Xe tăng Abrams của Mỹ không thể chiến đấu trên chiến trường Ukraine?

Bài học từ cuộc chiến thiết giáp trên chiến trường Ukraine có thể đã buộc Mỹ phải từ bỏ việc nâng cấp xe tăng Abrams, công bố kế hoạch hiện đại hóa mới.

Chú thích ảnh
Xe tăng Abrams của Mỹ khai hỏa. Ảnh: US Army

Theo mạng tin Defense News, quân đội Mỹ mới đây đã hủy bỏ kế hoạch nâng cấp xe tăng Abrams và đang xem xét một cách tiếp cận khác cho tương lai. 

Cụ thể, quân đội Mỹ sẽ hủy bỏ các kế hoạch nâng cấp hiện tại cho xe tăng chiến đấu chủ lực Abrams và theo đuổi nỗ lực hiện đại hóa đáng kể hơn nhằm tăng tính cơ động và khả năng sống sót của nó trên chiến trường, thông báo của Lầu Năm Góc nêu rõ.

Như vậy, quân đội Mỹ sẽ kết thúc chương trình Gói cải tiến hệ thống M1A2 phiên bản 4 (M1A2 SEPv4) và thay vào đó phát triển M1E3 Abrams tập trung vào những thách thức mà xe tăng có thể phải đối mặt trên chiến trường từ năm 2040 trở đi.

Thứ trưởng quốc phòng Mỹ Gabe Camarillo nói với Defense News trong cuộc phỏng vấn hôm 6/9 tại Hội nghị Tin tức Quốc phòng ở Arlington, Virginia rằng SEPv4 sẽ không được đưa vào sản xuất theo kế hoạch.

“Về cơ bản, chúng tôi sẽ đầu tư những nguồn lực đó vào [nghiên cứu và] phát triển chiếc Abrams mới. Chúng tôi dựa trên các mối đe dọa, đó là tất cả những gì chúng tôi đang thấy ngay bây giờ, thậm chí gần đây ở Ukraine, đặc biệt là về hệ thống phòng thủ chủ động, trọng lượng nhẹ hơn, khả năng sống sót cao hơn và tất nhiên cũng giảm gánh nặng hậu cần cho quân đội”, ông Camarillo nói

Về phần mình, Thiếu tướng Glenn Dean, sĩ quan điều hành chương trình hệ thống chiến đấu mặt đất của Lục quân Mỹ, cho biết xe tăng Abrams “không thể phát triển khả năng của mình nếu không giảm tác động hậu cần của nó và cuộc xung đột ở Ukraine đã nêu bật nhu cầu cấp thiết về các biện pháp bảo vệ tích hợp cho binh lính, được phát triển từ bên trong thay vì bổ sung thêm”.

Theo mạng tin moderndiplomacy.eu, về cơ bản, quân đội Mỹ lo ngại rằng dòng xe tăng này quá nặng và quá dễ bị vũ khí của đối phương tấn công, Stephen Bryen, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ và là chuyên gia hàng đầu về chiến lược và công nghệ an ninh, cho biết.

Xe tăng hạng nặng và xe bọc thép của châu Âu đã và đang gặp khó khăn khi hoạt động trong cuộc xung đột ở Ukraine, thường xuyên bị mắc kẹt trong bùn hoặc thiếu nhiên liệu. Ngoài ra, xe tăng châu Âu đã cho thấy dễ bị tổn thương trước hỏa lực của đối phương. 

Nhiều xe tăng Leopard (do Đức chế tạo) – loại xe tăng được coi là vượt trội hơn Abrams – đã hoạt động không tốt. Các lực lượng Nga đã tiêu diệt khoảng 15 chiếc Leopard bằng nhiều loại vũ khí khác nhau, từ pháo binh, tên lửa phóng từ trực thăng cho đến máy bay không người lái như Lancet. Ban đầu, xe tăng Leopard được coi là phương tiện giúp Ukraine giành ưu thế trong cuộc phản công, nhưng chúng đã chứng tỏ sự thất bại.

Thật không may, những gì đã xảy ra với Leopard cũng có thể xảy ra với xe tăng Abrams khi chúng được chuyển đến Ukraine.

Cả Abrams và Leopard (thế hệ cũ) đều không có hệ thống bảo vệ chủ động hoặc lớp giáp phản ứng nổ. Trong trường hợp những chiếc Leopard được chuyển giao cho Kiev, quân đội Ukraine đã phải khẩn cấp bọc giáp phản ứng nổ lấy từ những chiếc xe tăng Nga bị hư hỏng.

Leopard được cho là không cần giáp phản ứng nổ vì lớp giáp tổng hợp của nó có nhiệm vụ làm chệch hướng vũ khí chống tăng bao gồm cả đạn pháo xuyên phá do xe tăng đối phương bắn ra hoặc vũ khí mang đầu đạn gây cả cháy và nổ. Nhưng ngay cả với lớp giáp phản ứng nổ thế hệ đầu tiên mà lực lượng Ukraine bổ sung cho Leopard, quân đội Nga vẫn tiêu diệt chúng khá dễ dàng.

Do đó, một trong những lý do khiến Mỹ vừa mới quyết định cung cấp đạn uranium nghèo (DU) cho Ukraine được bắn từ xe tăng Abrams sắp được chuyển cho Kiev là vì đạn DU được cho là có khả năng xuyên thủng bất kỳ xe tăng nào của Nga. 

Nhưng liệu sự kết hợp của DU và Abrams có hiệu quả hay không, câu trả lời vẫn cần thời gian. Điểm cần lưu ý là xe tăng Abrams (cũ) của Mỹ, giống như xe tăng Leopard, vẫn thiếu hệ thống phòng thủ chủ động. Quân đội Ukraine sẽ có cơ hội đưa M1 Abrams vào thực chiến khi nhận xe tăng vào cuối tháng này. 

Cuộc xung đột ở Ukraine đã cho thấy những bài học về giao tranh xe tăng hiện đại và khả năng sống sót của chúng. Không ai có thể nói trước được liệu quyết định tìm kiếm một loạt giải pháp khác của quân đội Mỹ có thành công hay không. Nhưng việc Lầu Năm Góc hiện nhận thấy cần phải chuyển hướng là một phản ứng hợp lý trước những gì đã bộc lộ trên chiến trường Ukraine.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo defensenews.com/moderndiplomacy.eu)
Anh tăng tốc chương trình xe tăng Challenger 3 để đưa vào phục vụ
Anh tăng tốc chương trình xe tăng Challenger 3 để đưa vào phục vụ

Anh đang đẩy nhanh đưa xe tăng Challenger 3 vào sử dụng trong bối cảnh xuất hiện thông tin Nga phá hủy xe tăng Challenger 2 đầu tiên mà nước này viện trợ cho Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN