Ăn Tết trên biển

Đêm giao thừa trên biển, các tàu thường quây quần lại gần nhau để anh em cùng đón năm mới nên cái nhớ nhà, nhớ người thân cũng qua đi rất nhanh. Ngày đầu tiên của năm mới, ngư dân trên biển là những người nhìn thấy mặt trời sớm nhất, thú vị lắm. Hiện công tác chuẩn bị đã hoàn tất, rạng sáng ngày mùng Tám tháng Chạp là đồng loạt nhổ neo xuất bến.


Cưỡi sóng ra khơi


Hành trang ra khơi lần này của chiếc tàu đánh cá Qna 91739 có công suất 600 CV do anh Ngô Văn Điệp ở xã Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng cùng với 14 thuyền viên khác hẳn những chuyến đi biển dài ngày khác trong năm. “Ngoài lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu đảm bảo sức khỏe lao động dài ngày trên biển, chuyến đi biển lần này còn có thêm cả bia, rượu, nước ngọt, hạt dưa, bánh kẹo để “ăn Tết trên biển cũng như ăn Tết ở nhà”, anh Điệp cho biết.


Nếu như những chuyến đi biển khác trong năm, sau khi trừ chi phí sản xuất, người lao động và chủ tàu ăn chia theo tỷ lệ 6/4, trong đó chủ tàu được nhận phần nhiều hơn thì trong chuyến đi biển vào những ngày Tết, việc phân chia lợi nhuận cũng theo tỷ lệ 6/4 nhưng người lao động được chia phần nhiều hơn, đây cũng chính là một trong những lý do khiến người lao động vui vẻ đón Tết ngay trên biển.

 

Ra khơi đầu năm mới hứa hẹn một mùa cá bội thu.


Lão ngư Đinh Văn Chiến 73 tuổi đời và trên 50 năm gắn bó với nghề biển tâm sự: “Đi biển đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu được của ngư dân. Sau mỗi chuyến ra khơi, khi về đất liền chuẩn bị cho chuyến kế tiếp là nôn nao nhớ biển. Thường vào dịp Tết là khoảng thời gian giao mùa giữa các vùng thời tiết nên việc khai thác hải sản có hiệu quả hơn những chuyến đi biển khác trong năm. Cùng thời gian làm việc nhưng lượng hải sản chuyến biển Tết thường nhiều hơn những chuyến đi biển khác, thêm vào đó là tỷ lệ ăn chia “đảo ngược” giữa chủ tàu và người lao động, hơn nữa là chủ tàu cũng chuẩn bị đầy đủ lương thực thực phẩm cho anh em ăn Tết nên đã kích thích được người lao động sẵn sàng làm việc ngay trong những ngày đầu năm.

 

“Điều quan trọng hơn nữa là ngày càng có nhiều ngư dân không chỉ riêng ở Quảng Nam mà ngư dân ở các tỉnh khác cũng đón Tết trên biển. Như vậy là các vùng ngư trường xa bờ truyền thống của mình ở các vùng biển Hòang Sa, Trường Sa lúc nào cũng có ngư dân Việt Nam khai thác nguồn lợi. Thành viên trẻ tuổi nhất trên tàu đánh cá Qna 91739, Nguyễn Văn Phước vừa buộc xong lá cờ Tổ quốc trên đỉnh cột buồm, tâm sự: “Đi biển đã nhiều năm nhưng đây là lần đầu tiên em theo các chú các anh ăn Tết trên biển nên cũng háo hức lắm. Chuyến đi biển này kéo dài khoảng hơn một tháng nên khi trở về đất liền vẫn còn xuân, vẫn còn đi chơi được, như vậy mình được ăn Tết đến hai lần”.


Đón lộc đầu năm mới


Cũng tham gia đón Tết trên biển, anh Huỳnh Văn Bính thuyền trưởng tàu cá mang số hiệu Qna 91069 TS có công suất gần 700 CV ở xã Tam Hải, huyện Núi Thành cho biết: Ngoài việc đầu tư lắp đặt đầy đủ các phương tiện đi biển hiện đại như máy bộ đàm, máy định vị, tàu của anh là một trong những tàu đầu tiên ở Quảng Nam được Trung tâm khuyến nông khuyến ngư tỉnh trang bị máy dò ngang để hành nghề vây rút chì ở tuyến khơi.

 

Trong khi đó tàu của anh Võ Hồng Nhân được Trung tâm khuyến nông khuyến ngư tỉnh cho áp dụng thí điểm mô hình lưới rê hỗn hợp trên tàu khai thác hải sản xa bờ. Nói về các mô hình áp dụng công nghệ mới này, anh Nhân cho biết: Các mô hình này đã tạo điều kiện cho ngư dân tiếp cận và ứng dụng công nghệ mới vào khai thác, nâng cao hiệu quả kinh tế sau mỗi chuyến ra khơi. Mô hình máy dò ngang trên tàu cá hành nghề vây rút chì và mô hình lưới rê hỗn hợp trên tàu khai thác hải sản xa bờ được triển khai trên phương tiện của ngư dân Quảng Nam. So với 3 chuyến biển khai thác gần kề trước khi lắp máy dò ngang thì việc lắp máy dò ngang mang lại hiệu quả cao hơn. Theo đó trong cùng thời gian đi biển nhưng sản lượng hải sản khai thác được tăng thêm từ 20 - 25%, thu nhập bình quân của người lao động theo đó cũng tăng đáng kể.


Đối với mô hình lưới rê hỗn hợp, do các khâu từ kỹ thuật lắp ráp ngư lưới cụ đến kỹ thuật khai thác của ngư dân còn nhiều bỡ ngỡ. Tuy nhiên với kinh nghiệm đi biển và hướng dẫn chi tiết của cán bộ kỹ thuật nên việc khai tác hải sản theo mô hình này được ngư dân nhanh chóng sử dụng thành thạo, góp phần đáng kể trong việc nâng cao hiệu quả đánh bắt hải sản dài ngày trên biển. Thuyền trưởng Huỳnh Văn Bính cho biết: Trong chuyến khai thác hải sản dịp Tết năm nay, có ít nhất từ 8 - 10 đôi tàu của ngư dân trong nghiệp đoàn nghề cá Tam Hải tham gia. Hiện công tác chuẩn bị vật tư, nhiên liệu, lương thực, thực phẩm và “hàng Tết” theo khẩu phần của từng thành viên trên tàu đã được các tàu chuẩn bị đầy đủ, rạng sáng ngày mùng Tám tháng Chạp là đồng loạt nhổ neo xuất bến.


Việc ngày càng có nhiều ngư dân tham gia lao động và đón Tết cổ truyền ngay trên các ngư trường truyền thống thuộc các vùng biển xa vừa khiến thời gian bám biển của các tàu cá kéo dài thêm ra, hiệu quả khai thác nguồn lợi thủy sản lớn hơn vừa góp phần đánh dấu sự hiện diện thường xuyên “người của mình” trên các vùng biển khơi xa của Tổ quốc.

 

Bài và ảnh: Đoàn Hữu Trung

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN