Cầu vượt thép không chỉ là giải pháp tình thế

Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, việc xây dựng hàng loạt cầu vượt nhẹ kết cấu thép hiện nay sẽ phá vỡ cảnh quan đô thị Hà Nội và gây lãng phí khi quy hoạch Thủ đô thay đổi. Tuy nhiên, thực tế vận hành các cầu vượt này đang phát huy hiệu quả trong việc giải quyết xung đột, ùn tắc tại các nút giao thông trọng điểm của Thủ đô.

 


Giảm xung đột giao thông

 


Từ đầu năm 2012 đến nay, 7 cầu vượt lắp ghép bằng thép đã được xây dựng tại các nút giao thông trọng điểm của Hà Nội như Láng Hạ - Thái Hà, Chùa Bộc - Thái Hà, Lê Văn Lương - Láng Hạ, Trần Duy Hưng - Láng, nút giao Nam Hồng (huyện Đông Anh), Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân (nút giao phố Huế - Bạch Mai), nút giao Daewoo, với tổng đầu tư gần 2.000 tỷ đồng. Giải pháp này được triển khai sau khi hàng loạt các phương án chống ùn tắc của Hà Nội như: Phân làn đường; đổi giờ làm, giờ học, cấm dừng, đỗ xe trên 262 tuyến phố… không mang lại hiệu quả.


Cầu vượt Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội. Ảnh: Huy Hùng-TTXVN


Nhiều người dân sinh sống trên những tuyến phố được lắp đặt các cầu vượt đều bày tỏ sự đồng thuận về giải pháp này, nhất là khi tình trạng ùn tắc đã bước đầu được giải quyết. Tuy tình hình ùn tắc giao thông đã giảm nhưng nhiều chuyên gia giao thông cũng lưu ý rằng, ngoài giải pháp tình thế này, Hà Nội cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác do áp lực gia tăng phương tiện chóng mặt hiện nay. Nếu không có quy hoạch hệ thống nút giao lập thể - nút giao thông khác mức sử dụng nhiều tầng tách biệt để dòng lưu thông trên đường này không xung đột trực tiếp với dòng lưu thông trên đường khác thì tình trạng ùn tắc sẽ vẫn xảy ra.


Bác Trần Văn Minh, ở phố Láng Hạ (Đống Đa) cho biết, trước đây khi chưa có cầu vượt Lê Văn Lương - Láng Hạ, người dân khốn khổ vì thường xuyên phải sống chung với cảnh ùn tắc, nhưng từ khi cầu vượt đưa vào hoạt động, tình hình giao thông tại nút giao Láng Hạ - Thái Hà - Huỳnh Thúc Kháng thông thoáng hơn, không còn cảnh ùn tắc triền miên, kể cả vào giờ cao điểm.


Thường xuyên điều tiết giao thông dưới chân cầu vượt Chùa Bộc - Thái Hà, trung tá Nguyễn Khắc Chung, đội CSGT số 3 khẳng định với phóng viên báo Tin Tức: Việc đưa cầu vượt này vào hoạt động là chủ trương đúng đắn của thành phố. Nhờ đó, các nút giao không còn cảnh xung đột, hỗn loạn, nên lực lượng cảnh sát giao thông cũng đỡ vất vả, không phải căng sức để phân luồng như trước đây. Tuy nhiên, có một hạn chế là cầu vượt xây xong, đường thông thoáng, thì các phương tiện lại gia tăng tốc độ, không ít trường hợp vượt đèn đỏ, lấn làn, vi phạm luật giao thông tăng lên…


Theo Phó Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội Ngô Quý Tuấn, mặc dù phương án xây cầu vượt chỉ là giải pháp tình thế, nhưng nếu thấy hiệu quả thực sự thì nên nhân rộng mô hình này để tiếp tục gỡ rối giao thông. Bên cạnh đó, khi xây các cầu vượt còn có thể tận dụng tối đa không gian gầm cầu để phân luồng giao thông.


Không để giảm chỗ này, tắc chỗ khác


Viện trưởng Viện Quy hoạch Quản lý giao thông (Bộ GTVT) Đinh Thị Thanh Bình nhận xét: Hiệu quả của cầu vượt thép hiện nay đã thấy rõ. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn đang thiếu một phương án quy hoạch giao thông tổng thể. Do đó, tình trạng ùn tắc vẫn có thể xảy ra hiệu ứng dây chuyền liên tục, giảm chỗ này sẽ gây tắc chỗ khác.


Qua ghi nhận của phóng viên, 7 cầu vượt hiện nay đã giải quyết được vấn đề ùn tắc hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay một số cầu vượt được xây dựng trong phạm vi nội đô, nên tình trạng ùn tắc ở phía các cung đường vành đai vẫn tiếp diễn. Thực tế, trong bối cảnh giao thông rối như tơ vò hiện nay, để giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc, thì khó có một giải pháp nào riêng lẻ có thể giải quyết được ngay.


Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng khẳng định: Việc đưa vào vận hành các cầu vượt thép nằm trong các giải pháp cấp bách của Chính phủ và thành phố, nhằm hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông. Từ khi có những cầu vượt này, Hà Nội đã giảm được từ 124 điểm có nguy cơ ùn tắc xuống còn 57 điểm. Hà Nội đang dự kiến sẽ xây thêm cầu vượt lắp ghép thứ 8 tại nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch và theo quy hoạch xây dựng từ nay đến 2015, Hà Nội sẽ xây dựng thêm các cây cầu vượt nhẹ tại các nút giao: Hoàng Quốc Việt - Phạm Văn Đồng, Nguyễn Sơn - Nguyễn Văn Cừ; đồng thời cải tạo, mở rộng các nút Kim Mã - Liễu Giai, đường 69 - Phạm Văn Đồng, Cổ Nhuế - Phạm Văn Đồng.



Bài và ảnh: Nguyễn Tiến

Hà Nội sẽ có thêm cầu vượt thép thứ 8
Hà Nội sẽ có thêm cầu vượt thép thứ 8

Bảy cầu vượt lắp ghép bằng thép được đưa vào hoạt động từ đầu năm 2012 đến nay đang phát huy hiệu quả trong việc giảm ùn tắc giao thông tại các nút giao trọng điểm của Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN