Nữ nhà báo giữ gìn hương vị ẩm thực Hà thành

Với khán giả của Hà Nội thập niên 90 của thế kỷ trước và đầu những năm 2000, cô Vũ Thị Tuyết Nhung - nữ nhà báo góp phần làm nên tên tuổi của chương trình truyền hình được rất nhiều khán giả yêu thích “Hà Nội của chúng ta”, là cái tên không hề xa lạ. Thương nhớ hình bóng căn bếp xưa, hương vị ẩm thực phố cổ xưa cũ, đến nay nữ nhà báo gốc Hà Nội vẫn miệt mài gìn giữ “Hà Thành hương xưa vị cũ”.

Bếp xưa, món xưa của mẹ

Gặp cô Vũ Thị Tuyết Nhung tại căn nhà nhỏ mới "thấm" sự tất bật, bận rộn và cả sôi nổi của một nữ nhà báo dù đã về hưu. Liên tục các cuộc hẹn phỏng vấn, ghi hình, xin tư vấn của các nhà báo lớp kế cận, từ những chương trình tọa đàm, gặp gỡ về văn hóa gọi tới. Nữ nhà báo cũng ân cần trả lời từng cuộc gọi, sắp xếp các công việc sao cho việc tham gia các chương trình ấy không ảnh hưởng đến lịch hoạt động công tác xã hội đã lên trước đó.

Clip nữ nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung chia sẻ về việc giữ gìn hương vị ẩm thực Hà thành:

Ẩm thực Hà thành, văn hóa truyền thống của Hà Nội xưa luôn là những câu chuyện mà cô say mê. Hơn 3 thập kỷ công tác, nguyên Trưởng Ban biên tập Văn hóa Xã hội - Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội đã dành cả sự nghiệp của mình cho tình yêu với Hà Nội. Đến nay, niềm đam mê ấy vẫn tiếp nối.

Nhà báo Tuyết Nhung kể, cái duyên với văn hóa truyền thống của Hà Nội đưa cô sinh viên tốt nghiệp thủ khoa Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 (niên khóa 1976 - 1980) đến với nghề báo, thay vì nghiên cứu, giảng dạy như mong muốn ban đầu.

Chú thích ảnh
Món ngon thưởng thức cùng bát mắm nhà làm dậy mùi.

Năm 1984, chương trình "Hà Nội của chúng ta" bắt đầu phát trên sóng truyền hình Hà Nội. Các tiểu mục như: Hà Nội phố, Hà Nội ngàn năm văn hiến, Hà Nội thanh lịch, Người Hà Nội thanh lịch văn minh... trong chương trình do nhà báo Tuyết Nhung đảm trách với nhiều vai trò khác nhau, từ phóng viên, biên tập viên, dẫn chương trình, đến viết kịch bản, đạo diễn... Hàng trăm con phố, hàng ngàn món ăn ngon và biết bao địa danh lịch sử của Hà Nội được nữ nhà báo cùng đồng nghiệp gửi tới khán thính giả.

Nhưng nhớ nhất vẫn là căn bếp của mẹ - nơi chốn đầu tiên cho cô những cảm nhận về ẩm thực Hà thành. “Đó là căn bếp tối mờ bởi bố tôi rất tiết kiệm điện. Căn bếp lúc nào cũng chỉ tỏa ra thứ ánh sáng mờ mờ của bóng đèn đỏ. Có lúc là bếp củi, bếp mùn cưa, bếp tổ ong… từ căn bếp nhỏ ấy, từ góc chạn tối tăm ấy, bà, mẹ và các chị tôi đã làm nên những món ăn “thần diệu” từ những nguyên liệu rất bình dị. Từ căn bếp ấy, tôi đã được học những bài học nữ công đầu tiên vô cùng say mê như rửa lá bánh chưng, đãi đỗ, vo gạo, rim mứt, nấu chè kho, nấu chè con ong, cách sắp xếp trang trí một bát móng thập cẩm như thế nào cho ra lối ăn của thị thành…” - nhà báo Tuyết Nhung hồi nhớ.

Chú thích ảnh
Những kỷ vật nhà bếp phố cổ ngày xưa được nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung trân trọng giữ gìn.
Chú thích ảnh
Chiếc muôi bằng nhôm để múc canh đã móp méo theo thời gian.

Sau này, cùng với việc gìn giữ các công thức, cách nấu, cô cũng lưu giữ lại nhiều kỷ vật nhà bếp phố cổ ngày xưa. Một chiếc tráp đựng trầu, một chiếc bình tích đồng thau, một chiếc mâm bằng đồng, chiếc muôi nhôm đã móp méo… Những kỷ vật nhuốm màu thời gian nhưng lưu giữ kỷ niệm về mẹ, về bà. Những kỷ vật gợi nhớ về những bữa ăn, liên hoan, giỗ chạp, cưới hỏi của một thời Hà Nội khó khăn từ mới giải phóng đến thời kỳ bao cấp, nhưng bình yên và ấm áp.

Gìn giữ ẩm thực xưa qua những trang sách

“Thế hệ của chúng tôi khi nhắc về Hà Nội xưa có lẽ ai cũng mang trong mình những niềm hoài nhớ. Hà Nội trong ký ức của tôi đẹp lắm, thanh vắng, thư nhàn và cũng rất thanh lịch. Nhớ về Hà Nội xưa là tôi lại nhớ không khí gia đình thân thương, nhớ buổi vào bếp với bà, nhớ hôm đi chợ với mẹ, nhớ bạn bè thuở hoa niên...

Xưa, hàng quán Hà Nội còn ít nên mỗi người phụ nữ Hà Nội đều là một người đầu bếp chuyên nghiệp, và họ đều chăm chút cho những bữa ăn trong gia đình. Như nhà tôi, mẹ thường đi chợ ngày 2 lần sáng và chiều để có những đồ ăn tươi ngon. Giờ phụ nữ bận rộn, ít thời gian nên đồ ăn có khi mua sẵn cả tuần cả tháng. Nhiều gia đình không còn giữ được những bữa cơm quây quần đông đủ mọi người. Lớp trẻ thích đồ ăn nhanh, chế biến sẵn, ngại vào bếp. Đó là chưa kể đến chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm khiến cho người nội trợ khó khăn hơn khi chế biến món ngon”, nữ nhà báo trăn trở.

Chú thích ảnh
Ẩm thực Hà Nội xưa qua những trang sách của nữ nhà báo Tuyết Nhung.

Đó có lẽ cũng là một trong những lý do cô quyết định đưa ẩm thực Hà Nội xưa vào sách vào những trang sách. Khối tài liệu đồ sộ thu nhận được trong quá trình công tác, những đúc rút từ cả những bữa ăn của kỷ niệm đến hiện tại cộng thêm thời gian để nghiền ngẫm, tìm hiểu về văn hóa Hà Nội ở tuổi nghỉ hưu, làm thành “Hà Thành hương xưa vị cũ”.

Cuốn sách “Hà Thành hương xưa vị cũ” với hơn 80 bài viết được xuất bản đầu năm 2021 là nỗi niềm đau đáu về một Hà Nội thanh lịch, tinh tế qua từng món ăn của người con gái phố cổ.

Chú thích ảnh
Chất riêng của Hà Nội, nét thanh lịch, tinh tế qua những món ăn Hà thành vẫn còn được lưu giữ.

Cuốn sách được đánh giá là một kho tư liệu xung quanh bữa ăn của người Hà Nội trong những năm nửa cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI. Trong đó, nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng cho rằng: "Hà Thành hương xưa vị cũ" không chỉ là những tản văn về kỷ niệm của một người Hà Nội, mà còn là một cuốn sách có thể tra cứu về những tập tục sinh hoạt và ẩm thực đã có nhiều biến đổi theo thời gian, và phần lớn đã chìm trong quá khứ.

Ngoài viết sách, tham gia các công tác xã hội, nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung còn phục dựng thành công các món ăn của người Hà Nội xưa như: Vịt dấm ghém, cháo cá ám, canh bồng bồng nấu tôm… Bằng tình yêu, sự nhiệt thành gìn giữ hương vị ẩm thực xưa của những người như nữ nhà báo, nét thanh lịch, tinh tế qua những món ăn Hà thành sẽ mãi còn được lưu giữ.

Nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung hiện cũng là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ nhà báo nữ Việt Nam. Cô còn là người vụ gây dựng và phát triển Đoàn thiện nguyện của Câu lạc bộ.
Bài, ảnh, clip: L. Sơn/Báo Tin tức
Ẩm thực Làng cổ Đường Lâm dần trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn
Ẩm thực Làng cổ Đường Lâm dần trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn

Làng cổ Đường Lâm không chỉ biết đến là “đất hai Vua”, là nơi sinh ra những vị hiền tài kiệt xuất, nơi chứa đựng các giá trị văn hóa tiêu biểu của nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ mà Đường Lâm còn là địa danh có văn hóa ẩm thực đặc sắc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN