Cấu tạo địa chất và thổ nhưỡng của quần đảo Hoàng Sa

Điều đáng chú ý là cấu tạo địa chất và thổ nhưỡng của quần đảo Hoàng Sa là những rặng san hô hình vành khuyên hoặc đá núi lửa.

 

Quần đảo Hoàng Sa có dạng hai nhóm đảo hình lưỡi liềm châu đầu vào nhau, nhóm nọ cách nhóm kia chừng 20 hải lí. Mỗi đảo gồm một mỏm san hô nhô lên khỏi mặt nước, là thành phần “lõi”. Bao quanh lõi là một vành đai san hô khép kín hoặc đứt quãng. Giữa hai thành phần ấy là một đầm nước lặng. Nhờ vành đai san hô tạo thành con đê ngăn sóng mà mặt nước trong đầm thường yên tĩnh dù giữa biển mênh mông ngày đêm sóng gió. Nước trong đầm xanh nhạt, khác hẳn màu xanh thẫm của nước biển bên ngoài, có thể nhìn suốt tới đáy với vô số san hô màu rực rỡ.


Nhiều loại thủy sản ưa thích sống trong các đầm nước lặng này. Những ngày nước ròng sát (lúc thủy triều xuống thấp nhất trong tháng) - thường từ mồng một tới mồng bốn và từ rằm đến mười tám theo âm lịch - là lúc sự sống trên các đảo Hoàng Sa diễn ra nhộn nhịp nhất. Những rặng san hô vươn lên khoe sắc nổi bật. Cá, tôm và các loại hải sản khác vào trong các hốc san hô kiếm mồi bị kẹt lại, người tha hồ bắt. Các ngư dân phải đi giày để san hô khỏi cứa vào chân và phải bắt cá tôm bằng tay vì không thể giăng lưới dưới rặng san hô tua tủa. Người ta đã bắt được những con cá đuối lớn bằng hai cái chiếu, những con ốc tai tượng nặng hàng tạ tại đây.


Một điều độc đáo khác tại Hoàng Sa là loại phân bón được tạo thành từ đá san hô phân hủy và phân chim trên đảo. Nhờ thế mà ở giữa biển thảm thực vật tại đây vẫn trù phú với nhiều loại cây độc đáo: cây bàng quả vuông, cây mù u, cây nhào mọc…

 

Q.A

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN