Khó 'siết' quản lý phương tiện cá nhân bằng tài khoản ngân hàng

Để siết chặt quản lý phương tiện giao thông đường bộ, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT - Bộ Công an) đang đề xuất yêu cầu chủ phương tiện khi đi đăng ký xe phải có tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, đề xuất này được đánh giá là khó khả thi, vì đa phần người lao động vẫn dùng tiền mặt trong giao dịch.

Theo đề xuất sửa đổi của Cục CSGT, sẽ có bốn điểm mới khi đăng ký xe, gồm: Tài khoản ngân hàng; Giấy chứng nhận đăng ký xe của các cơ quan tổ chức, cá nhân (hiện nay chưa xác định thời hạn); Bổ sung quy định xe đã đăng ký, cấp biển số, nay có quyết định điều chuyển, bán, cho thì trước khi bàn giao xe cho tổ chức, cá nhân mua hoặc được điều chuyển, tặng, cho, chủ xe phải thu hồi, nộp lại đăng ký, biển số cho cơ quan đăng ký xe; Đăng ký xe đã mua bán qua nhiều chủ, nhưng không có chứng từ chuyển nhượng thì được giải quyết đăng ký sang tên.

Chú thích ảnh
Công an Hà Nội kiểm tra xe, lấy số khung, số máy làm thủ tục sang tên, đổi chủ phương tiện. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN.

Giải thích rõ hơn, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng CSGT cho biết, quy định mỗi chủ xe khi mua xe, đăng ký xe phải có một tài khoản riêng và có số tiền nhất định, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông. Tuy nhiên, quy định này phải được cơ quan có thẩm quyền quản lý Nhà nước xem xét, quyết định, được dư luận đồng tình và phải có khung pháp lý hoàn chỉnh, nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi áp dụng.

Qua tìm hiểu của phóng viên, nhiều người dân khi được hỏi đều cho rằng, quy định này khó khả thi, vì gây không ít khó khăn, phiền hà. Đa phần người lao động hiện nay có thu nhập thấp, khi vi phạm Luật Giao thông đường bộ vẫn thường xuyên dùng tiền mặt để nộp phạt tại chỗ hoặc đến các điểm nộp phạt theo quy định, chứ chưa biết, chưa sử dụng tài khoản ngân hàng. Do đó, để triển khai hiệu quả thì phải tạo thói quen thường xuyên giao dịch qua tài khoản cho người dân, nhất là ở các địa bàn nông thôn. Thêm nữa, nhiều người không phải chủ phương tiện, nhưng mượn, thuê của chủ xe, nếu vi phạm thì chủ xe bị trừ tài khoản thì không hợp lý, công bằng.

Các chuyên gia giao thông thì cho rằng, đề xuất ở thời điểm này chưa hợp lý, cần phải có lộ trình để các phương tiện chưa sang tên đổi chủ, cơ quan chức năng phải điều tra, truy xét chính chủ, mới có thể quản lý chặt từ gốc. Bên cạnh đó, việc bắt buộc chủ xe cung cấp tài khoản và số tiền trong tài khoản để bảo đảm cho việc có thể xảy ra trong tương lai là không có cơ sở, là chưa đúng với tinh thần pháp luật hiện hành, bởi nếu người dân không có số tài khoản, mà bị cấm không được đăng ký xe là trái với Hiến pháp.

Theo Luật sư Phạm Văn kết, đoàn Luật sư Hà Nội, pháp luật quy định hiện tại tài khoản cá nhân chỉ bị phong toả khi có lệnh của Cơ quan Cảnh sát điều tra, toà án. Nếu ở thời điểm người đăng ký xe có bỏ tiền vào, thì cơ quan quản lý Nhà nước trường hợp này là Cục CSGT cũng không có thẩm quyền để phong toả tài khoản này. Như vậy, để triển khai hiệu quả quy định nêu trên, nhiều chuyên gia và luật sư cho rằng, lộ trình sắp tới cần tạo ra hành lang pháp lý, cụ thể chúng ta phải thay đổi ngay Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012; mở rộng chế tài liên quan đến áp dụng việc tịch thu tang vật vi phạm để đảm bảo cho cơ chế thi hành các quy định vi phạm hành chính mà người vi phạm không thực hiện về sau.

Vân Sơn/Báo Tin tức
Giả mạo đăng ký xe sang để lừa đảo thế chấp ngân hàng
Giả mạo đăng ký xe sang để lừa đảo thế chấp ngân hàng

Xét xử sơ thẩm bị cáo Phùng Viết Đông và 5 đồng phạm về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN