'Nóng' vấn đề chưa mở cửa du lịch quốc tế và y án sơ thẩm với hai bị cáo Trần Văn Minh, Phan Văn Anh Vũ

Chính phủ chỉ đạo chưa mở cửa du lịch quốc tế; thêm 4 ca mắc COVID-19 mới, gồm 1 ca tiếp xúc với 17 người; sập công trình trong Khu công nghiệp Giang Điền (Đồng Nai); y án sơ thẩm với hai bị cáo Trần Văn Minh, Phan Văn Anh Vũ; đề nghị mức án trong vụ gian lận điểm thi tại Hòa Bình; tổng kiểm soát phương tiện trên toàn quốc... là những vấn đề làm "nóng" dư luận tuần qua.

Chưa mở cửa du lịch quốc tế

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo 182/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19 ngày 15/5/2020.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN.

Thông báo kết luận nêu rõ, trong thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương đã nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19; đồng thời, khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đã đạt thành công bước đầu quan trọng trong thực hiện mục tiêu kép mà Chính phủ đã đề ra. Đến nay, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh; đồng thời, đã tích cực thực hiện các biện pháp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy xuất nhập khẩu, từng bước phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài, chưa mở cửa du lịch quốc tế. Các ngành quân đội, công an, y tế tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh, thực hiện nghiêm việc cách ly tập trung, không để lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng. Các trường hợp là nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật, lao động tay nghề cao, nhà quản lý doanh nghiệp, công chức thực hiện công vụ, sinh viên nước ngoài học tập tại Việt Nam được tạo điều kiện nhập cảnh, nhưng phải thực hiện cách ly phù hợp. Tiếp tục quản lý chặt chẽ người qua lại đường mòn, lối mở trên các tuyến biên giới đường bộ.

Bộ Ngoại giao khuyến cáo người Việt Nam đang ở nước ngoài chưa về nước, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch của nước sở tại; chỉ xem xét cho về nước đối với các trường hợp đặc biệt như học sinh dưới 18 tuổi, người đi khám chữa bệnh, du lịch, thăm thân, công tác hết hạn; công bố tiêu chí được về nước và chủ trì, tổ chức tốt việc đưa công dân Việt Nam về nước theo lộ trình phù hợp, công khai, minh bạch.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế nghiên cứu, sớm đề xuất việc công bố hết dịch và chiến lược phòng chống dịch COVID-19 cho giai đoạn mới, lâu dài, bảo đảm hiệu quả về y tế, bền vững về kinh tế; giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ: Ngoại giao, Y tế và các Bộ, cơ quan liên quan xúc tiến quảng bá du lịch, chuẩn bị các việc cần thiết để mở cửa đón khách du lịch quốc tế khi điều kiện cho phép, trước hết là từ các nước, vùng lãnh thổ đã kiểm soát tốt dịch bệnh; nghiên cứu đề xuất thời điểm và nguyên tắc dần nới lỏng xuất nhập cảnh, nối lại một số đường bay phục hồi giao thương, thăm thân, du lịch, thương mại, đầu tư trên cơ sở song phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Ghi nhận thêm 4 ca mắc mới COVID-19, 1 ca từng tiếp xúc với 17 người

Tính đến 18 giờ ngày 16/5, Việt Nam ghi nhận thêm 4 ca mắc mới COVID-19, đều là người nhập cảnh. Trong đó có 1 trường hợp trở về từ Campuchia bằng xe khách và đã tiếp xúc với 17 người.

Chú thích ảnh
Cách ly các hành khách nhập cảnh. Ảnh: TTXVN.

Đó là ca bệnh 315 (BN315): Bệnh nhân nam, 39 tuổi, từ Campuchia về nước và nhập cảnh trái phép qua đường mòn vào lúc 15 giờ 30 phút ngày 2/5, đến nhà người dì ruột tại ấp Tân Đông, xã Tân Thành, huyện Tân Châu (Tây Ninh). Theo yêu cầu của người dì, người đàn ông này đã tới ngay công an xã trình báo, được giữ cách ly tại xã tới sáng 3/5. Sáng 3/5, bệnh nhân được đưa đi cách ly tập trung tại K71. Ngày 5/5, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2. Tối 15/5, mẫu xét nghiệm lần 2 của bệnh nhân tại Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Bệnh nhân được điều trị cách ly tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh. 17 người tiếp xúc gần với bệnh nhân này đã được cách ly theo dõi tại Trung tâm Y tế huyện Tân Châu và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh.

Như vậy tới thời điểm này, trên chuyến bay VN0062 từ Liên bang Nga về Việt Nam ngày 13/5 đã có 27 hành khách dương tính với virus SARS-CoV-2, tất cả đều được cách ly ngay sau khi nhập cảnh, không có nguy cơ lây lan ra cộng đồng.

Tổng số ca mắc COVID-19 của Việt Nam là 318 trường hợp. Tính đến 18 giờ ngày 16/5, đã 30 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 9.161 trường hợp, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 302; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 7.179; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 1.680 trường hợp.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong các ca đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 4 ca; số ca âm tính lần 2 trở lên với virus SARS-CoV-2 là 12 ca.

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đánh giá, rất khó kiểm soát triệt để được người dân qua lại biên giới đường bộ thông qua đường mòn, lối mở nên luôn thường trực nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và lây nhiễm cho cộng đồng trong thời gian tới.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng nhận định, dịch bệnh COVID-19 sẽ kéo dài nhiều tháng thậm chí là nhiều năm. Do đó, WHO khuyến nghị, Việt Nam tăng cường hơn các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh dài hạn, như tăng cường giám sát nhóm nguy cơ, thường xuyên rà soát các biện pháp hiện có và đánh giá tình hình mới để có khuyến nghị kịp thời về giao thương...

Làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong vụ sập công trình tại KCN Giang Điền

Ngày 15/5, đoàn công tác gồm đại diện Bộ Xây dựng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an đã đến hiện trường vụ sập công trình xây dựng tại Khu Công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) tìm nguyên nhân xảy ra sự cố.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cùng đoàn công tác liên bộ kiểm tra hiện trường sập công trình xây dựng. Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN.

Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, qua xác minh ban đầu, Công ty AV Healthcare đã ký hợp đồng xây dựng với Công ty TNHH Hà Hải Nga (đóng ở phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Đồng Nai, do ông Hà Huy Hải, sinh năm 1964 làm Giám đốc). Diện tích xây dựng 5.747 m2, với tổng trị giá hợp đồng 11,5 tỷ đồng. Lúc 14 giờ ngày 14/5 khi đang thi công, thì tường rào cao 8 m, dài 109 m tại lô 18, đường số 18 (Khu công nghiệp Giang Điền) đổ sập xuống, đè lên nhiều công nhân.

Theo Công an tỉnh Đồng Nai, xét thấy vụ việc có dấu hiệu vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, căn cứ kết quả điều tra bước đầu, Cơ quan Cảnh sát điều tra của Công an tỉnh Đồng Nai đã tạm giữ hình sự 3 đối tượng gồm: Hà Huy Hải (sinh năm 1964, Giám đốc Công ty Hà Hải Nga); Nguyễn Quang Đoái (sinh năm 1983, nhân viên đo đạc công trình); Hà Huy Vĩnh Trường (sinh năm 1996, nhân viên chấm công).

Công an tỉnh Đồng Nai đang tiếp tục phối hợp với Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai và Bộ Xây dựng để khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân vụ việc.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, đây là sự cố công trình gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm chết 10 người và bị thương 14 người. Bộ Xây dựng thống nhất với tỉnh Đồng Nai cho dừng thi công ngay các hạng mục công trình của chủ đầu tư này đến khi xác định được nguyên nhân, trách nhiệm và xem xét những việc tiếp theo. Những công trình khác trong khu công nghiệp trên địa bàn Đồng Nai bị dừng thi công 1 tuần để ban quản lý và các đơn vị liên quan rà soát lại tổng thể những dạng công trình có kết cấu tương tự để xem có vấn đề gì hay không, sau đó mới cho thi công trở lại.

Y án sơ thẩm với bị cáo Trần Văn Minh và Phan Văn Anh Vũ

Chú thích ảnh
Hai nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến và các bị cáo nghe tòa tuyên án. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN.

Chiều 12/5, sau một tuần xét xử và nghị án, Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án hai nguyên lãnh đạo Đà Nẵng cùng đồng phạm trong vụ án thâu tóm nhà, đất công sản tại địa bàn thành phố, đã tuyên án đối với các bị cáo.

Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo Trần Văn Minh và Phan Văn Anh Vũ (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79). Bị cáo Văn Hữu Chiến và một số bị cáo được giảm nhẹ hình phạt.

Sau một tuần xét xử, Hội đồng xét xử phúc thẩm kết luận hành vi làm trái của bị cáo Trần Văn Minh (Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giai đoạn 2006 - 2011) và bị cáo Văn Hữu Chiến (Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giai đoạn 2011 - 2014) cùng các đồng phạm, đã làm Nhà nước mất quyền quản lý, sử dụng, khai thác nhà, đất công sản trong thời gian dài, gây thiệt hại hơn 22.000 tỷ đồng. Bản án sơ thẩm đã tuyên là có căn cứ pháp luật.

Theo Hội đồng xét xử phúc thẩm, hình phạt đối với bị cáo Trần Văn Minh về hai tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" là "đúng người, không nặng".

Theo đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên bị cáo Trần Văn Minh y án 12 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và y án 5 năm tù về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”; tổng hợp hình phạt là 17 năm tù.

Bị cáo Phan Văn Anh Vũ y án 17 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và y án 8 năm tù về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”; tổng hợp hình phạt là 25 năm tù. Tổng hợp hình phạt tại các bản án trước, bị cáo Vũ phải chấp hành hình phạt chung là 30 năm tù.

Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên bị cáo Văn Hữu Chiến 7 năm tù (giảm 2 năm tù so với án sơ thẩm) về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và 3 năm tù về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”; tổng hợp hình phạt là 10 năm tù.

Cũng được giảm án, bị cáo Nguyễn Ngọc Tuấn (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) chịu mức án 18 tháng tù (giảm 18 tháng tù so với án sơ thẩm) về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và 18 tháng tù (giảm 6 tháng tù) về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”; tổng hợp hình phạt là 3 năm tù.

Bị cáo Trần Phi (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Đà Nẵng) bị phạt 12 tháng tù (giảm 12 tháng tù so với án sơ thẩm); Nguyễn Đình Thống (nguyên Giám đốc Công ty Quản lý và khai thác đất Đà Nẵng bị phạt 18 tháng tù (giảm 6 tháng tù so với án sơ thẩm)...

Đề nghị mức án trong vụ gian lận điểm thi tại Hòa Bình

Chú thích ảnh
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, ngày 11/5/2020. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN.

Ngày 14/5, Phiên tòa xét xử 15 bị cáo trong Vụ gian lận điểm tại Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại Hòa Bình bước sang ngày làm việc thứ 4.

Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử tiếp tục phần xét hỏi để làm rõ tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” đối với các bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn, Đào Ngọc Thuật, Nguyễn Quang Vinh, Quách Thanh Phúc.

Các bị cáo khai nhận, trước đó đã có sự bàn bạc, thống nhất thực hiện việc nâng, sửa điểm bài thi cho các thí sinh. Trong đó, Đỗ Mạnh Tuấn là người trực tiếp thực hiện còn Nguyễn Quang Vinh là người tạo điều kiện để Tuấn thực hiện việc nâng sửa điểm.

Sau khi kết thúc phần xét hỏi đối với các bị cáo về hành vi phạm tội, phiên tòa bước sang phần tranh luận. Trước khi bước vào phần tranh luận, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đọc bản luận tội và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét mức hình phạt dành cho các bị cáo với mức án cao nhất từ 7 - 8 năm tù giam.

Theo đó, Viện Kiểm sát đề nghị tuyên phạt bị cáo Nguyễn Quang Vinh mức án từ 7 - 8 năm tù giam; bị cáo Khương Ngọc Chất từ 5 - 6 năm tù giam; bị cáo Nguyễn Khắc Tuấn từ 5 - 6 năm tù giam; bị cáo Đào Ngọc Thuật từ 3 - 4 năm tù giam; bị cáo Diệp Thị Hồng Liên từ 2,5 - 3 năm tù giam; bị cáo Nguyễn Thị Thu Loan từ 2 - 2,5 năm tù giam; bị cáo Nguyễn Thị Hồng Chung từ 2 - 2,5 năm tù giam.

Đối với bị cáo Hồ Chúc, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị tuyên phạt từ 2 - 3 năm tù giam về tội “Đưa hối lộ”; bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn từ 7 - 8 năm tù về tội “Nhận hối lộ” và 3 - 4 năm tù về tội “ Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tổng hợp hình phạt cả 2 tội dành cho bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn là từ 10 - 12 năm tù giam.

Xét thấy và áp dụng các tình tiết theo hướng có lợi cho các bị cáo, đại diện Viện Kiểm sát đã xin rút tình tiết phạm tội nhiều lần trong cáo trạng truy tố các bị cáo Nguyễn Quang Vinh, Đỗ Mạnh Tuấn, Diệp Thị Hồng Liên, Khương Ngọc Chất, Nguyễn Thị Thu Loan, Nguyễn Thị Hồng Chung, Bùi Thanh Trà, Lê Thị Hồng, Nguyễn Đức Hoàng, Đào Ngọc Thuật về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Riêng đối với Nguyễn Khắc Tuấn, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, xử lý vì bị cáo Nguyễn Khắc Tuấn phạm tội nhiều lần (2 năm liên tục phạm tội nâng sửa điểm tại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 và năm 2018).

Ngoài các bị cáo bị khởi tố, truy tố được đưa ra xét xử trong vụ án này, cơ quan An ninh điều tra đã tiến hành làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến kỳ thi gồm 18 giáo viên là cán bộ chấm thi đã có hành vi biết nâng điểm, ký hợp thức kết quả chấm sai, gian lận điểm của 20 bài thi tự luận môn Ngữ văn có hành vi thiếu trách nhiệm không thực hiện việc bốc thăm và bố trí cán bộ chấm thi nâng điểm cho các thí sinh.

Đại diện Viện Kiểm sát cũng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét tịch thu sung công quỹ Nhà nước số tiền 550 triệu đồng tiền “nhận hối lộ” của Nguyễn Mạnh Tuấn; tịch thu sung công quỹ Nhà nước một số vật chứng được các bị cáo sử dụng vào mục đích phạm tội theo quy định của pháp luật.

Tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ trên cả nước

Chú thích ảnh
Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (CSGT - Bộ Công an) phát lệnh ra quân. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN.

Ngày 15/5, Cục CSGT tổ chức Lễ ra quân lực lượng tổng kiểm soát các loại phương tiện giao thông đường bộ, tập trung vào phương tiện kinh doanh vận tải hành khách, xe container, ôtô con và xe máy. Trong thời gian ra quân, CSGT được phép dừng tất cả phương tiện để kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm. Trong đó, đặc biệt chú ý những lỗi về nồng độ cồn, ma túy, tốc độ, lạng lách, đánh võng.

Trong quá trình dừng phương tiện, lực lượng CSGT thực hiện kiểm tra theo nội dung kế hoạch được phép và theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, như: Đăng ký xe, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận kiểm định của chủ xe cơ giới và các giấy tờ khác…; khi kiểm soát giấy tờ, bằng các biện pháp nghiệp vụ kịp thời phát hiện và kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, như vi phạm nồng độ cồn; tàng trữ và vận chuyển ma túy; chở quá số người; vận chuyển chất cháy nổ, chở hàng nguy hiểm, quá tải và quá khổ...

Đợt tổng kiểm tra này kéo dài đến hết ngày 14/6.

Phố đi bộ Hồ Gươm hoạt động trở lại sau hơn 3 tháng tạm dừng vì dịch COVID-19

Chú thích ảnh
Phố đi bộ quanh Hồ Gươm hoạt động trở lại. Ảnh: Lê Phú.

Sau hơn ba tháng dừng hoạt động để phòng chống dịch COVID-19, từ tối 15/5, phố đi bộ Hồ Gươm đã hoạt động trở lại. Khu vực xung quanh Bờ Hồ khá nhộn nhịp, nhiều người đưa trẻ nhỏ tới hóng mát, vui chơi. Người dân hào hứng khi được dạo phố quanh Hồ Gươm vào ngày nghỉ cuối tuần. Các hoạt động vui chơi, ca hát... trên phố đi bộ cũng bắt đầu thu hút sự chú ý, tham gia của nhiều bạn trẻ.

Vân Sơn/Báo Tin tức
Nóng trong tuần: Bắt giữ nguyên Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội, 'vỡ trận' cam kết lợi nhuận ở Cocobay Đà Nẵng
Nóng trong tuần: Bắt giữ nguyên Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội, 'vỡ trận' cam kết lợi nhuận ở Cocobay Đà Nẵng

Trong tuần qua, dư luận quan tâm tới các vụ việc bắt giữ nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) thành phố Hà Nội do liên quan vụ án Công ty Nhật Cường và "vỡ trận" cam kết lợi nhuận ở Cocobay Đà Nẵng…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN