến dưới


Rất chú trọng triển khai Đề án bệnh viện vệ tinh, GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E, Hà Nội chia sẻ: “Điều mà tôi tâm đắc nhất khi thực hiện Đề án này là người dân sẽ được điều trị kỹ thuật cao ngay tại địa phương. Như vậy, họ sẽ không phải mất công sức, tiền của để đưa nhau lên khám ở bệnh viện tuyến trung ương. Quá trình điều trị, nhiều người bệnh nhân đã chia sẻ rằng họ có hoàn cảnh rất khó khăn, cả đời cũng không thể đi xa hơn phạm vi một tỉnh, dù có mắc bệnh trọng”.


Đặc biệt, theo GS.TS Lê Ngọc Thành, việc triển khai hiệu quả Đề án bệnh viện vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới không chỉ là nhiệm vụ mà còn là “cơ hội” khẳng định “đẳng cấp” của bệnh viện tuyến trên. Bởi lẽ, trong hoạt động của bệnh viện, của các bác sĩ, việc thực hiện tốt nhiệm vụ khám chữa bệnh thôi chưa đủ, vai trò của thầy thuốc tuyến trên là phải chủ động nghiên cứu khoa học, tham gia công tác giảng dạy và thực hiện tốt việc chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới. Bệnh viện nào càng chuyển giao được kỹ thuật hiệu quả thì càng khẳng định “đẳng cấp” của đơn vị mình.


Tại Bệnh viện E, trong giai đoạn 2013-2020, Trung tâm Tim mạch của Bệnh viện được giao là bệnh viện hạt nhân chuyển giao kỹ thuật về chuyên khoa tim mạch cho bệnh viện đa khoa các tỉnh Thái Bình, Thanh Hoá, Bắc Giang và Bệnh viện Việt-Tiệp Hải Phòng...


Đến hết năm 2016, Bệnh viện E đã thực hiện được gần 40 lớp đào tạo theo chỉ đạo tuyến, Đề án 1816 và Bệnh viện vệ tinh với gần 800 học viên; thực hiện chuyển giao kỹ thuật với 15 gói kỹ thuật và hơn 50 học viên.


“Sau khi chuyển giao kỹ thuật, nhiều bệnh viện tuyến dưới đã thực hiện rất tốt tại cơ sở. Ví dụ như Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành rất tốt tất cả các gói chuyển giao kỹ thuật về chuyên ngành tim mạch và lồng ngực như: Cấp cứu tim mạch, phẫu thuật tim kín, tim hở, siêu âm tim, can thiệp tim mạch… Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng thực hiện tốt các gói kỹ thuật phẫu thuật xử trí vết thương mạch máu, phẫu thuật tim kín, thay một van, các kỹ thuật chẩn đoán và siêu âm tim…”, GS.TS Lê Ngọc Thành cho biết.


Cần hỗ trợ từ địa phương và sự kiểm soát từ Bộ Y tế


Tuy nhiên, GS.TS Lê Ngọc Thành cũng chia sẻ: Không phải bệnh viện nào cũng tiếp nhận và triển khai hiệu quả như BV Đa khoa tỉnh Thanh Hóa hay Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp.


Chỉ ra nguyên nhân vấn đề, GS.TS Lê Ngọc Thành thẳng thắn: Đều là do cấp lãnh đạo chưa quan tâm đúng mức. Để hoạt động chuyển giao kỹ thuật mới hiệu quả thì tuyến dưới phải thực sự có nhu cầu. Đặc biệt bệnh viện, sở y tế, lãnh đạo UBND tỉnh phải có trách nhiệm tạo điều kiện hỗ trợ về nhân lực, trang thiết bị, có chính sách đãi ngộ đặc biệt cho các học viên.


“Khi đi hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới, tôi đều khẳng định cần phải thực hiện đúng nguyên tắc trên. Trong đó, vấn đề nhân lực là tối quan trọng nên cần có chính sách ưu tiên để các bác sĩ có điều kiện đeo đuổi việc học tập, sống được với nghề. Ví như em nào yêu mến chuyên ngành tim mạch thì cần ưu tiên cho biên chế ngay. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ họ chi phí đi lại, chế độ lương, thưởng... Làm sao để ít nhất họ nuôi được bản thân và nuôi được 1 người trong gia đình thì mới có thể yên tâm học tập được”, GS.TS Lê Ngọc Thành chia sẻ.


Đáng nói, hiện nay còn có tình trạng địa phương tự đấu thầu trang thiết bị đắt tiền, nhưng trước đó không tham khảo ý kiến của đơn vị chuyển giao kỹ thuật nên… không dùng được. Do đó, ngành y tế cũng cần khuyến cáo để tránh tái diễn tình trạng này. Cụ thể, trước khi mua sắm trang thiết bị, các bệnh viện tuyến dưới cần phải thống nhất với bệnh viện tuyến trên - nơi chịu trách nhiệm chuyển giao kỹ thuật.


Đặc biệt, để Đề án bệnh viện Vệ tinh triển khai hiệu quả hơn trong thời gian tới, GS.TS Lê Ngọc Thành cho rằng, Bộ Y tế cần phải có cơ chế kiểm soát hiệu quả hoạt động chuyển giao kỹ thuật tại các cơ sở y tế tuyến dưới.


“Hiệu quả của hoạt động chuyên giao là việc các đơn vị thực hiện tốt kỹ thuật chứ không phải bằng số lượng bệnh viện tham gia hay số kỹ thuật chuyển giao. Và yêu cầu đặt  ra là chuyển giao phải làm được ngay chứ không phải đến khi cán bộ tuyến trên về thì bác sĩ tuyến dưới mới bắt đầu triển khai kỹ thuật. Vì vậy, cần có cơ chế kiểm soát hiệu quả để cả bệnh viện tuyền trên và tuyến dưới cần dồn sức chuyển giao và tiếp nhận kỹ thuật mới đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân ngay tại địa phương như mục tiêu Đề án đã đề ra”, GS.TS Lê Ngọc Thành nhấn mạnh.

Hà Phương
Bệnh viện vệ tinh góp phần giảm quá tải
Bệnh viện vệ tinh góp phần giảm quá tải

Sau hơn 2 năm thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh (từ năm 2013 - 2015) mạng lưới bệnh viện vệ tinh tại các tỉnh đang dần đi vào “guồng”, nhiều ca bệnh nặng đã được thực hiện thành công ở tuyến dưới, đội ngũ y bác sĩ được nâng cao chuyên môn, trang thiết bị được đầu tư hiện đại... “

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN