Mỗi cây nêu một ý nghĩa, tạo nên bản sắc đa dạng của văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nhân Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam năm 2023, bà con các dân tộc tề tựu về Thủ đô tái hiện nghi thức dựng nêu tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Hà Nội).

Clip bà con các dân tộc về Thủ đô tái hiện nghi thức dựng cây nêu:

Trong Tuần lễ Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam năm 2023, có 6 cây nêu của đồng bào dân tộc ở 6 tỉnh, thành phố được dựng tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam: Đồng bào dân tộc Ê Đê tại Đắk Lắk trình diễn cây nêu gắn với nghi lễ cầu sức khỏe. Đồng bào dân tộc Thái đến từ Sơn La, Lai Châu, thực hiện nghi lễ dựng nêu ngày lễ lớn. Đồng bào Cơ Tu từ Đà Nẵng, đồng bào Mường từ Thanh Hóa, đồng bào Ca Dong từ Quảng Nam cũng trình diễn lễ dựng nêu gắn với dân tộc mình.

Chú thích ảnh
Thầy mo người Thái thực hiện nghi lễ Then Kin Pang.

Tới từ Tân Uyên (Lai Châu), thầy mo Lò Văn Lương thực hiện nghi lễ Then Kin Pang (tiếng Thái có nghĩa là Then xuống trần chơi hội cây nêu). Đây là lễ hội lớn nhất, thể hiện rõ nhất bản sắc văn hóa của tộc người Thái.

Theo thầy Lương, trong vùng không có nhiều thầy mo Then, và mỗi thầy mo cũng chỉ được tổ chức Then Kin Pang không quá 4 lần trong đời.

Theo tục lệ của người Thái, ngày thầy mo Then làm lễ, các con nuôi của Then từ khắp các bản gần mường xa đều đến, mỗi người mang một lễ vật để phụ giúp thầy cúng.

Chú thích ảnh
Cây nêu được dựng lên trong niềm vui chung của bà con dân bản.

Để có một ngày hội tưng bừng, làm vui lòng Then, người Thái dựng một cây nêu và trang trí đẹp mắt bằng những đồ vật mà Then và các thần yêu thích.

Cây nêu được làm từ 1 cây chuối rừng và 2 cây cau rừng ghép lại. Trên đó trang trí hoa chuối, hoa quả tươi, hoa bằng chỉ màu, côn trùng bằng giấy, tượng trưng cho những món đồ yêu thích của các linh hồn, loài thú rừng đến hưởng lộc và hai quả trứng nhuộm là đồ chơi yêu thích của thần mưa, thần nắng.

Chú thích ảnh
Thầy cúng người Cơ Tu làm lễ dựng nêu.

Với đồng bào Cơ Tu (Đà Nẵng), trong đời sống tinh thần của cộng đồng, cây nêu như là một biểu tượng văn hóa và không thể thiếu trong các nghi lễ hiến tế.

Sau phần nghi lễ sẽ là phần chơi hội dành cho người dân đã giúp thầy cúng làm lễ.

Nghệ nhân làm nêu A Lang Mỹ, tới từ huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) chia sẻ: Cây nêu là hai cây tre có ngọn và lá được trồng hai bên cột lễ (cột x’nu), được uốn cong vòng cung và nối với nhau trên đỉnh cột lễ. Từ điểm nối của hai ngọn tre có treo tượng chim chèo bẻo, đại diện cho tinh thần từ do của người Cơ Tu và các chùm tua rua như hoa và bông lúa, biểu trưng cho sự sinh sôi và phát triển.

Chú thích ảnh
Với đồng bào Cơ Tu (Đà Nẵng), trong đời sống tinh thần của cộng đồng, cây nêu như là một biểu tượng văn hóa và không thể thiếu trong các nghi lễ hiến tế.

Theo già làng Hà Xuân Tám, hình thức sử dụng cây nêu của người Cơ Tu rất đa dạng: Cây nêu trong bản làng, cây nêu trong gia đình, cây nêu lễ hội, cây nêu trong tang ma.

Cây nêu có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống tinh thần thế tục và tâm linh sâu xa, bởi theo quan niệm của người Cơ Tu, cây nêu là chiếc cầu nối giữa thế giới con người và thế giới thần linh, là nơi dân làng dựng lên để tế lễ tạ ơn trời đất, là nơi dẫn lối cho tổ tiên, những người đã khuất được về với cõi vĩnh hằng, là lãnh địa bất khả xâm phạm quả tà ma và quỷ dữ; là nơi kết nối con người với con người, nhà này với nhà khác, làng này với làng khác, tạo nên một cộng đồng cùng chung sống đoàn kết, ấm no.

Chú thích ảnh
Thầy cúng thực hiện nghi thức cầu sức khỏe cho gia chủ.

Trong khi đó, cây nêu trong tâm thức người Ê Đê tại Đắk Lắk gắn liền với nghi lễ cúng sức khỏe.

Thầy cúng Y Tum Ayũn (huyện Cư M'gar, Đắk Lắk) cho biết: Trong các nghi lễ của người Ê Đê không thể thiếu cây nêu, vì đây là biểu tượng của tâm linh, người Ê đê gọi là Gơng drai. Cây nêu như sợi dây kết nối với các vị thần linh để cầu xin phù hộ cho mọi người có nhiều sức khoẻ, cuộc sống an lành, sung túc.

Chú thích ảnh
Mỗi họa tiết trên cây nêu lại mang nội dung và ý nghĩa riêng của nghi lễ.

Nhìn biểu tượng và hoạ tiết trên cây nêu, người đến dự lễ có thể biết nội dung và ý nghĩa của nghi lễ đang thực hiện của từng nghi lễ tại ơn hoặc cầu an, cầu no đủ, cầu sức khoẻ cho gia đình hoặc cộng đồng…

Chỉ có các thầy cúng từ 60 tuổi mới được phép chuẩn bị một cây nêu và làm lễ cúng. Hình tượng và hoạ tiết cây Nêu được chia thành 5 phần rõ ràng: Đầu, cổ, ngực, bụng, chân. Mỗi phần đều mang một ý nghĩa, biểu tượng riêng như phần đầu biểu tượng như bông chuối rừng, ngầm ý cầu mong sự sinh sôi, con đàn, cháu đống; phần cổ cầu mong sự an lành, mạnh khoẻ; phần ngực cầu no đủ, hạnh phúc; phần bụng định kỳ tổ chức nghi lễ (khắc vòng quanh thân cây nêu 3, 5, 7 lần); phần chân cầu mưa thuận gió hòa…

Chú thích ảnh
Dù cây nêu thấp hay cao cũng đều mang những thông điệp cầu xin và phù hộ cho cuộc sống an lành và sung túc của tất cả mọi người, mọi nhà và tất cả cộng đồng.

Do người Ê Đê thường tổ chức các nghi lễ trong nhà, nên cây nêu bị giới hạn về chiều cao, thấp nhất nhưng vững nhất, so với cây cột lễ của các dân tộc bản địa Tây Nguyên. Dù nó chỉ đơn giản là một thân cây atang hoặc cầu kỳ và uy nghi như thân hình của một vị thần, nhưng nó đều mang những thông điệp cầu xin và phù hộ cho cuộc sống an lành và sung túc của tất cả mọi người, mọi nhà và tất cả cộng đồng.

Ngày hội trình diễn cây nêu và giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc Việt Nam lần thứ II, năm 2023 và Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam (diễn ra từ 22 - 26/11) là sự kiện do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp tổ chức, nhằm giữ gìn, phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc; tôn vinh di sản văn hóa, thiết thực chào mừng 93 năm ngày truyền thống - ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11).
Bài, ảnh, clip: L. Sơn/Báo Tin tức
Di sản Việt Nam: Nơi lưu giữ giá trị quý báu của dân tộc và thế giới
Di sản Việt Nam: Nơi lưu giữ giá trị quý báu của dân tộc và thế giới

Từ năm 2005, ngày 23/11 hằng năm được chọn là "Ngày Di sản văn hóa Việt Nam" với mục đích phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của cộng đồng với công tác bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN