Rắm rối thẻ hành nghề biểu diễn

Gặp gỡ báo giới giữa tuần, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Hồ Anh Tuấn cho biết, từ 1/1/2014, bộ chính thức áp dụng việc cấp chứng chỉ hành nghề cho ca sĩ, người mẫu. Những người được cấp thẻ phải hội đủ ba điều kiện: Tư cách đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn và chưa từng bị thu hồi chứng chỉ hành nghề trước đó.


Dự kiến, sẽ có hai loại thẻ được cấp. Loại dành cho các nghệ sĩ được đào tạo tại các trường nghệ thuật và có danh hiệu. Loại dành cho các nghệ sĩ không được đào tạo bài bản, nhưng có năng khiếu và được công chúng yêu mến. Đối với các NSND, NSƯT hay những nghệ sĩ được Nhà nước phong tặng danh hiệu, sẽ không phải làm hồ sơ để xin cấp thẻ như các nghệ sĩ khác.


 

Việc cấp thẻ hành nghề biểu diễn được các ca sĩ hết sức quan tâm.

 

Cũng theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn, chứng chỉ hành nghề của mỗi nghệ sĩ sẽ được sử dụng cho tất cả chương trình họ tham gia. Mã số của chứng chỉ cũng được cấp trùng với mã số thuế thu nhập cá nhân của từng người để tiện cho việc quản lý.


Năm 1999, “Thẻ hành nghề biểu diễn nghệ thuật” lần đầu tiên được triển khai, nhưng ngay lập tức đã gặp sự chỉ trích mạnh mẽ của dư luận bởi những bất cập và hạn chế. Đơn cử, một học sinh trường nghệ thuật mới ra trường, không diễn show nào cũng được cấp thẻ, trong khi một nghệ sĩ gạo cội, cả nước biết tên, nhưng muốn được cấp thẻ bắt buộc phải tham gia khóa tập huấn và biểu diễn do cơ quan cấp thẻ tổ chức... Rất may, thẻ này chỉ tồn tại đến năm 2002, khi Chính phủ có chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, bãi bỏ các loại giấy phép con


Hơn 10 năm sau, loại “giấy phép con” này lại có cơ hội sống lại thông qua Đề án “Cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ, người mẫu lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn” do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) khởi xướng. Dư luận lại bị cuốn vào những tranh luận, nên hay không nên cấp lại thẻ hành nghề cho nghệ sĩ. Thậm chí, có người cho rằng, việc đề xuất này chỉ làm rối thêm chứ không gỡ được những thế bí, sự tồn tại nhiều sai phạm trong biểu diễn nghệ thuật thời gian gần đây.


Có thể nói rằng, thời gian gần đây, hoạt động biểu diễn nghệ thuật ở Việt Nam liên tục xảy ra những sai phạm. Tình trạng hát nhép, trang phục biểu diễn phản cảm, phát ngôn gây sốc..., gây bức xúc trong dư luận xã hội. Vì vậy, quan điểm của Bộ VHTTDL cho rằng việc cấp chứng chỉ hành nghề trong thời điểm này là hợp lý, để tránh “vàng - thau lẫn lộn” trong hoạt động biểu diễn. Việc cấp phép sẽ giúp các nghệ sĩ có ý thức hơn trong việc nâng cao đạo đức nghề nghiệp, trau dồi chuyên môn để cống hiến những giá trị nghệ thuật đích thực cho khán giả.


Tuy nhiên, khi Đề án “Cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ, người mẫu lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn” được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, có rất nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề xử lý vi phạm trong hoạt động nghệ thuật sẽ bị ''treo'' chứng chỉ hành nghề từ 6 tháng đến 2 năm. Ngay cơ quan xây dựng dự thảo đề án vẫn còn băn khoăn: Nên cấp phép thẻ có thời hạn 5 năm đối với những người được đào tạo chuyên nghiệp và 3 năm với những người còn lại, hay sẽ cấp thẻ một lần và có hiệu lực vĩnh viễn.


Nhiều ý kiến nhận xét, đề án lần này có nhiều điểm tích cực hơn lần trước; song khiếm khuyết lớn nhất đề án lần này là vẫn chỉ nói nhiều về sai phạm của các nghệ sĩ, người mẫu, mà không thấy đề cập những sai phạm của nhà tổ chức. Theo NSND Lê Ngọc Cường, nguyên Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, cần phạt thật nặng những người đứng đầu các công ty xã hội hóa, các công ty tổ chức biểu diễn nếu có sai phạm. Ông cũng nói thêm, không nhất thiết phải cấp chứng chỉ hành nghề cho những người được đào tạo nghệ thuật chính quy, bởi họ đã có bằng tốt nghiệp nơi họ theo học.


Việc cấp hai loại thẻ cũng được quan tâm. Có ý kiến đề nghị, không nên phân biệt thẻ dành cho nghệ sĩ được đào tạo hay không được đào tạo, nghệ sĩ hoạt động ở đơn vị công lập hay nghệ sĩ tự do, mà chỉ nên làm một loại thẻ. Bởi dù có được đào tạo hay không được đào tạo, các nghệ sĩ đều là công dân và họ phải tuân thủ những quy định của ngành nghề. Ngoài vấn đề trên, về phía những người làm công tác quản lý văn hóa tỏ ra quan tâm đến những tiêu cực có thể xảy ra như tình trạng "cấp phép thông thoáng", cơ chế “xin - cho” hoặc chạy chọt, hối lộ... để có được tấm thẻ.


Dù được lãnh đạo Bộ VHTTDL trấn an rằng, việc cấp thẻ hành nghề lần này sẽ thông thoáng, cởi mở, tạo điều kiện tối đa cho các nghệ sĩ, tuyệt đối không có chuyện phong bì lót tay, không có đất cho tiêu cực phát sinh, tồn tại... nhưng rất nhiều ý kiến lo ngại rằng, liệu có cần thiết phải khôi phục lại loại "giấy phép con" vốn đã bị coi là một "thủ tục hành chính" không cần thiết? Dù có đơn giản đến thế nào, thì quy trình làm đơn xin cấp và đợi xét để được cấp thẻ cũng vẫn nhiêu khê, cách rách, thậm chí còn làm mếch lòng những nghệ sĩ gạo cội đã có bề dày cống hiến cũng như tạo dựng hình ảnh trong lòng công chúng. Có lẽ, điều cần quan tâm lúc này là làm thế nào để nâng cao trình độ biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp và nâng cao trình độ thưởng thức của quần chúng.



Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN