Hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ ‘bất lực’ trước vũ khí siêu thanh Nga

Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ (StratCom) tỏ ra hết sức lo ngại trước tên lửa hành trình liên lục địa “tàng hình” mới và ngư lôi hạt nhân của Nga.

Dàn vũ khí mới Tổng thống Nga Putin giới thiệu trong khi đọc Thông điệp Liên bang ngày 1/3. Ảnh: Channel One Russia

Lo ngại trên cũng là điều mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cập trong một cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

Điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Chiến lược (StratCom) Tướng John Hyten bối rối khi không tìm được từ thích hợp, rồi đành phải thừa nhận không có bất kỳ thứ gì trong kho quân sự của Mỹ có thể ngăn chặn được vũ khí siêu thanh mới của Nga.

“Chúng tôi gặp khó khăn, hệ thống phòng thủ tên lửa là năng lực đánh chặn của chúng ta. Chúng ta không có bất kỳ hệ thống nào có thể ngăn chặn được loại vũ khí như thế nhằm vào mình, chính vì vậy phản ứng của chúng tôi sẽ là lực lượng đánh chặn, là bộ ba hạt nhân, trước mối đe dọa như vậy”, Tướng Hyten trả lời câu hỏi của thượng nghị sĩ Jim Inhofe về loại hệ thống phòng thủ nào của Mỹ có thể đối phó tên lửa siêu thanh của Nga.

Nhắc lại những đề xuất trong báo cáo “Đánh giá chung về tình trạng hạt nhân” đưa ra hồi tháng 2, Tướng Hyten cho biết Mỹ có thể cân nhắc việc triển khai tên lửa phóng từ tàu ngầm mang theo vũ khí hạt nhân hiệu suất thấp để đáp trả vũ khí Nga trong trận chiến hạt nhân.

Vị chỉ huy này nhấn mạnh những loại vũ khí được đề xuất, với bộ ba hạt nhân hiện nay của Mỹ bao gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa trên mặt đất, máy bay ném bom chiến lược và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, sẽ đóng vai trò là lá chắn tốt nhất trước mối đe dọa từ Nga, Trung Quốc hay Triều Tiên.

Vị tướng này cũng thừa nhận trong khi Nga và Trung Quốc đang thúc đẩy tăng cường năng lực siêu thanh, thì vũ khí siêu thanh của Mỹ vẫn chỉ ở giai đoạn lên ý tưởng hoặc thử nghiệm.

Theo đài phát thanh Sputnik, lời thú nhận bất ngờ của Tướng Hyten có thể là dấu hiệu cho thấy bắt đầu có sự thay đổi trong chính sách hạt nhân của chính quyền Washington trong hơn 10 năm qua, đặc biệt là khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM) và tạo một lá chắn tên lửa ở biên giới phương Tây với Nga.


Về phần mình, Moskva liên tục nhấn mạnh Nga thực hiện chính sách không tấn công hạt nhân trước, ngoại trừ trong các trường hợp một cuộc tấn công truyền thống đe dọa sự tồn tại của nước Nga.

Theo tờ New York Times, trong một cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Putin vào ngày 20/3, Tổng thống Trump cũng lo ngại về bài phát biểu của ông Putin trước các nhà lập pháp bàn thảo về việc chế tạo và triển khai tên lửa hành trình siêu xa không thể ngăn chặn được và ngư lôi hạt nhân có khả năng vượt qua hệ thống đánh chặn chiến lược của Mỹ. Cũng trong cuộc điện đàm, Tổng thống Trump khoe Mỹ đã dành 700 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng và nói Nga sẽ thua trong bất kỳ cuộc chạy đua vũ trang mới nào.

Trước đó, ngày 1/3, Tổng thống Putin tiết lộ một loạt hệ thống vũ khí mới của Nga được cho là sẽ “qua mặt” hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và dàn lực lượng NATO tại biên giới Nga.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Cách xa 1,5 km, lính bắn tỉa Anh bắn ‘một phát trúng đầu’ chỉ huy IS trong đêm
Cách xa 1,5 km, lính bắn tỉa Anh bắn ‘một phát trúng đầu’ chỉ huy IS trong đêm

Lính bắn tỉa thuộc lực lượng đặc nhiệm Anh (SAS) đã tiêu diệt tên thủ lĩnh IS bằng một phát đạn trúng đầu trong đêm tối ở khoảng cách xa hơn 1,5 km.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN