Chăm lo đời sống nữ công nhân các khu công nghiệp

Tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động ngày càng lớn, đặc biệt tại các Khu công nghiệp, Khu chế xuất (KCN, KCX). Theo thống kê, trong số gần 3 triệu lao động làm việc tại hơn 300 KCN –KCX trong cả nước, thì có gần 1,2 triệu lao động nữ.

Chăm lo thiết thực đời sống nữ công nhân

Tại nhiều KCN-KCX, lao động nhập cư nhiều nơi chiếm trên 50%, đặt ra nhiều vấn đề về bình đẳng giới và bảo vệ quyền của lao động nữ tại các KCN, KCX. Do đó, công đoàn các cấp đã có nhiều chương trình chăm lo thiết thực đời sống lao động nữ.

Chú thích ảnh
Tư vấn khám sức khỏe cho lao động nữ tại Hà Nội

Cụ thể, đầu tháng 10/2018, hơn 3.000 công nhân (hơn 90% là nữ) của Công ty Rieker Việt Nam (KCN Điện Nam - Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) đã được tham gia khám mắt. Sau khi thăm khám, các bác sĩ kết luận hầu hết công nhân đều có thị lực thấp, một số trường hợp gặp bệnh nặng về mắt cần được phẫu thuật. Theo Ban nữ công (Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam), qua khám sức khỏe như trên, bên cạnh phát hiện ra những trường hợp về mắt để chữa trị cho công nhân, thì đơn vị cũng tư vấn doanh nghiệp cải thiện môi trường làm việc đảm bảo đủ ánh sáng, hạn chế ảnh hưởng tác động đến thị lực của người lao động.

Chăm lo đời sống lao động nữ hướng tới thực hiện mục tiêu bình đẳng giới đang được các cấp công đoàn tại Quảng Nam triển khai. Hai năm gần đây, các cuộc tọa đàm, đối thoại với chủ đề về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình đã được tổ chức thường xuyên, giúp nữ công nhân có điều kiện trải lòng về những “điều khó nói” trong đời sống gia đình.

Trong khi đó, Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội cũng đã phối hợp với Quỹ Vì tầm vóc Việt tổ tư vấn và khám sức khỏe sinh sản (SKSS) cho hàng nghìn lao động nữ của các doanh nghiệp thuộc KCN Thăng Long, Quang Minh và Nội Bài. Tại các buổi khám, nữ công nhân được tư vấn sàng lọc và khám SKSS, đặc biệt được thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung bằng phương pháp sàng lọc quốc gia VIA. Bên cạnh đó, nữ công nhân được chia sẻ kiến thức về các bệnh viêm nhiễm phụ khoa và các bệnh tình dục, cũng như các kiến thức, kỹ năng khác như cách tự khám u vú tại nhà, các lưu ý trong quá trình điều trị. Theo sơ khám có tới 70% đến khám mắc viêm nhiễm phụ khoa.

Xác định quan trọng về vai trò của công đoàn trong thúc đẩy bình đẳng giới và bảo vệ quyền lao động nữ, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tham gia tích cực xây dựng các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp tới người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng. Cụ thể tại Bộ luật Lao động sửa đổi (2012) đã có một số Điều, khoản quy định những nguyên tắc bình đẳng giới, cấm phân biệt đối xử về giới, hỗ trợ người sử dụng lao động sử dụng nhiều lao động nữ; Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định bình đẳng giới trong nghỉ thai sản, chăm sóc con…

Công đoàn các cấp tổ chức nhiều mô hình thúc đẩy bình đẳng giới tại các KCN-KCX mang lại kết quả ban đầu như: Mô hình cabin vắt, trữ sửa cho lao động nữ tại nơi làm việc, mô hình "Sức khỏe của bạn”, "Tết Sum vầy”, "Tháng Công nhân” và tuyên truyền về quyền lợi khi tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho công nhân lao động, trong đó có công nhân nữ...

Tuy vậy, theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại các địa phương, nhu cầu của công nhân tại các KCN, KCX đa dạng, trong đó lớn nhất là về nhà ở và các công trình phúc lợi. Phần lớn công nhân lao động nhập cư hiện nay đang phải ở trọ tại các nhà dân với điều kiện sống rất thấp, ảnh hưởng sức khỏe và cũng ảnh hưởng đến năng suất lao động của công nhân.

Kết quả khảo sát thực tế nhiều năm của Viện Công nhân – Công đoàn ở các KCN cũng cho thấy, hàng vạn công nhân đã phải thuê nhà trọ bên ngoài với điều kiện sinh hoạt đa phần là thiếu thốn, an ninh phức tạp. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho nguồn lao động của các KCN luôn rơi vào tình trạng mất ổn định. Để giữ chân công nhân, không ít các doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà hàng tháng với số tiền trung bình từ 200.000-600.000 đồng/người. Tuy nhiên, giải pháp này vẫn chưa thực sự giải quyết tận gốc của vấn đề.

Bên cạnh đó, tỷ lệ thỏa ước lao động tập thể có quy định có lợi hơn cho lao động nữ so với quy định của pháp luật còn thấp. Lao động nữ đặc biệt ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước hiện nay còn gặp nhiều khó khăn về việc làm, đời sống, áp lực của việc tăng ca, làm thêm giờ để tăng thu nhập, bảo đảm cuộc sống… khiến đa số lao động nữ không còn thời gian để giải trí, tham gia các hoạt động văn hoá tinh thần và thời gian tìm hiểu, lựa chọn bạn đời. Điều kiện nơi ăn, chốn ở, chăm sóc nuôi dạy con cái, xây dựng hạnh phúc gia đình của lao động nữ vẫn còn nhiều vấn đề.

Theo nhận xét của người lao động thì các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đang ưu tiên tuyển dụng nữ với lý do các ngành nghề “phù hợp” với nữ hơn. Trên thực tế, đây là những ngành nghề có thu nhập thấp. Hầu hết lao động nữ tập trung trong các ngành công nghiệp đòi hỏi tay nghề thấp như dệt may, da giày (nơi tỷ lệ nữ chiếm 78,5% lao động).

Mong an cư lạc nghiệp

Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”. Đề án đã và đang trực tiếp tham gia giải quyết các nhu cầu cấp thiết, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động như: nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, trung tâm văn hóa, thể thao, tư vấn pháp luật, chăm sóc y tế…

Giai đoạn 2017-2018, Tổng LĐLĐ phấn đấu hoàn thành 10 thiết chế công đoàn tại KCX, KCN. Giai đoạn 2018-2020: phấn đấu hoàn thành 40 thiết chế. Ðến năm 2030 phấn đấu các KCX, KCN trên cả nước đều có thiết chế công đoàn. Thông qua các cuộc thăm dò, khảo sát, Tổng LÐLÐ Việt Nam nhận thấy, điều mong mỏi nhất mà người lao động quan tâm trong tổ hợp thiết chế chính là những căn hộ giá phù hợp với thu nhập và khả năng chi trả của công nhân lao động. Sau đó là nhà trẻ, dịch vụ khám, chữa bệnh, siêu thị…

Bên cạnh đó, các cấp công đoàn tập trung tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện bình đẳng giới và các quyền của lao động nữ, nghiên cứu tham mưu giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc của lao động nữ và điều kiện được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội chất lượng, hỗ trợ lao động nữ có việc làm bền vững, môi trường làm việc an toàn, bình đẳng.

Việc đối thoại tại nơi làm việc, kịp thời giải quyết các kiến nghị chính đáng của công đoàn cơ sở và người lao động cần đẩy mạnh nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định tại doanh nghiệp;  trong đó chủ động thúc đẩy thương lượng, ký kết thoả ước lao động tập thể với những điều khoản có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật lao động nữ.

Đồng thời, các cấp công đoàn đẩy mạnh các hoạt động xã hội trong công nhân lao động nhằm hỗ trợ, giúp đỡ công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn; nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo trợ trẻ em Công đoàn Việt Nam để trực tiếp hỗ trợ cho lao động nữ và trẻ em; Vận động sự tham gia của các doanh nghiệp đồng hành cùng các chương trình trao tặng cặp phao cứu sinh; vì trái tim, nụ cười cho trẻ thơ có hoàn cảnh khó khăn mắc bệnh hiểm nghèo góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.

 

XM/Báo Tin tức
Những 'bóng hồng' thầm lặng làm sạch môi trường nội đô Hà Nội
Những 'bóng hồng' thầm lặng làm sạch môi trường nội đô Hà Nội

Việc giữ gìn vệ sinh môi trường 4 quận nội đô Hà Nội do Công ty môi trường đô thị Hà Nội đảm nhiệm. Do đặc điểm nghề nghiệp, nên có đến gần 1.000 lao động là nữ, chiếm 70% số công nhân của Công ty. Những người phụ nữ ấy, không quản mưa nắng, không quản ngày đêm, không quản cả mùi xú uế của rác thải... để giữ cho Thủ đô văn minh, sạch đẹp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN