Nghệ An: Công bố Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ Xăng Khan

Tối 3/2, tại huyện Quế Phong, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Đêm hội sắc Xuân miền Tây năm 2018 và công bố Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ Xăng Khan của đồng bào dân tộc Thái tỉnh Nghệ An.

Diễn xướng tái hiện lại lễ Xăng Khan.

Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Minh Thông khẳng định: Lễ Xăng Khan là lễ hội tín ngưỡng dân gian độc đáo của người Thái, góp phần thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nhất là văn hóa tâm linh của đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và người Thái nói riêng. Vì vậy, người dân cần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa này.

Lễ Xăng Khan là di sản văn hóa lâu đời, thể hiện bản sắc riêng, độc đáo của đồng bào dân tộc Thái ở miền Tây Nghệ An (gồm các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tương Dương, Kỳ Sơn, Con Cuông, Nghĩa Đàn). Đây cũng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thứ 2 của đồng bào dân tộc thiểu số Nghệ An sau lễ hội Đền Chín Gian.

Theo các già làng người Thái: "Khi mặt đất bằng lá đa, bầu trời bằng vảy con ốc, núi rừng bằng dấu chân con gà ri thì đã có Xăng Khan". Đây là nghi lễ truyền từ đời này sang đời khác, đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt văn hóa của đồng bào Thái hàng trăm năm nay.

Theo tiếng Thái, “Xăng Khan” là dặn dò và đáp lời, người Thái cho rằng, Xăng là lời nhắn của ông Mo thầy đã khuất đối với ông Mo còn sống đã được truyền dạy nghề thầy cúng, Khan là sự nhận lời của ông Mo được truyền dạy hứa hẹn để làm những điều tốt lành hơn cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Dần dần, với sự tham gia của đông đảo bà con trong bản, lễ Xăng Khan không còn là ngày lễ của các ông Mo mà trở thành nghi lễ truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc Thái ở miền Tây xứ Nghệ. Chính vì vậy, di sản văn hóa này được bảo tồn, lưu giữ và trở thành di sản văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái cho đến ngày nay.


Tại đêm hội, nhân dân và du khách được hòa mình trong những giai điệu cồng chiêng, hát lăm, nhuôn, xuối khắp của người Thái; cự xia, lù tẩu, lê lê, tú lê của người Mông; hát tơm, hát ré của người Khơ Mú; đu đu điềng, điềng, tập tính tập tang của người Thổ...vọng về vang rộn núi rừng.

Trong khuôn khổ đêm hội còn có trình diễn trang phục của đồng bào các dân tộc tỉnh Nghệ An; tổ chức giao lưu đánh trống, cồng chiêng, khắc luống, múa sạp và trải nghiệm các trò chơi dân gian. Các hoạt động trên góp phần thắt chặt tình đoàn kết, động viên tinh thần bà con nhân dịp Xuân mới. Đây cũng là dịp quảng bá hình ảnh tươi đẹp của mảnh đất, con người miền Tây xứ Nghệ đến với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế.

Tin, ảnh: Bích Huệ (TTXVN)
Độc đáo Lễ hội Hết Chá của đồng bào dân tộc Thái
Độc đáo Lễ hội Hết Chá của đồng bào dân tộc Thái

Lễ hội Hết Chá thường tổ chức vào mùa xuân, để tạ ơn của những người được thầy mo chữa cho khỏi bệnh, tạ ơn trời đất, tổ tiên, thần sông, thần núi, thần thổ địa đã giúp cho con người người khang vật thịnh, mưa thuận gió hòa để mùa màng bội thu…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN