Nâng cao năng lực phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai

Ngày 25/8, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống làm Trưởng đoàn, đã làm việc với tỉnh Vĩnh Long về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Chú thích ảnh
Đoàn công tác khảo sát đê bao chống ngập tại thành phố Vĩnh Long. 

Vĩnh Long là tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nằm giữa sông Tiền và sông Hậu. Hệ thống thủy lợi của tỉnh có gần 4.400 tuyến kênh, 405 tuyến đê bao và bờ bao, trên 6.000 cống, 627 đập điều tiết. Toàn tỉnh có 17 trạm bơm tưới, tiêu đang hoạt động, 7 tuyến kè chống sạt lở. Hệ thống thủy lợi có năng lực phục vụ tưới tiêu cho 100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp, trong đó khép kín chủ động tưới tiêu 94,24%. Diện tích kém an toàn với lũ, triều cường tương đương với năm 2019 (mức lũ lớn) là 64 vùng với diện tích hơn 22.500 ha; diện tích kém an toàn với lũ, triều cường ở mức báo động III là 13 vùng với diện tích là gần 2.500ha.

Các loại hình thiên tai trực tiếp và gây thiệt hại chủ yếu tại tỉnh là dông, lốc, mưa lớn, sạt lở bờ sông, triều cường, hạn, xâm nhập mặn. Năm 2021, thiên tai làm một người chết, tổng giá trị thiệt hại về tài sản, hoa màu là hơn 35,4 tỷ đồng. Riêng từ đầu năm 2022 đến nay, thiên tai không gây thiệt hại về người nhưng đã gây thiệt hại về tài sản, hoa màu hơn 32,1 tỷ đồng.

Để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tỉnh Vĩnh Long đã kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp; quan tâm xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai và kế hoạch phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, bảo vệ sản xuất và dân sinh hàng năm. Tỉnh đã từng bước ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống thiên tai; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân trong công tác phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai. Trong năm 2020, từ các nguồn huy động, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp đã hỗ trợ gần 40 tỷ đồng cho người dân bị thiệt hại do thiên tai.

Tỉnh Vĩnh Long thực hiện hiệu quả phong trào thi đua "Chủ động phòng, chống thiên tai, xây dựng cộng đồng an toàn" giai đoạn 2020 - 2025 và phương châm "4 tại chỗ". Qua đó, tỉnh có khả năng huy động lực lượng phòng, chống, ứng phó khi có thiên tai xảy ra là gần 11.400 người, hơn 8.200 phương tiện, trang thiết bị các loại, hàng nghìn tấn lương thực, nhu yếu phẩm… Các địa phương triển khai hiệu quả phương châm "4 tại chỗ", khi có thiên tai xảy ra đã nhanh chóng huy động lực lượng tại chỗ ứng phó kịp thời, hỗ trợ người dân, góp phần làm giảm thiệt hại.

Tuy nhiên, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh vẫn còn một số khó khăn. Theo đó, nhu cầu kinh phí để thực hiện phòng, chống thiên tai rất lớn nhưng kinh phí tỉnh còn hạn chế. Tỉnh thiếu nguồn lực để tăng cường năng lực cộng đồng ứng phó với biến đổi khí hậu; cơ sở vật chất, phương tiện, trang bị hỗ trợ về phòng, chống thiên tai còn hạn chế. Tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng trở nên nghiêm trọng, trong khi dự báo về sạt lở bờ sông ở Đồng bằng sông Cửu Long chưa có, gây khó khăn trong công tác ứng phó.

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi làm việc. 

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Liệt cho biết, tỉnh hiện đối mặt với các mối nguy cơ thiên tai chủ yếu là sạt lở, lốc xoáy và hạn mặn. Mỗi năm, toàn tỉnh có gần 200 điểm sạt lở, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Cùng với đó, tình hình lốc xoáy thường xuyên diễn ra, khó dự báo và mức độ thiệt hại khá lớn. Riêng với hạn mặn, nhờ thực hiện tốt công tác dự báo và chủ động ứng phó nên tình hình thiệt hại đã giảm đáng kể. 

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long đề nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai cần tiếp tục hỗ trợ Vĩnh Long về nguồn lực, tập huấn để nâng cao năng lực, giúp tỉnh chủ động hơn trong các phương án phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hạn chế thiệt hại, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống đánh giá tỉnh Vĩnh Long có nhiều điểm nổi bật trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành về phòng, chống thiên tai. Năng lực phòng, chống từng loại thiên tai có nhiều tiến bộ cả về con người và cơ sở vật chất, kỹ thuật, công tác huấn luyện. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả các kế hoạch về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; quan tâm tổ chức thống kê, xác định thiệt hại nhanh chóng, chính xác để có phương án hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất sau thiên tai. Tỉnh tăng cường theo dõi, dự báo tình hình để có biện pháp phòng, chống chủ động; tập trung làm tốt công tác chuẩn bị, tập huấn để lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai nắm vững nghiệp vụ, xử lý nhanh và hiệu quả khi có các sự cối xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại. 

Trước đó, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã khảo sát thực địa tại các công trình, dự án phục vụ phòng, chống thiên tai tại thành phố Vĩnh Long và thị xã Bình Minh.

Tin, ảnh: Lê Thúy Hằng (TTXVN)
Cà Mau chủ động ứng phó với thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại
Cà Mau chủ động ứng phó với thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động theo dõi sát diễn biến của bão số 3, ứng phó với tình hình diễn biến thời tiết trên địa bàn; tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nội dung chỉ đạo, hướng dẫn của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 5422/UBND-NNTN ngày 19/8/2022 về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai những tháng cuối năm 2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN