Lễ hội Khai hạ - Cầu an tại TP Hồ Chí Minh

Ngày 16/2 (nhằm mùng 7 Tết Giáp Thìn), Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh) phối hợp với Ban Quản lý Di tích Lịch sử văn hóa Quốc gia Lăng Lê Văn Duyệt tổ chức Lễ hội Khai hạ - Cầu an.

Chú thích ảnh
Đại biểu thực hiện nghi thức khai ấn đầu Xuân. 

Theo Ban Quản lý Di tích Lịch sử văn hóa Quốc gia lăng Lê Văn Duyệt, Lễ hội diễn ra vào mùng 7 tháng Giêng hàng năm tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt với các nghi thức tế, lễ được tổ chức theo nghi thức tế lễ cung đình triều Nguyễn. Lễ này xuất phát từ lúc Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt còn tại vị Tổng trấn cai quản thành Gia Định. Ông chọn ngày mùng 7 Tết là ngày Khai hạ, được xem là nghi thức kết thúc mọi hoạt động vui chơi trong Tết Nguyên đán, mọi người trở lại nhịp sinh hoạt hằng ngày.

Lễ hội được tổ chức theo bốn phần gồm: Hạ nêu, khai hạ, khai bút và khai ấn. Lễ được bắt đầu bằng nghi thức hạ cây nêu. Theo phong tục truyền thống, cây nêu dựng lên để trừ tà, không cho ma quỷ đến nhà, gia đình ăn Tết được bình yên. Trước đó, vào ngày 30 Tết, sau khi cúng thần (tức Tả quân Lê Văn Duyệt) tại sân Lăng, lễ dựng nêu diễn ra đánh dấu một năm kết thúc, đồng thời báo hiệu Xuân về, Tết đến.

Chú thích ảnh
Ban Quý tế Lễ hội Khai hạ - Cầu an thực hiện nghi thức rước lễ vào điện thờ Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt. 

Sau nghi thức hạ nêu, Ban Quý tế tiếp tục thực hiện nghi thức khai hạ rước lễ vào điện thờ và thực hiện dâng hương, dâng rượu, đọc văn khấn nguyện cho các bậc tiền nhân, cầu an quốc gia thịnh trị. Tiếp theo là nghi thức khai bút đầu Xuân. Theo tục lệ, khai bút là bước vào một năm mới; khi đặt bút viết những dòng chữ đầu tiên, người viết chọn những điều hay và tốt đẹp nhằm cầu mong cho một năm được tốt lành.

Sau nghi thức khai bút là khai ấn. Chiếc ấn của Tả quân với bốn chữ “Tả quân chi ấn” được khắc theo kiểu chữ triện. Ban Tổ chức chuẩn bị sẵn các bức thư pháp với chữ Phúc, Thọ, Đức… để người khai ấn đóng lên. Những bức thư pháp này sau khi đóng ấn sẽ được gửi tặng các cá nhân có nhiều đóng góp cho xã hội, cho Thành phố và việc bảo tồn Lăng Tả quân.

Trong Lễ Khai hạ - Cầu an, nhiều tiết mục chầu hát bội diễn ra sống động, tinh tế, sâu sắc...

Thành phố Hồ Chí Minh có 3 lễ hội truyền thống được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia gồm: Lễ hội Nghinh Ông (huyện Cần Giờ), Lễ hội Nguyên Tiêu (Quận 5) và Lễ hội Khai hạ - Cầu an tại Lăng Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt (quận Bình Thạnh).

Chú thích ảnh
Ban Quý tế Lễ hội Khai hạ - Cầu an thực hiện nghi thức khai hạ. 

Nhiều năm qua, Lễ hội Khai hạ - Cầu an đầu năm tại Lăng Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt đã thu hút hàng nghìn lượt người tham dự không chỉ tại TP Hồ Chí Minh mà còn từ các tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ. Lễ hội được tổ chức để cầu mong mưa thuận, gió hòa và kỳ vọng một năm mới công việc thuận lợi, làm ăn hanh thông, thể hiện sức mạnh đoàn kết của nhân dân trong lao động, sinh hoạt và bảo vệ đất nước.

Đức Tả quân Lê Văn Duyệt (1764 - 1832), thời vua Gia Long (1802 - 1820) và vua Minh Mạng (1820 - 1841), là người đã có công mở mang, phát triển vùng đất phía Nam của Tổ quốc, đặc biệt là Sài Gòn - Gia Định. Khi còn giữ chức Tổng trấn thành Gia Định, dưới sự quản lý, điều hành tài tình về kinh tế và quân sự của ông, người dân nơi đây được sống trong an bình, no ấm. 

Tả quân Lê Văn Duyệt hay cùng người dân trong vùng thực hiện các nghi lễ cầu cho mưa thuận gió hòa. Để học tập tinh thần trung quân ái quốc, phẩm chất chính trực, công bằng..., người dân TP Hồ Chí Minh đã đến xin ấn Tả quân về treo trong nhà như nhắc nhở con cháu noi gương ông và để cầu cho một năm làm ăn thuận buồm xuôi gió.

Tin, ảnh: Hồng Giang (TTXVN)
Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ - nơi cội nguồn dân tộc Việt
Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ - nơi cội nguồn dân tộc Việt

Ngày 16/2 (tức mùng 7 tháng Giêng năm Giáp Thìn 2024) Lễ dâng hương tưởng nhớ, tri ân công đức Tổ Mẫu Âu Cơ theo nghi thức truyền thống chính thức diễn ra tại xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa (Phú Thọ).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN