Cần có tầm nhìn dài hạn cho Phú Quốc

Để có tầm nhìn dài hạn, đưa Phú Quốc phát triển trở thành trung tâm du lịch sinh thái biển - đảo, trung tâm giao lưu thương mại... rất cần có một quy hoạch tổng thể. Để bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này. Phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ông Lâm Minh Thành - Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quốc (ảnh) về định hướng phát triển của địa phương.



Xin ông cho biết cơ chế riêng biệt của Phú Quốc so với các vùng biển đảo khác ở Việt Nam là gì?

 

Phú Quốc là một huyện đảo có vị trí địa lý rất quan trọng, là cửa ngõ phía Tây Nam của nước ta, tiếp giáp với nhiều nước trong khối ASEAN nên rất thuận tiện trong việc giao lưu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. Do vậy, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định phê duyệt Đề án tổng thể phát triển đảo Phú Quốc đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020; thành lập Khu kinh tế Phú Quốc; phê duyệt Quy hoạch chung phát triển đảo Phú Quốc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; và một số quyết định khác mang tính pháp lý nhằm cụ thể hóa, tạo tiền đề, định hướng, điều kiện phát triển Phú Quốc trong tương lai. Trong đó, đến năm 2020, Phú Quốc “là trung tâm du lịch sinh thái biển-đảo; trung tâm giao lưu, thương mại, dịch vụ chất lượng cao của cả nước, khu vực và quốc tế; đến năm 2030, Phú Quốc “là khu kinh tế-hành chính đặc biệt; là một thành phố biển đảo, trung tâm du lịch và dịch vụ cao cấp; trung tâm khoa học công nghệ của quốc gia và khu vực Đông Nam Á”.

Khách tham quan du lịch tại cảng biển quốc tế An Thới - Phú Quốc.
Ảnh: Lê Sen - TTXVN


Trên đảo Phú Quốc được quy hoạch phát triển các khu du lịch; khu thương mại; khu đô thị (trong đó có khu đô thị gắn với nghiên cứu khoa học công nghệ); trung tâm thể thao; khu vui chơi, giải trí tổng hợp có casino; có cảng hàng không, cảng biển quốc tế (đều có gắn với khu phi thuế quan) để thiết lập đường bay và đường tàu biển từ Phú Quốc đến các nước,...


Chính phủ ưu tiên đầu tư vốn ngân sách cho xây dựng kết cấu hạ tầng Phú Quốc; ban hành cơ chế hấp dẫn thu hút vốn đầu tư từ các nơi khác trong nước và từ nước ngoài. Phú Quốc được áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi cao nhất mà nhà nước ta ban hành. Được áp dụng cơ chế thông thoáng về xuất, nhập cảnh cho người nước ngoài; về cư trú cho nhà đầu tư nước ngoài và Việt kiều; về phát triển nguồn nhân lực,...


Thời gian qua, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh Kiên Giang rất quan tâm, tích cực nghiên cứu, dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù cho Phú Quốc. Nhìn chung, các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù cho Phú Quốc đang được nghiên cứu xây dựng trên các quan điểm: Các cơ chế, chính sách về tài chính, tín dụng; về ưu đãi các loại thuế, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất; về xuất - nhập cảnh, mua nhà ở và cư trú của người nước ngoài; về phát triển nguồn nhân lực; về trình tự, thủ tục, thẩm quyền của bộ máy quản lý đầu tư phát triển đảo Phú Quốc,… phải rất đặc thù, vượt trội, thông thoáng, nhằm tạo động lực mạnh để thu hút các nguồn lực.


Đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình hạ tầng kỹ thuật-xã hội trọng điểm của đảo; thu hút được các nhà đầu tư lớn và có thương hiệu đầu tư các trung tâm du lịch, đô thị, thương mại, vui chơi giải trí. Thu hút nguồn nhân lực trong và ngoài nước có trình độ, năng lực, thu nhập cao đến sinh sống và làm việc tại Phú Quốc,… nhằm xây dựng Phú Quốc trở thành một thành phố du lịch biển-đảo. Phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội của huyện Phú Quốc nhanh, bền vững, có tầm nhìn dài hạn; đặc biệt chú trọng công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái.

 

Xin ông cho biết lộ trình để Phú Quốc cơ bản trở thành trung tâm du lịch và du lịch sinh thái biển phát triển ở trình độ cao vào năm 2020?

 

Có thể nói, Phú Quốc có xuất phát điểm kinh tế rất thấp, hệ thống hạ tầng kỹ thuật-xã hội của đảo còn yếu kém. Chủ trương và cơ chế chính sách đầu tư phát triển đảo tuy đã được quan tâm, nhưng ra đời hơi muộn. Hiện nay mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu tập trung kiến thiết, xây dựng, phát triển Phú Quốc.


Về lộ trình dự kiến phấn đấu từ nay đến năm 2015, sẽ hoàn tất quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000; hoàn tất công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất cho nhà đầu tư; cơ bản hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án; cơ bản hoàn tất các công trình hạ tầng kỹ thuật-xã hội trọng điểm của đảo… Đến năm 2016 sẽ có nhiều dự án đã và đang khởi công xây dựng để đến năm 2020 sẽ có một số khu du lịch, dân cư, thể thao, vui chơi giải trí được đầu tư hoàn thành, đi vào hoạt động.


Đến năm 2020 chỉ còn hơn 6 năm, trong khi còn rất nhiều việc phải làm, nhưng với sự nỗ lực, phấn đấu, đoàn kết, nhất trí của cả hệ thống chính trị và nhân dân Phú Quốc cùng với sự quan tâm đặc biệt và chỉ đạo điều hành chặt chẽ của các đồng chí lãnh đạo, các ngành các cấp ở Trung ương cũng như địa phương thì hy vọng Phú Quốc sẽ trở thành trung tâm du lịch và dịch vụ du lịch sinh thái biển phát triển ở trình độ cao vào năm 2020.


Huy Hải (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN