Bệnh nhân cúm H7N9 bắt đầu kháng thuốc

Virus cúm gia cầm H7N9 đã cướp đi thêm một mạng sống ở Trung Quốc và có thêm 5 người nữa được xác nhận đã nhiễm loại virus nguy hiểm này, nâng tổng số bệnh nhân nhiễm cúm H7N9 ở Trung Quốc lên con số 38 và số trường hợp tử vong tăng lên con số 10.

Các chuyên gia y tế cho biết, khi nhìn vào những dữ liệu thô và kết quả so sánh 3 mẫu virus cúm H7N9 cho thấy một mẫu virus có dấu hiệu ít nhạy cảm với cả hai loại thuốc chống cúm gia cầm là Tamiflu và Relenza. Các nhà kho học và chuyên gia y tế cộng đồng đang chạy đua với thời gian để nghiên cứu virus H7N9, một chủng virus lần đầu tiên lây từ gia cầm sang người.


Một bệnh nhân nhiễm cúm H7N9 ở Trung Quốc. 

Được biết, trong mẫu virus lấy từ một bệnh nhân ở Thượng Hải, các nhà khoa học phát hiện một sự biến đổi gen đã giúp virus H7N9 kháng thuốc Tamiflu, một trong những loại thuốc được đề xuất áp dụng trong điều trị bệnh cúm H7N9 và đã chứng tỏ hiệu quả với những loại virus cúm gia cầm khác như H5N1.

Theo thông tin được đăng tải trên trang web của Tổ chức Sáng kiến Toàn cầu về Chia sẻ Dữ liệu Cúm gia cầm, sự biến đổi loại gen được biết đến với tên gọi R292K, đã gây ra sự kháng thuốc Tamifl ở mức cao và làm giảm sự nhạy cảm đối với một loại thuốc điều trị cúm gia cầm hiệu quả khác là Relenza. Tuy nhiên, các mẫu virus H7N9 khác lấy từ một bệnh nhân ở Thượng Hải và một bệnh nhân ở tỉnh An Huy không cho thấy sự biến đổi gen như trên.

Theo ông Masato Tashiro, Giám đốc Viện Nghiên cứ Dịch bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản, phát hiện mới về khả năng biến đổi gen của virus H7N9 đã củng cố thêm những kết quả phân tích về khả năng kháng thuốc của loại virus nguy hiểm này. Chuyên gia này nói: “Khi bạn nhìn vào dữ liệu thô và so sánh ba mẫu virus đó, có một dấu hiệu từ một mẫu cho thấy nó ít nhạy cảm đối với cả hai loại thuốc chống cúm gia cầm Tamiflu và Relenza. Đó không phải là một dấu hiệu mạnh, nhưng có khả năng đã xảy ra sự kháng thuốc.”

Mặc dù vậy, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn đưa ra một thông báo nói rằng những kết quả xét nghiệm sơ bộ chưa phát hiện bằng chứng nào cho thấy virus H7N9 đã phát triển đến mức kháng các thuốc điều trị cúm như Tamiflu và Relenza.

Trong số 5 ca nhiễm cúm H7N9 vừa được xác nhận tại Trung Quốc có một bé trai 4 tuổi ở Thượng Hải. Tuy nhiên, trường hợp này đã bình phục hoàn toàn. Một phụ nữ 83 tuổi và một người đàn ông 68 tuổi cũng được xác nhận nhiễm cúm H7N9 nhưng đã được điều trị ổn định sức khỏe. Tại tỉnh Giang Tô, một đầu bếp 31 tuổi ở Dương Châu và một giáo viên 56 tuổi ở Tô Châu cũng bị nhiễm cúm H7N9 và hiện đang trong tình trạng nguy hiểm.

Trường hợp bệnh nhân thứ 10 tử vong vì nhiễm cúm H7N9 là một ông già 74 tuổi ở Thượng Hải. Bệnh nhân xấu số này được chẩn đoán viêm phổi từ hôm 9/4, được xác nhận nhiễm virus H7N9 ngày 10/4 và qua đời ngày 11/4.


Tiến Trung (P/v TTXVN tại Hong Kong)


Thêm một trường hợp tử vong do virus H7N9
Thêm một trường hợp tử vong do virus H7N9

Chiều 11/4, Trung Quốc thông báo có thêm 3 ca nhiễm virus cúm H7N9 tại thành phố Thượng Hải, trong đó 1 trường hợp đã tử vong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN