Chân lý sống học từ người thầy - Muốn sang thì bắc cầu Kiều

Cầm bài thơ của người học trò từ gần 50 năm trước tặng, thầy giáo già Đỗ Văn Xuyền, người mấy chục năm nay không quản tuổi cao sức yếu, lăn lội tới mọi miền đất nước tìm và giải mã chữ Việt cổ phát triển rực rỡ từ thời các Vua Hùng trầm tư, xúc động với bao kỷ niệm ùa về:

 

Minh họa: Trần Thắng


- Tôi năm nay đã gần 80 tuổi, chứng kiến bao thế hệ học sinh trưởng thành, nhận được bao lời chúc nhân ngày Tết, sinh nhật và 20/11… vậy mà khi nhận được bài thơ của Nguyễn Vĩnh - người học trò cũ, niên khóa 1961 - 1963 của trường Sa Đéc, thị xã Phú Thọ, ngày ấy tôi là hiệu trưởng, tôi không kìm được xúc động. Đó không chỉ là tình cảm của học sinh với những người thầy giáo, mà hơn thế các em luôn coi mình là chỗ dựa tinh thần để sống tốt hơn, vững vàng trước bộn bề cám dỗ và vòng xoáy cuộc đời.


Ông cất lời ngâm bài thơ:

 

Thầy tôi


Kính tặng thầy Đỗ Văn Xuyền

 

         Con về thăm lại trường xưa


Mấy mươi năm… ngỡ như vừa hôm qua


       Vẫn trầm tư gốc me già


Phượng hồng đỏ mắt vẫn da diết chiều


       Càng thương ngày ấy bao nhiều


Hạt cơm còm cõi cõng nhiều ước mơ


      Thầy dạy con (tự bao giờ)


            tập ghép chữ


           tập làm thơ


           tập buồn


       Lang thang, con kẻ vô hồn


Nắng chưa tắt đã hoàng hôn tím trời


        Thầy đi suốt cả cuộc đời


Tìm trong Đất cổ chữ người Việt xưa


       (Mấy nghìn năm… đến bây giờ?)


Ngược thời gian - ngược nắng mưa mà tìm


       Dấu xưa… tăm cá bóng chim…


Con thuyền chữ cổ nổi chìm xót xa


       Chẳng lợi danh chốn phù hoa


Âm thầm thanh bạch bao la ân tình


        Cây xanh ôm đất mà xanh


Chỉ mong mình được là mình vậy thôi!

 

Qua thầy Đỗ Văn Xuyền, tôi biết Nguyễn Vĩnh ngày ấy là liên đội trưởng đội Thiếu niên tiền phong. Anh không chỉ học giỏi mà còn năng nổ trong nhiều hoạt động của trường. Sau này anh là giáo viên, nay anh đã nghỉ hưu nhưng vẫn dạy thêm ở trường PTTH thị xã Phú Thọ.


Bài thơ viết theo thể lục bát truyền thống, lời thơ giản dị nhưng sâu lắng, gửi gắm được tình cảm của người học sinh với người thầy yêu kính, đồng thời ca ngợi tinh thần lao động vô tư không vụ lợi, không quản tuổi cao bệnh tật vì đất nước của thầy và anh tự nhìn lại mình, mong sao sống cho đúng nghĩa con người. Bài thơ được anh Vĩnh cẩn trọng viết lên tấm lụa mầu vàng tươi, nét chữ đen nhánh, mềm mại, anh đem đến tận nhà biếu thầy.


Mở đầu bài thơ là những dòng tự sự, thăm lại trường xưa đã mấy mươi năm nhưng kỷ niệm vẫn còn tươi rói: “Mấy mươi năm… ngỡ như vừa hôm qua”. Và anh thương cái ngày rau cháo với “hạt cơm còm cõi” của một thời gian khó nhưng vẫn “cõng nhiều ước mơ”. Những ước mơ trong cái cảnh bần hàn ấy được các thầy khơi gợi trong sáng và cao đẹp biết bao. Rồi những lời thầy dạy: “Tập ghép chữ, tập làm thơ, tập buồn”.


Cái điều thầy dạy ấy tưởng như rất đơn sơ nhưng sâu sắc biết nhường nào, không chỉ dạy tri thức, mà còn chắp cánh cho những ước mơ bay cao bay xa và biết đối mặt với thực tế cuộc sống. Cái từ “tập buồn” sao mà đắc địa đến thế. Sau này bước ra cuộc đời nhiều sóng gió anh mới hiểu hết tấm lòng của thầy đã dạy anh làm người, phải biết tự rút ra cho mình những bài học khi vấp ngã và hơn thế phải biết chia bùi sẻ ngọt với bao cảnh đời.

 

Anh trải lòng mình như một lời tự bạch, như nhận lỗi với thầy: “Lang thang, con kẻ vô hồn/ Nắng chưa tắt đã hoàng hôn tím trời”. Ôi! Cuộc sống con người thăng trầm đôi khi thật khó làm chủ và tránh sao cho khỏi có lúc vấp ngã nhưng sống sao cho đúng nghĩa con người không dễ, bởi phải có bản lĩnh, phải có niềm tin, phải có mục đích sống đúng đắn, mất đi những cái cơ bản đó mình sẽ tự đánh mất mình.

 

Nhưng rồi khi thấy người thầy của mình đã già yếu, tưởng rằng chỉ gắng sống những ngày còn lại, thì không ngờ người thầy của mình vẫn: “Thầy đi… suốt cả cuộc đời/ Tìm trong Đất cổ chữ người Việt xưa” và công cuộc đi tìm ấy, việc làm cao quí của người thầy sao mà trong sáng vô tư đến thế: “Chẳng lợi danh chốn phù hoa/ Âm thầm thanh bạch bao la ân tình”. Những bài học thầy dạy năm xưa sao mãi còn mới mẻ với các thế hệ học trò. Anh chợt tỉnh ngộ, cái tôi của mình sao mà nhỏ nhoi đến thế. Những lời thầy dạy năm nao, tấm gương của thầy hôm nay như thức dậy hạt mầm tốt đẹp trong anh, câu thơ như chắt từ muôn vàn đắng cay để sáng lên một chân lý sống: “Cây xanh ôm đất mà xanh/ Chỉ mong mình được là mình vậy thôi!”.

 

Trần Vân Hạc

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN