Khai thác nghệ thuật biểu diễn truyền thống cho phát triển công nghiệp văn hóa Hà Nội

Chiều 25/11, tọa đàm “Nghệ thuật biểu diễn truyền thống và việc phát triển công nghiệp văn hóa ở Hà Nội” do Khoa Các khoa học liên ngành - Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức, đã diễn ra tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (Hà Nội).

Chú thích ảnh
Độc đáo nghệ thuật múa hát Ải Lao. 

Tọa đàm đã làm rõ sự đa dạng, tiềm năng của các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống tại Hà Nội và những cơ hội, thách thức trong việc khai thác, ứng dụng nghệ thuật biểu diễn truyền thống trong các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, sáng tạo của Hà Nội. Nhất là trong các liên hoan, lễ hội, sự kiện, buổi biểu diễn, khóa đào tạo nghệ thuật, du lịch địa phương…

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Trọng Hinh, Phường múa hát Ải Lao (quận Long Biên) chia sẻ, Phường múa hát Ải Lao gồm 30 hội viên đến với nhau từ niềm đam mê và trách nhiệm với cha ông để lại. Với nghệ thuật độc đáo không đâu có, Phường thường xuyên đi biểu diễn các nơi để giới thiệu đến đông đảo nhân dân. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay là việc đào tạo thế hệ trẻ tiếp nối di sản cha ông khi giới trẻ không mặn mà. Mọi người trong Phường cũng mong muốn có địa điểm thờ ông Hoàng Hổ và nhà tập múa hát.

Nghệ sĩ múa rối nước Chu Lượng cũng cho rằng, múa rối nước là nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam và Hà Nội là nơi có nhiều phường rối nước nhất với 5 phường. Hiện nay, giới trẻ có chiều hướng quan tâm đến nghệ thuật truyền thống trong đó có rối nước. Nhiều hoạt động sáng tạo cũng được khai thác từ nghệ thuật rối nước như, tạo hình rối nước, vẽ tranh, vẽ lên áo phông tạo sự độc đáo, hấp dẫn khách hàng. Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật múa rối nước cũng đặt ra vấn đề cho cơ quan quản lý để vừa giữ được bản sắc cũ, vừa khai thác cho hoạt động sáng tạo hiện nay.

Các nhà nghiên cứu, nhà khai thác nghệ thuật truyền thống cũng cho rằng, tại một số quốc gia khu vực châu Á, việc khai thác nghệ thuật truyền thống cho phát triển du lịch được thực hiện rất tốt. Nhiều tour du lịch được xây dựng có tới 2 buổi biểu diễn nghệ thuật. Tất nhiên, đó là các chương trình nghệ thuật thực cảnh, được xây dựng với quy mô hoành tráng, có sức cuốn hút người xem. Vì vậy, để khai thác tốt nghệ thuật biểu diễn truyền thống cho hoạt động du lịch buộc các đơn vị nghệ thuật phải đầu tư bài bản, chuyên nghiệp.

Chú thích ảnh
Trình diễn tiết mục Xẩm tàu điện tại buổi tọa đàm.

Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy - Giảng viên Khoa Các khoa học liên ngành - Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, tính kết nối của chúng ta chưa cao. Nghệ thuật biểu diễn truyền thống cần tăng cường kết nối du lịch và kết nối với giáo dục. Ví dụ, các doanh nghiệp lữ hành và các đơn vị nghệ thuật có thể kết nối xây dựng tour thăm làng cổ Đường Lâm và xem vở thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ. Đơn vị nghệ thuật có thể kết nối với các trường học tổ chức cho học sinh xem các chương trình biểu diễn, tương tác với nghệ sĩ, trải nghiệm làm các vật dụng. Việc kết nối với các trường học là một hướng đi hữu hiệu để các cháu tìm hiểu nghệ thuật truyền thống, nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật và sau này các cháu có những hoạt động sáng tạo về nghệ thuật.

Hiện tại, Hà Nội cũng có nhiều trung tâm hoạt động nghệ thuật do giới trẻ tổ chức và vận hành đang nhiều kết quả khả quan như: Trung tâm Âm nhạc truyền thống Thăng Long, Trung tâm Xúc tiến Quảng bá Di sản văn hóa Phi vật thể. Các trung tâm này vừa đào tạo các lớp nghệ thuật biểu diễn truyền thống, vừa quảng bá nghệ thuật đến đông đảo công chúng trong nước và ở nước ngoài. Đó là những bước đi hiệu quả góp phần phát triển công nghiệp văn hoá Hà Nội.

Bà Bùi Thị Hương Thủy, Phó Phòng quản lý Di sản - Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng cho biết, năm 2022, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết quy định chế độ đãi ngộ, hỗ trợ Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú, nghệ nhân và câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội. Riêng đối với câu lạc bộ tiêu biểu được hỗ trợ lần đầu khi thành lập để mua sắm trang thiết bị, đạo cụ là 50 triệu đồng và hỗ trợ kinh phí hoạt động hàng năm là 20 triệu đồng. Thành phố cũng có chế độ đối với nghệ nhân, người kế cận nắm giữ di sản tham gia thực hành, trình diễn, truyền dạy, bảo vệ, phát huy giá trị di sản. Đó là những yếu tố thuận lợi để các nghệ nhân và các câu lạc bộ di sản văn hóa phi vật thể phát huy tốt vai trò của mình trong giữ gìn và phát huy di sản.

Trong khuôn khổ tọa đàm, đã diễn ra một số màn trình diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc như: Múa hát Ải Lao, xẩm tàu điện, biểu diễn nhạc cụ truyền thống Việt Nam, giúp khán giả có những trải nghiệm sống động, trực tiếp.

Tin, ảnh: Đinh Thuận (TTXVN)
Đặc sắc chương trình sắp đặt âm thanh nghệ thuật 'Âm cảnh Ga Hà Nội'
Đặc sắc chương trình sắp đặt âm thanh nghệ thuật 'Âm cảnh Ga Hà Nội'

Chương trình sắp đặt âm thanh nghệ thuật “Âm cảnh Ga Hà Nội” là sự kiện trình diễn đa phương tiện bao gồm mẫu âm, hình ảnh, ngẫu hứng trình diễn tại chỗ, tạo sự tương tác, liên tưởng về Ga Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN