Chăm lo sức khỏe cho người lao động là mục tiêu hàng đầu của tổ chức Công đoàn

Với tinh thần chủ động và trách nhiệm, những năm qua, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã dành nhiều sự quan tâm cả về vật chất lẫn tinh thần, nhằm mục tiêu chăm lo tốt nhất cho sức khỏe của đoàn viên, người lao động, từ đó duy trì mối quan hệ lao động hài hòa, góp phần xây dựng xã hội tiến bộ, văn minh và phát triển bền vững…

Chú thích ảnh
Chủ tịch LĐLĐ thành phố Đà Nẵng Nguyễn Duy Minh (trái) trao học bổng cho học sinh là con công nhân, người lao động. Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN.

Lấy người lao động là trung tâm hành động

Có thể thấy, năm 2021 và đầu năm 2022 diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tuy nhiên, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp đặc biệt là đợt bùng phát dịch lần thứ tư gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh, sinh kế, đời sống của nhân dân, tác động trực tiếp đến đời sống, việc làm của công nhân, viên chức, lao động. Theo báo cáo của các cấp Công đoàn, cả nước có hơn 174 ngàn F0 là công nhân lao động trên địa bàn 56 tỉnh, thành phố; có 692 trường hợp tử vong do COVID-19, có hơn 500 trẻ em là con công nhân, lao động mồ côi cha mẹ do dịch COVID-19…

Trong bối cảnh đó, đội ngũ công nhân viên chức lao động đã nêu cao tinh thần gương mẫu, trách nhiệm, chấp hành nghiêm các quy định trong công tác phòng, chống dịch, tích cực lao động, sản xuất tại những doanh nghiệp, cơ sở có đủ điều kiện phòng chống dịch bệnh trong điều kiện khó khăn thiếu thốn. Nhiều đoàn viên, người lao động đã trở thành những chiến sĩ, tình nguyện viên nơi tuyến đầu, sát cánh cùng chính quyền, lực lượng chức năng tại cơ sở, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống cho người dân, góp phần vào thành công chung trong công tác phòng, chống dịch của cả nước.

Chú thích ảnh
Chủ trọ giảm tiền phòng cho người lao động thời điểm COVID-19. Ảnh minh hoạ: TTXVN phát

Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải cho biết, tổ chức Công đoàn đã chủ động, kịp thời ban hành và nhanh chóng triển khai các gói hỗ trợ đa dạng, quy mô lớn dành cho đoàn viên, người lao động. Các cấp Công đoàn đã chi và đang triển khai thủ tục chi hỗ trợ đoàn viên, người lao động và các lực lượng tuyến đầu chống dịch với tổng số tiền gần 6.000 tỉ đồng. Trong đó, chi trực tiếp hỗ trợ, chăm lo cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 hơn 2.000 tỉ đồng; chi ủng hộ và vận động ủng hộ công tác phòng, chống dịch, chuyển về Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hơn 475 tỉ đồng; chi ủng hộ và vận động ủng hộ vào Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19 hơn 340 tỉ đồng; chi hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu chống dịch từ nguồn tài chính Công đoàn hơn 254 tỉ đồng…

Chủ động, dấn thân vì người lao động

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động  Việt Nam lần thứ 10 (khóa XII), Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài nhấn mạnh, năm 2021, dịch COVID-19 kéo dài, diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tính mạng người dân và việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tác động đến đời sống của mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có đoàn viên, người lao động.

Trong bối cảnh khó khăn đó, tổ chức Công đoàn Việt Nam với tinh thần chủ động, sáng tạo, nỗ lực cố gắng, linh hoạt điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ, thể hiện rõ vai trò là tổ chức đại diện cho quyền lợi của công nhân lao động, sát cánh cùng người lao động, người sử dụng lao động trong công tác phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn tại nơi làm việc; đồng thời có nhiều hoạt động, giải pháp hỗ trợ, chăm lo cho đoàn viên, người lao động, từ tham gia xây dựng, đề xuất ban hành các chính sách hỗ trợ, tổ chức các hoạt động chăm lo cho người lao động bằng nguồn tài chính công đoàn và nguồn vận động xã hội hóa với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo.

Chú thích ảnh
Cán bộ Phường 1, Quận 3, TP Hồ Chí Minh chi trả hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ảnh tư liệu: Thanh Vũ/TTXVN

Trưởng Ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh, vai trò của tổ chức Công đoàn cùng với tinh thần chủ động, sự dấn thân của đội ngũ cán bộ Công đoàn đã đóng góp vào kết quả chung của cả nước trong công tác phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội, được người lao động, doanh nghiệp, cả hệ thống chính trị, xã hội đánh giá, ghi nhận. Đó thực sự là điều rất đáng trân trọng, vui mừng và tự hào. Qua khó khăn, hình ảnh, vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn tiếp tục được khẳng định, thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết.

Đánh giá cao những nỗ lực của tổ chức Công đoàn thời gian qua, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, Việt Nam vừa phải đối mặt với khó khăn chưa từng có do ảnh hưởng dịch COVID-19. Nhân dân cả nước trong đó có đoàn viên, người lao động đã phải trải qua nhiều giai đoạn gian khó nhưng với sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành trong đó có Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, công nhân, người lao động đã cơ bản vượt qua được những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra. 

Có thể khẳng định, kết quả công tác tham gia phòng, chống dịch COVID-19 của các cấp Công đoàn đã góp phần vào việc sớm kiểm soát dịch bệnh, tạo niềm tin cho người lao động, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị vào kinh nghiệm và sự đổi mới phương thức hoạt động Công đoàn trong bối cảnh đặc biệt như dịch COVID-19, tiếp thêm sức mạnh để cả dân tộc ta chiến đấu và chiến thắng dịch bệnh.

Đề nghị bổ sung công nhân lao động là đối tượng cần quan tâm trong khám, chữa bệnh

Mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa gửi công văn đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Chính phủ và Bộ Y tế để góp ý kiến cho dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), trong đó đề nghị bổ sung công nhân lao động là đối tượng cần quan tâm trong khám, chữa bệnh.

Công văn số 4873 /TLĐ-CSPL do Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu ký nêu rõ: Đối với chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh, tại khoản 1, Điều 4 về ưu tiên bố trí ngân sách cho các hoạt động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị nghiên cứu, bổ sung khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, nơi tập trung đông công nhân lao động thuộc nhóm đối tượng cần được ưu tiên, bố trí ngân sách, được tập trung đầu tư để xây dựng, phát triển cơ sở khám, chữa bệnh. 

Chú thích ảnh
Các y, bác sĩ khám bệnh cho công nhân lao động. Ảnh: TTXVN phát

Đây là yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết bởi khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất là các địa bàn tập trung đông công nhân lao động, song hệ thống tổ chức các cơ sở khám, chữa bệnh hiện rất ít, ảnh hưởng lớn đến nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của công nhân lao động. Việc phát triển cơ sở khám, chữa bệnh tại nơi có đông công nhân vừa đáp ứng điều kiện làm việc của người lao động; đồng thời có khả năng giải quyết các thảm họa, sự cố y khoa. 

Bên cạnh các nhóm đối tượng được xác định tại điểm b, khoản 1, Điều 4 được ưu tiên bố trí ngân sách để khám, chữa bệnh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị bổ sung công nhân lao động là đối tượng cần được quan tâm trong khám, chữa bệnh; cần có chính sách cụ thể để tạo điều kiện cho công nhân dễ dàng tiếp cận và thuận lợi hơn trong khám bệnh, chữa bệnh (đặc biệt là khám, chữa bệnh ngoài giờ hành chính vẫn được thanh toán từ Quỹ bảo hiểm y tế). 

Về hệ thống tổ chức cơ sở khám, chữa bệnh, tổ chức Công đoàn Việt Nam cho rằng, Điều 96 Dự thảo Luật quy định hệ thống tổ chức cơ sở khám, chữa bệnh được tổ chức thành 3 cấp: cấp khám, chữa bệnh ban đầu; cấp khám, chữa bệnh cơ bản; cấp khám, chữa bệnh chuyên sâu thay vì 4 tuyến tương ứng với 4 cấp hành chính như Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện hành. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị xác định rõ việc phân thành 3 cấp này được thực hiện theo chuyên môn kỹ thuật hay theo hệ thống tổ chức; đồng thời, quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu của mỗi cấp.

Việc quy định về giá dịch vụ khám, chữa bệnh được dự thảo Luật quy định (tại Điều 101) theo hướng thay đổi từ cách tiếp cận giá dịch vụ khám, chữa bệnh bao gồm các nhóm yếu tố chi phí trực tiếp, tiền lương, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định sang cách tiếp cận giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo quy định... Quy định này nhằm khuyến khích, thúc đẩy các cơ sở khám, chữa bệnh đầu tư để nâng cao khả năng cung cấp dịch vụ cũng như chất lượng của dịch vụ. Tuy nhiên, khám, chữa bệnh là dịch vụ đặc biệt, liên quan đến lĩnh vực an sinh xã hội; do vậy thẩm quyền quyết định giá dịch vụ khám, chữa bệnh vẫn cần thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá. Để đảm bảo quyền lợi của người bệnh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị cần nghiên cứu, xem xét, quy định khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh, kể cả với các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân.

Có thể khẳng định, các chính sách của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành được thực hiện trong thời gian qua rất kịp thời, nhanh nhạy, khá toàn diện về đối tượng, có ưu tiên các đối tượng khó khăn thực sự, lực lượng tuyến đầu. Các cấp Công đoàn đã chi nguồn lực lớn để hỗ trợ người lao động, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, đồng hành với Chính phủ, góp phần ổn định tình hình trong công nhân, lao động, giúp các địa phương tập trung phòng, chống dịch bệnh, khẳng định vai trò, trách nhiệm và quyết tâm cao nhất của tổ chức Công đoàn trong bối cảnh khủng hoảng, được đoàn viên, người lao động và xã hội đánh giá cao.

Đỗ Bình (TTXVN)
Nam Định: Tiền hỗ trợ thuê nhà đã đến tay người lao động
Nam Định: Tiền hỗ trợ thuê nhà đã đến tay người lao động

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nam Định cho biết, các huyện, thành phố đã hoàn thành giải ngân tiền hỗ trợ thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN