'Nóng' trong tuần 27/3-2/4: Khoá thuê bao chưa chuẩn hoá thông tin; làm rõ khoản lỗ ‘khủng’ của EVN

Tuần 27/3 - 2/4, dư luận trong nước quan tâm tới những thông tin liên quan tới công tác chuẩn hoá thông tin thuê bao di động; Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành; Tôn vinh thương hiệu bánh mì Việt Nam; Những điểm mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023; Làm rõ khoản lỗ lớn của EVN; Ấn tượng đêm trao Giải thưởng Cống hiến 2023...

Bắt đầu khoá chiều gọi đi với thuê bao chưa chuẩn hoá thông tin

Từ ngày 1/4/2023, các nhà mạng tiến hành khóa 1 chiều với những SIM điện thoại không chuẩn hóa thông tin. Đến nay, còn gần 1,8 triệu thuê bao chưa được chuẩn hoá thông tin. Những thuê bao tiếp tục không đăng ký chuẩn hóa thông tin sẽ bị khóa thông tin 2 chiều vào ngày 15/4 và sẽ bị thu hồi số sau 30 ngày kể từ thời điểm bị khóa 2 chiều.

Chú thích ảnh
Các thuê bao chưa chuẩn dữ liệu cá nhân nhận thông báo về việc khoá chiều liên lạc.

Khi bị khoá 1 chiều, các khách hàng cần nhanh chóng làm thủ tục chuẩn hoá thông tin thuê bao theo các phương thức do các nhà mạng quy định: Đến các điểm giao dịch, vào app hoặc thực hiện gọi miễn phí đến tổng đài tự động.

Bộ Công Thương làm rõ thông tin về khoản lỗ “khủng” của Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Một thông tin nóng trong tuần là tình hình lỗ nặng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo và chỉ rõ: Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN lỗ 36.294,15 tỷ đồng. Thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2022 là 10.058,36 tỷ đồng. Tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 và các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện, bao gồm thu nhập từ hoạt động tài chính và từ tiền bán công suất phản kháng năm 2022 của EVN lỗ 26.235,78 tỷ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác.

Lý giải về nguyên nhân lỗ 36.294,15 tỷ đồng năm 2022, ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, khoản lỗ năm 2022 chủ yếu do chi phí điện đầu vào giá cao, phát sinh tăng lên.

72 học sinh bị ngộ độc thức ăn sau khi đi tham quan dã ngoại

Trong tuần qua, sự việc 72 học sinh bị ngộ độc thức ăn sau khi đi tham quan dã ngoại khiến dư luận hết sức quan tâm.

Chú thích ảnh

Ngày 28/3, Trường Tiểu học Kim Giang tổ chức cho 915 học sinh đi tham quan. Kết thúc buổi tham quan, một số học sinh có biểu hiện đau bụng, buồn nôn. Tổng số có 73 học sinh đã được đưa đến khám tại một số bệnh viện.

Sau khi được điều trị kịp thời, sức khoẻ của các học sinh ổn định và sau 2 ngày, lần lượt tất cả các học sinh được ra viện.

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, nguyên nhân khiến 72 học sinh ngộ độc, phải vào viện là do vi khuẩn tụ cầu vàng nhiễm vào thịt gà. Cơ quan chuyên môn đề nghị quận Thanh Xuân chỉ đạo điều tra tại bếp ăn trường Tiểu học Kim Giang.

Ngân hàng Nhà nước giảm một loạt lãi suất điều hành từ ngày 3/4

Tối 31/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có thông báo về việc điều chỉnh giảm 0,3 - 0,5%/năm các mức lãi suất bắt đầu từ ngày 3/4. Các loại lãi suất điều hành giảm gồm lãi suất tái cấp vốn giảm 0,5%. Trong kỳ giảm lãi suất trước đó vào ngày 14/3, lãi suất này vẫn giữ nguyên.

Chú thích ảnh
Động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN được nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá là bước đi khá nhanh, qua đó các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất huy động từ đó giảm lãi vay.

Bên cạnh đó, NHNN giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn VND đối với lĩnh vực ưu tiên; đồng thời, giảm 0,3%/năm lãi suất đối với tiền gửi bằng VND tại NHNN.

Trần lãi suất huy động cũng giảm. Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ mức 1%/năm xuống 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 6%/năm xuống 5,5%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6,5%/năm xuống 6%/năm. Riêng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng (TCTD) ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

Các mức lãi suất mới có hiệu lực từ ngày 3/4.

Lễ trao Giải thưởng Cống hiến 2023 tôn vinh các nghệ sĩ, vận động viên

Tối 30/3, tại Nhà hát TP Hồ Chí Minh, Báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng Cống hiến 2023.

Chú thích ảnh
Đại diện Ban tổ chức tặng hoa cho các đơn vị, doanh nghiệp đồng hành với Giải thưởng Cống hiến 2023.

Đây là năm đầu tiên Giải thưởng Cống hiến của Báo Thể thao và Văn hóa được mở rộng quy mô, từ lĩnh vực âm nhạc sang cả lĩnh vực thể thao. Đây cũng là năm đầu tiên mà giải thưởng, thông qua hệ thống bình chọn Bvote đã cho công chúng quyền được cùng với các nhà báo và các nhà chuyên môn cùng bầu chọn.

Ban tổ chức đã vinh danh 9 hạng mục trong lĩnh vực Âm nhạc, gồm: Ca khúc “Bên trên tầng lầu” (sáng tác và thể hiện: Tăng Duy Tân) đoạt giải Bài hát của năm; Music video của năm thuộc về “Gieo quẻ” (sáng tác: Khắc Hưng, thể hiện: Hoàng Thuỳ Linh - Đen); Nghệ sĩ mới của năm thuộc về MONO; Nam và nữ ca sĩ của năm lần lượt thuộc về Tùng Dương và Hoàng Thuỳ Linh; Chương trình của năm dành cho “Tri âm” của ca sĩ Mỹ Tâm; Album của năm là “LINK” của ca sĩ Hoàng Thuỳ Linh; Nhà sản xuất của năm là DTAP và Khắc Hưng đoạt giải Nhạc sĩ của năm. Như vậy, ca sỹ Hoàng Thùy Linh được xướng tên liên tục ở các hạng mục: Nữ ca sỹ của năm, Bài hát của năm, Album của năm.

Ở lĩnh vực Thể thao, Ban tổ chức đã trao giải “Gương mặt trẻ thể thao của năm” cho vận động viên Khuất Văn Khang (môn Bóng đá), “Gương mặt thể thao của năm” là Nguyễn Thị Oanh (môn Điền kinh); Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam giành quyền dự vòng Chung kết FIFA World Cup nữ 2023 đoạt giải “Chiến tích thể thao của năm”.

Tôn vinh bánh mì Việt Nam

Lần đầu tiên, Lễ hội bánh mì Việt Nam được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh với khoảng 120 gian hàng của hệ thống nhà hàng, khách sạn, tiệm bánh mì, nhà cung cấp, doanh nghiệp... của Việt Nam và nước ngoài. Trong khuôn khổ của Lễ hội Bánh mì Việt Nam lần thứ nhất, ban tổ chức đã công diễn 105 món ăn kèm bánh mì để tôn vinh một món ăn đường phố độc đáo của Việt Nam.

Chú thích ảnh

Diễn ra từ ngày 30/3 - 2/4/2023, lễ hội thu hút hơn hàng chục nghìn lượt khách tham quan, trải nghiệm và mua sắm. Đây là sự kiện nhằm ghi nhận những giá trị bánh mì mang lại đối với nền ẩm thực Việt tạo điều kiện phát huy tối đa tay nghề, sức sáng tạo của những nghệ nhân và người thợ làm bánh...

Bên cạnh hội chợ, gian hàng trưng bày sản phẩm, lễ hội còn có những hoạt động nổi bật như: Vinh danh kỷ lục "Top Thương hiệu bánh mì lâu đời và nổi tiếng trên 50 năm tại Việt Nam"; Hội thảo chuyên đề "Hành trình phát triển bánh mì Việt Nam"; giới thiệu 105 món ăn kèm bánh mì; bánh mì làm từ rau củ quả các loại...

Ẩm thực Việt Nam ngày càng ghi dấu rõ nét trên bản đồ thế giới với đa dạng món ăn đặc trưng, sự kết hợp khéo léo trong hương vị cùng với sự hài hòa trong màu sắc đã hấp dẫn du khách trong và ngoài nước; đồng thời, được các chuyên gia, tạp chí uy tín nước ngoài đánh giá cao. Trong đó, bánh mì có mặt từ thành thị đến miền quê Việt Nam với món ăn kèm và nhân bánh được chế biến sáng tạo, phong phú theo văn hóa bản địa.

Một số quy định mới về thi tốt nghiệp THPT 2023

Theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2023 được Bộ GD- ĐT ban hành, có một số quy định mới.

Chú thích ảnh
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN

Theo đó, các thí sinh chỉ được mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản và Atlat Địa lý Việt Nam khi thi môn Địa lý. Thí sinh không được mang các loại máy ghi âm, ghi hình, dù chỉ có chức năng ghi thông tin, không thể nghe, xem hay truyền tín hiệu - điều mà quy định hiện hành cho phép.

Ngoài ra, thay vì cho thí sinh rời khu vực thi sau khi hết hai phần ba thời gian tự luận như mọi năm, quy chế mới yêu cầu thí sinh ở tại phòng chờ trong suốt thời gian còn lại của buổi thi. 

Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2023 còn thay đổi quy định thí sinh được đăng ký dự thi trực tuyến, ngoài việc đăng ký trực tiếp tại trường nơi học lớp 12 như hiện nay; bổ sung thí sinh thuộc diện ưu tiên được cộng 0,25 và 0,5 điểm so với quy chế cũ.

Quy chế mới cũng sửa đổi, bổ sung một số quy định về làm đề thi nhằm tránh kẽ hở như vụ việc lọt đề sinh học năm vừa qua. Theo đó, ủy viên, thư ký, người làm nhiệm vụ về tin học - kỹ thuật là công chức, viên chức của các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT); trong đó, ủy viên thường trực là công chức thuộc Cục Quản lý chất lượng. Người soạn thảo đề thi và phản biện đề thi là công chức, viên chức ngành giáo dục hoặc các viện nghiên cứu; giảng viên cơ hữu, giáo viên cơ hữu đang công tác tại các cơ sở giáo dục.

Mỗi bài thi, môn thi có một tổ ra đề thi gồm tổ trưởng và người soạn thảo đề thi, phản biện đề thi. Ngoài ra, mỗi bài thi tự luận sẽ được hai cán bộ chấm thi chéo bằng hai màu mực khác. Trong khi tiến hành các công việc liên quan đến phúc khảo, phải có ít nhất từ hai thành viên của ban phúc khảo bài thi tự luận trở lên.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được tổ chức vào các ngày 27, 28, 29, 30/6/2023. Trong đó, ngày 27/6 thí sinh làm thủ tục dự thi. Ngày 28 và 29/6 tổ chức coi thi. Bộ cũng dành ra ngày 30/6 để dự phòng.

PV/Báo Tin tức
Khách hàng cần làm gì khi bị khóa thuê bao di động do chưa chuẩn hóa thông tin
Khách hàng cần làm gì khi bị khóa thuê bao di động do chưa chuẩn hóa thông tin

Bắt đầu từ đêm 31/3, các nhà mạng đồng loạt khoá một chiều với thuê bao di động chưa chuẩn hoá thông tin. Những khách hàng bị khoá SIM liên lạc có thể thực hiện theo hướng dẫn sau để chuẩn hoá thông tin, mở lại liên lạc bình thường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN