‘Thời tôi sống’ – Cái chết rình rập nhưng con người vẫn tự tin đi tới

“Những thôn xóm anh đi qua, những làng mạc anh đã sống, những vùng đất anh đã chiến đấu... đâu đâu cũng ngời ngợi một sức sống mới, đâu đâu cũng xanh lên, vang lên tiếng gọi thật thiết tha đối với cuộc sống của Tổ quốc chúng ta...” (“Dẫu giọt sương rơi” trong cuốn “Thời tôi sống”, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, tháng 8/2018, tác giả Trần Mai Hạnh)

Hà Nội đang bước vào những ngày thu tháng Tám, ngày này 73 năm trước nhân dân ta đã làm nên bản anh hùng ca đi vào lịch sử của cuộc đấu tranh cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc: Cách mạng tháng Tám thành công, khai sinh ra nước Việt Nam mới. Trong cuộc đấu tranh ấy, và cả các cuộc đấu tranh trước đó cũng như sau này, lớp lớp thế hệ người Việt Nam đã lên đường đi chiến đấu, với trách nhiệm và niềm tin về ngày mai chiến thắng vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước.

Vào dịp đặc biệt như thế này, nhà báo Trần Mai Hạnh, nguyên phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, cho ra mắt độc giả cuốn “Thời tôi sống” (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật) với những câu chuyện chân thực trong suốt mười năm của cuộc kháng chiến chống Mỹ mà ông dấn thân với tư cách là phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam. Với ông, điều này hẳn mang lại rất nhiều ý nghĩa. Đó không chỉ là thêm một lần nữa sống lại những kỷ niệm về một thời đạn bom khốc liệt mà một nhà báo chiến trường như ông đã trải qua; mà sâu đậm hơn là những năm tháng ấy đã cho ông nhiều xúc cảm. Ở đó, tình đồng đội - đồng chí, tình yêu, sự hy sinh, … đã mang lại nhiều cung bậc cảm xúc rung động nhất.

Chú thích ảnh
Sách "Thời tôi sống" của nhà báo Trần Mai Hạnh.

Những trang viết từ dòng nhật ký

“Năm mươi năm đã qua, kể từ khi tham gia chiến trường Quảng Đà tôi vẫn chưa hề nguôi ngoai về một thời bi tráng, mỗi chiến trường đi qua, có bao đồng đội đã vĩnh viễn nằm xuống cho cuộc kháng chiến đầy khốc liệt, gian khổ nhưng anh hùng. 

Viết lại những câu chuyện này từ rất nhiều trang nhật ký và tư liệu ghi chép từ những ngày là phóng viên chiến trường, tôi cảm thấy được an ủi và yên lòng phần nào, như vợi đi “món nợ” với đồng đội, chiến sĩ mà tôi luôn canh cánh bên lòng...”. 

Nhà báo Trần Mai Hạnh đã mở đầu câu chuyện với tôi vào chiều thu một ngày cuối tuần tháng Tám trong căn nhà của ông ở con ngõ trên đường Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) như vậy. Chúng tôi, thế hệ làm báo sau ông rất nhiều, hạnh phúc sống trong hoà bình, không hề trải qua ngày tháng khốc liệt nào của cuộc kháng chiến, nhưng nghe ông nói, chúng tôi cảm nhận được phần nào sự day dứt, ám ảnh và cũng là dần “gỡ bỏ” về “món nợ”cuộc chiến trong ông khi “Thời tôi sống” ra mắt độc giả vào đúng tháng 8 này.

Chú thích ảnh
Nhà báo Trần Mai Hạnh, nguyên phóng viên Thông tấn xã Việt Nam.

Nhà báo Trần Mai Hạnh làm báo là “duyên” và cũng là “nghiệp”. Ông vốn là sinh viên Văn khoa những thế hệ đầu của Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội). Say mê văn chương từ nhỏ, ông cũng từng muốn và mơ mộng theo nghiệp văn chương. Nhưng thế hệ sinh viên Văn khoa như ông, vào thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ bước sang một giai đoạn mới, nhà trường cho tốt nghiệp sớm một năm (năm 1965), ngay sau đó ông trở thành phóng viên chiến trường của Việt Nam thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam). 

Trong suốt mười năm (từ 1965-1975), nhà báo Trần Mai Hạnh đã có mặt tại các trận địa: Hải Phòng (1966-1967), Quảng Đà (Bắc Quảng Nam - Đà Nẵng) những năm 1968-1969. Ông cũng là một trong những phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam được cử tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, là nhân chứng có mặt và viết bài tường thuật đầu tiên về những giờ phút lịch sử trưa ngày 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập - xào huyệt cuối cùng của nguỵ quyền Sài Gòn.

Những trang nhật ký mang đậm phẩm chất văn chương và ghi chép tại trận suốt mười năm ấy đã cho ông nhiều chất liệu quý giá về cuộc chiến khốc liệt mà ông đã dấn thân và trải nghiệm. Đây chính là chất liệu chính cho cuốn sách “Thời tôi sống” dày trên 300 trang, gồm 16 tác phẩm, trong đó 12 tác phẩm viết ở chiến trường Quảng Đà (1968 – 1969), 4 tác phẩm viết trong giai đoạn 1970 – 1975.

Chú thích ảnh
Những trang nhật ký là tư liệu quý cho cuốn sách "Thời tôi sống"

Thực ra, không phải đến bây giờ nhà báo Trần Mai Hạnh mới đưa tư liệu - sự kiện lịch sử vào các thể loại khác ngoài báo chí. Trước “Thời tôi sống”, nhà báo Trần Mai Hạnh đã cho ra mắt bạn đọc “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”. Đây là cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử tái hiện và phục dựng trung thực những ngày sụp đổ cuối cùng của chính quyền Sài Gòn từ tài liệu nguyên gốc tuyệt mật và các bản văn tin cậy của phía bên kia (phía Việt Nam Cộng hoà và phía Hoa Kỳ). Nhưng cuốn tiểu thuyết này hoàn toàn không có bóng dáng tác giả, không có cái tôi của người viết. Cuốn tiểu thuyết đã gây tiếng vang lớn, được trao Giải thưởng Văn học năm 2014 của Hội nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015, được dịch ra tiếng Anh giới thiệu với bạn đọc thế giới và đang tiếp tục được dịch sang ngôn ngữ khác.

Cuốn sách tiếp theo, “Lời tựa một tình yêu”, cũng được bổ sung xuất bản – kể về một câu chuyện tình yêu đầy xúc động, là bản tình ca đẹp, làm rung động trái tim những ai đang yêu, đã yêu và sẽ yêu. Cuốn tiểu thuyết đậm tư liệu lịch sử, chân thực và nhân vật hoàn toàn có thật. Một tình yêu đẹp giữa hai người chiến sĩ cách mạng. Tình yêu ấy đẹp hơn nữa khi vượt lên trên là sự hy sinh tình riêng, chờ đợi chung thuỷ để gặp lại nhau ngày đất nước ca khúc khải hoàn.

Với “Thời tôi sống” thì khác hoàn toàn, cuốn sách không chỉ là tư liệu lịch sử chân thật được ông ghi chép lại tỉ mỉ, về những con người thật, sự kiện có thật, mà tác giả còn thể hiện cái tôi rất rõ. Đấy là những câu chuyện của một giai đoạn với nhiều biến cố, từ 1965-1975, thời kỳ rất đậm dấu ấn cá nhân của chính tác giả và đồng đội, cả những con người mà tác giả từng tiếp xúc. 

Vì thế, đây là những trang viết thấm đẫm chất văn chương, được viết với nguồn xúc cảm mạnh, như thể giây phút đó đã chờ đợi rất lâu chỉ chờ dịp là viết ra. Ở đó, các nhân vật và cái tôi tác giả sống động nhất, tạo thành mạch cảm xúc mạnh mẽ về một thời đạn bom ác liệt đầy ám ảnh trong cuộc đời tác giả. 

Chú thích ảnh
Tư liệu từ những năm là phóng viên chiến trường được nhà báo Trần Mai Hạnh ghi chép lại còn giữ đến bây giờ.

Ở “Thời tôi sống”, nhiều câu chuyện là người thật, việc thật, được giữ nguyên tên thật như: anh Đấu trong truyện ngắn “Anh Đấu”; nhà báo, nhà thơ liệt sĩ Nguyễn Trọng Định trong “Bài thơ tình đẫm máu”; nhạc sĩ Phan Miêng trong “Câu chuyện về một bản hợp xướng”; anh Lê Hồng Tư và chị Nguyễn Thị Châu trong “Côn Đảo một ngày tháng bảy”; hay các cán bộ, chiến sĩ và nhà báo trong “Danh dự người lính” và “Thần chết, thần khổ ải” – hai tập nhật ký được viết tại trận trong hai cuộc chiến đấu trong vòng vây dầy đặc của kẻ thù. Những câu chuyện khác, tác giả đã thay tên nhân vật chỉ là “vì những lý do riêng” còn cơ bản vẫn là người thật, việc thật mà tác giả từng chứng kiến.

Một sự khác biệt nữa của “Thời tôi sống” là trước mỗi tác phẩm đều có lời dẫn, lý giải của tác giả với độc giả về bối cảnh ra đời của câu chuyện. Giá trị hơn nữa khi đi kèm câu chuyện đó có những tư liệu bằng hình ảnh, văn bản giấy tờ liên quan để khẳng định tính chất “sự thật” nên tuy là những câu chuyện được viết dưới dạng truyện ngắn, ký, ghi chép như tác phẩm văn học nhưng hoàn toàn không phải hư cấu mà nên. 

“Đồng chí có trách nhiệm viết lại cuộc chiến đấu ác liệt này…”

Trong số những câu chuyện được kể ra ở đây, thì “Danh dự người lính” là câu chuyện nhà báo Trần Mai Hạnh dành nhiều tâm tư nhất. Truyện kể lại thời điểm khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tháng 11/1968, tại chiến trường Quảng Đà.

“Tiểu đoàn 3 chủ lực miền Bắc, đơn vị được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân chiến đấu tại chiến trường Quảng Đà, trực thuộc Bộ Chỉ huy Mặt trận IV. Thực hiện nhiệm vụ thu hút, tiêu diệt sinh lực địch, Tiểu đoàn đã chiến đấu ròng rã 21 ngày đêm trong vòng vây dày đặc của 7.000 quân Mỹ, nguỵ và chư hầu.

Bộ Chỉ huy Mặt trận đã cấp Giấy giới thiệu (ngày 27/11/1968) cử gấp tôi tới đơn vị đang chiến đấu trong vòng vây để viết bài động viên tinh thần bộ đội. Trong 21 ngày ấy, tôi đã sống chết trong vòng vây với cán bộ, chiến sĩ 16 ngày (khi cuộc chiến được 7 ngày thì cấp trên mới cử nhà báo Trần Mai Hạnh tới làm nhiệm vụ-PV). Gần 200 cán bộ, chiến sĩ của tiểu đoàn anh dũng hy sinh gần hết, chỉ có 8 người, trong đó có tôi được lệnh tìm đường thoát khỏi vòng vây báo cáo với cấp trên, xin quân số bổ sung để giữ lại phiên hiệu Tiểu đoàn 3 anh hùng”...

Chú thích ảnh
Tổ phóng viên Việt Nam thông tấn xã tại Quảng Đà 1968, 1968 (Phóng viên Trần Mai Hạnh ngoài cùng hàng trên bên trái; Tổ trưởng Tổ phóng viên Đinh Trọng Quyền ngoài cùng bên phải hàng dưới).

“Chính trị viên trưởng quay lại nói với tôi, như ra lệnh: Đồng chí phóng viên phải tìm mọi cách vượt ra khỏi vòng vây cùng với các đồng chí được cử ra. Đồng chí có trách nhiệm viết lại chân thực cuộc chiến đấu ác liệt này. Đồng chí chưa phải là đảng viên, chúng tôi chưa biết thật rõ lý lịch của đồng chí. Nhưng đồng chí là phóng viên Việt Nam Thông tấn xã được Đảng cử vào chiến trường. Từng ấy ngày sát cánh cùng đơn vị chiến đấu giữa cái sống và cái chết, chúng tôi thấy đồng chí hoàn toàn đủ tư cách một người đảng viên cộng sản…” (Danh dự người lính).

Đồng chí có trách nhiệm viết lại chân thực cuộc chiến đấu ác liệt này”- cho đến hôm nay, sau năm mươi năm, với “Thời tôi sống”, nhà báo Trần Mai Hạnh mới kể lại được khá tường tận câu chuyện bi tráng ấy. “Viết được ra như thế, tôi cảm thấy được an ủi và yên lòng phần nào trước linh hồn của gần 200 cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 3 đã anh dũng nằm lại trên mảnh đất Điện Bàn”, nhà báo Trần Mai Hạnh trầm ngâm, xúc động.

Chưa thể nói hết những gì mà “Thời tôi sống” muốn biểu đạt trong bài viết, nhưng người viết bài này xin kết thúc ở đây bằng một vài đoạn văn mà nhà báo Trần Mai Hạnh viết để độc giả một lần nữa có thể hình dung những ngày tháng chiến tranh khốc liệt ông đã trải qua. Khi ở giữa ranh giới mỏng manh của sự sống và cái chết, lẽ sống và niềm tin của ông đã được thể hiện mạnh mẽ:

Cái chết rình rập, giăng bẫy khắp nơi nhưng con người vẫn tự tin đi tới. Hơn ở đâu hết, con người được giao phó đến cao độ vận mệnh của chính mình. Những giây phút trung tâm của cuộc sống mình anh phải tự quyết định lấy tất cả - tiến lên hay lùi lại, can đảm hay hèn nhát, sống hay chết, trung thành hay phản bội…” (Những mảnh trời xao xuyến).

Nhiều vùng rộng lớn bị B52, chất độc hóa học và xe ủi biến thành vùng trắng. Không còn một cái nhà, một tấm tranh nào không bị đốt cháy. Tất cả mọi sinh hoạt ăn ở, nấu nướng, hội họp, yêu nhau đều ở dưới hầm. Một cuộc sống đi sâu vào lòng đất, từ lòng đất và lúc nào cũng sôi nổi đến mức mãnh liệt, phi thường...” (Dẫu giọt sương rơi).
 

Xuân Phong/Báo Tin tức
Giao lưu với nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh
Giao lưu với nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh

Sáng ngày 17/9 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản (NXB) Chính trị Quốc gia – Sự thật đã phối hợp với Công ty cổ phần sách Thái Hà (Thaihabooks) có buổi giao lưu, giới thiệu cuốn tiểu thuyết “Lời tựa một tình yêu” và cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” của nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN