Cảnh giác với “cò” vé tàu Tết

Những ngày gần cận Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, khi nhu cầu đi lại tăng cao, tình trạng “cò” vé “chợ đen” lại tái diễn trước cổng ga Sài Gòn.

Vé nào cũng có

Qua nhiều ngày quan sát, kể từ khi triển khai bán vé tàu Tết qua mạng cùng với việc ga Sài Gòn phối hợp với UBND, Công an quận 3 tăng cường lực lượng đảm bảo an ninh trật tự thì tình trạng “cò” vé tàu đã không còn lượn lờ trong khuôn viên nhà ga như những năm trước đây. Từ bãi giữ xe, nhà chờ, bãi lên xuống hàng hóa cho đến các điểm dành cho xe ôm đón trả khách... đều hoạt động khá nền nếp. Lực lượng bảo vệ được bố trí ở ngay cổng ga để đảm bảm an ninh trật tự, không cho “cò” vé chợ đen vào trong sân ga.

“Cò” P. (trái) đang nhận tiền từ một hành khách mua vé chợ đen ngoài cổng ga Sài Gòn.

Tuy nhiên, ở khu vực ngoài cổng ga vẫn còn khoảng chục đối tượng “cò” lượn lờ săn đón mời chào hành khách mua vé tàu Tết. Trước đây, tại ga Sài Gòn có khoảng 30 đối tượng môi giới thì hiện nay chỉ còn khoảng trên dưới chục đối tượng hoạt động. Mỗi khi có lực lượng công an phường tổ chức tuần tra thì nhóm “cò” vé chợ đen chạy dạt khỏi cổng ga. Nhưng, khi tình hình im ắng thì tình trạng “cò” vé chèo kéo hành khách lại diễn ra nhộn nhịp ngay trước cổng ga.

Sáng 19/1, chúng tôi vừa gần tới cổng ga Sài Gòn nằm trên đường Nguyễn Phúc Nguyên, quận 3, TP Hồ Chí Minh đã “chạm mặt” hàng chục “cò” vé đứng, ngồi hai bên đường “đánh” tiếng mua vé tàu Tết. Trong vai hành khách mua vé về Thanh Hóa vào ngày 27 Âm lịch, nữ “cò” P. nhanh nhẩu kéo chúng tôi vào quán cà phê gần đối diện cổng ga, miệng vừa ngậm điếu thuốc vừa liên tục “quảng cáo” là vé đi ngày nào, giờ nào cũng có. “Muốn đi tàu nào cứ nói. Thích ngồi cứng thì 1,5 triệu đồng, còn ngồi mềm là 2,1 triệu đồng đã tính luôn tiền công môi giới”, “cò” P. nói.

Theo lời “cò” P., nếu có nhu cầu mua vé thì chỉ cần đưa số chứng minh nhân dân, số điện thoại và đặt cọc tiền trước là 500.000 đồng. Đến ngày đi thì đến trả tiền và lấy vé để lên tàu. Sau khi hướng dẫn nhanh thủ tục mua vé tàu, “cò” P. liền chuyển giọng trấn an: “Em yên tâm đi, chị làm ăn lâu năm ở đây, ai mà không biết. Đâu phải chị mới bán cho em, từ sáng đến giờ, chị đã nhận mua vé cho nhiều khách lắm rồi, đi từ miền Trung ra tới ngoài Bắc”. Nói xong. “cò” P. còn khoe xấp tiền vừa nhận của một khách hàng đặt vé để chứng minh.

Thấy chúng tôi chê tiền môi giới quá cao, ngay lập tức “cò” P. giới thiệu qua loại vé “nội bộ”. Nói đến đây, “cò” P. ghé sát chúng tôi nói nhỏ: “Chị quen hết nhân viên các tàu nên có thể lấy vé mà mấy nhân viên này đăng ký giữ chỗ để đưa cho em lên tàu. Em chỉ cần đưa chị 250.000 tiền phí thôi, đến ngày đi em ra gặp chị để đưa vé. Chị sẽ đưa em lên tới tận giường nằm thì mới lấy tiền vé”.

Coi chừng mất tiền oan

Đại diện lãnh đạo Chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn, cho rằng không nên nhẹ dạ tin lời “cò” để rồi “tiền mất tật mang”. Bởi hành khách khi lên tàu hoặc đổi trả vé phải có thẻ lên tàu khớp với giấy tờ tùy thân. Nếu không, sẽ bị coi là vé không hợp lệ và không có giá trị đi tàu.

Bên cạnh đó, cũng có trường hợp “cò” vé đã găm vé từ trước, sau đó nhận tiền của hành khách có nhu cầu rồi sẽ trả vé trong thời điểm lượng người tham gia online mua vé thấp như sau 22 giờ. Ngay lập tức sau đó dùng thông tin cá nhân của hành khách đã cung cấp để mua lại tấm vé đó trên mạng. Nhưng hành vi này cũng rất khó thực hiện và nếu có thì lượng vé cũng rất ít vì khi trả vé về hệ thống chưa chắc “cò” kịp thời đặt lại vé vì do hành khách khác nhìn thấy trước và sẽ giữ, đặt chỗ ngay lập tức.

Tuy nhiên, cách làm này cũng đã được ngành đường sắt lưu ý và triển khai cách thức đối phó để triệt tiêu hiện tượng cò vé lợi dụng việc ngành đường sắt quy định phí trả vé thấp để “găm vé”. Theo đó, từ ngày 20/1, mức khấu trừ trả vé là 30% số tiền in trên thẻ đi tàu đối với các tàu xuất phát trong khoảng thời gian từ ngày 29/1 đến 6/2 và từ ngày 11/2 đến 23/2. Đồng thời phải trả vé trước 24 tiếng so với giờ tàu chạy và chỉ có người có tên trong thẻ đi tàu mới được trả vé. Trong khi trước đó, ngành đường sắt chỉ quy định hành khách mua vé tàu Tết khi đổi vé sẽ thu phí 10.000 đồng/vé và thu thêm tiền chênh lệch (nếu có) so với vé đã mua. Còn nếu trả vé sẽ bị khấu trừ 5% giá vé. Ngoài ra, ngành đường sắt còn áp dụng thêm biện pháp trả vé ngẫu nhiên về hệ thống để đảm bảo ngăn chặn hiệu quả việc “cò” mua lại vé.

Do vậy, khả năng “cò” lừa hành khách bằng vé lên tàu giả hoặc không hợp lệ là rất lớn. Ngay thời điểm này, nếu trường hợp chưa mua được vé đi vào ngày cao điểm Tết thì vẫn có thể mua được vé vào những ngày giáp Tết vì ngành đường sắt sẽ căn cứ vào nhu cầu thực tế để cắt chặng, nối thêm toa xe... để đáp ứng tối đa nhu cầu đi lại của người dân.
Bài và ảnh: Điền Minh
Đường sắt phòng ngừa “cò vé” dịp Tết Bính Thân
Đường sắt phòng ngừa “cò vé” dịp Tết Bính Thân

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức soát vé của hành khách tại cửa soát vé trước khi hành khách lên tàu và tổ chức lực lượng trợ giúp hành khách lên tàu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN