Chủ tịch tỉnh Yên Bái: Nâng cao kỹ năng phòng, chống thiên tai của người dân và cộng đồng

Yên Bái là tỉnh miền núi có địa hình phần lớn là đồi núi, độ dốc lớn, nhiều khe suối. Do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, địa phương này thường chịu ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ cường suất lớn gây lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá, thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân rất lớn.

Chú thích ảnh
Ông Trần Huy Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái trao đổi với phóng viên TTXVN.

Những năm gần đây, nhờ chủ động xây dựng, triển khai đồng bộ các phương án phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, nên những thiệt hại về người, tài sản cũng như các công trình thủy lợi, giao thông và nhiều công trình phúc lợi trên địa bàn đã giảm đi nhiều so với trước đây.

Trao đổi với Phóng viên TTXVN, ông Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo và phòng, chống thiên tai. Nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, chống thiên tai của người dân và cộng đồng. Tăng cường khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng. Xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để chủ động phòng, chống, giảm thiệt hại do thiên tai.

Đầu tiên, xin ông cho biết tình hình thiên tai (mưa bão, lũ ống, lũ quét, mưa đá, sạt lở đất…) đã gây ra thiệt hại như thế nào ở trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây, đặc biệt là trong các tháng đầu năm 2023 vừa qua?

Trong những năm gần đây, do tác động, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai diễn biến khó lường, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã xảy ra hàng trăm vụ thiên tai do mưa bão gây ra các hiện tượng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất…Trong đó, có nhiều vụ gây hậu quả rất nặng nề, thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của nhà nước và nhân dân. Từ năm 2017 - 2022 trên toàn tỉnh xảy ra 102 đợt thiên tai làm 91 người chết, 82 người bị thương; hư hỏng 20.512 căn nhà; thiệt hại 17.082 ha diện tích sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp; 1.412 công trình hạ tầng bị hư hỏng và thiệt hại nhiều tài sản khác... Tổng thiệt hại là 3.211 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Khu vực trụ sở xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải bị thiệt hại do bão lũ.

Riêng trong 10 tháng vừa qua, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã xảy ra 16 đợt thiên tai làm 8 người chết; 1 người bị thương; hư hỏng 1.612 căn nhà; thiệt hại 1.489,8 ha sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp; 4.641 con gia súc, gia cầm bị chết; 7 điểm trường, 10 công trình văn hoá, y tế bị thiệt hại nặng nề; 169 công trình thuỷ lợi bị hư hỏng. Thiệt hại khoảng 420 tỷ đồng.

Đặc biệt vào đầu tháng 8/2023, trên địa bàn 3 xã Hồ Bốn, Khao Mang, Lao Chải (huyện Mù Cang Chải) đã xảy ra mưa lũ gây thiệt hại nặng nề. Thiên tai đã làm 3 người chết; hư hỏng 250 nhà; 165 ha sản xuất nông, lâm nghiệp; 176 công trình cơ sở hạ tầng bị hư hỏng; 3 nhà máy thuỷ điện bị sạt lở, bồi lấp bùn đất, ngừng vận hành; 60.000 m3/225 vị trí đường giao thông bị sạt lở taluy dương, 475m/22 vị trí sạt lở taluy âm nền mặt đường, 3.500m hộ lan bị hư hỏng và công trình thoát nước tại Quốc lộ 32; trên 80.000 m3 đất đá bị sạt lở tuyến đường dẫn đến các trung tâm xã; 81 cột điện bị gẫy, đổ và có nguy cơ sạt lở, 12.500m dây điện bị đứt; 51 trạm di động BTS bị mất liên lạc và nhiều thiệt hại về tài sản khác... Ước tính thiệt hại khoảng 392 tỷ đồng.

Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến thiên tai trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp trong những năm gần đây? Để chủ động, sẵn sáng ứng phó, tỉnh Yên Bái đã và đang triển khai những giải pháp gì?

Lũ quét, sạt lở đất đá do nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi có 3 nguyên nhân chính:

Thứ nhất, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trong những năm gần đây thời tiết thay đổi thất thường với những diễn biến phức tạp và ngày càng cực đoan, khó lường. Về mùa mưa xuất hiện những đợt mưa lớn, kéo dài liên tục gây ra ngập lụt ở vùng thấp, lũ quét, lũ ống sạt lở ở vùng cao. Đồng thời mưa lớn kéo dài làm đất đá bão hòa giảm sự liên kết, ma sát giữa các lớp đất đá giảm xuống gây ra hiện tượng sạt trượt, dẫn đến sạt lở đất đá.

Chú thích ảnh
Nhiều nhà cửa, công trình tại huyện Mù Cang Chải bị hư hỏng, tan hoang sau trận lũ ngày 5/8 vừa qua.

Thứ hai, do ảnh hưởng của yếu tố tự nhiên, tỉnh Yên Bái là tỉnh trung du và miền núi, với điều kiện tự nhiên chủ yếu là đồi núi cao, độ dốc lớn, địa hình bị chia cắt, có nhiều sông, ngòi, khe, suối. Đây cũng là nguyên nhân khiến các hiện tượng thiên tai như lũ quét, lũ ống, sạt lở đất thường dễ xảy ra.

Thứ ba, bên cạnh các yếu tố tự nhiên còn có một số tác động con người cũng là nguyên nhân khiến thiên tai diễn biến phức tạp hơn. Thực tế cho thấy các hoạt động dân sinh, quá trình phát triển kinh tế - xã hội như phát triển hạ tầng, san tạo xây dựng các công trình (như: Đường giao thông, các dự án thủy điện nhỏ, các công trình hạ tầng khác...) đã tác động lên bề mặt. Chất lượng rừng (thảm phủ thực vật) suy giảm làm mất cân bằng sự ổn định sườn dốc, tác động làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến thoát nước của các sông suối...

Để chủ động, sẵn sàng ứng phó với những diễn biến bất thường của thời tiết, tỉnh Yên Bái đã và đang triển khai những giải pháp trọng tâm như sau:

Nâng cao ý thức chủ động của người dân và cộng đồng ở các khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai. Đây là quan tâm hàng đầu trong bối cảnh và thực tiễn hiện nay.

Đối với địa phương chính quyền, chúng tôi sẽ nâng cao công tác cảnh báo thiên tai đối với các vùng có nguy cơ cao.

Củng cố bộ máy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Rà soát, kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp. Bảo đảm năng lực chỉ huy, điều hành. Rà soát lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã và lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt.

Hàng năm xây dựng, điều chỉnh kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai các cấp. Mua sắm trang thiết bị, vật tư, phương tiện chuyên dùng phục vụ công tác phòng chống thiên tai.

Đến nay 173 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thị xã, thành phố đều xây dựng và cập nhật kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai hàng năm. Chuyển dịch mạnh mẽ từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa. Đồng thời lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và các chương trình dự án, nhất là các dự án phát triển hạ tầng cơ sở, giao thông, dự án thủy điện nhỏ…tránh làm gia tăng rủi ro thiên tai.

Tăng cường tổ chức đào tạo, tập huấn, tuyên truyền công tác phòng chống thiên tai thích ứng trong tình hình mới.

Sẵn sàng thực hiện ứng phó thiên tai theo kế hoạch và phương án đã xây dựng. Tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp hàng năm để tăng cường công tác chỉ đạo điều hành và thực thi nhiệm vụ của các lực lượng.

Thực tế trên phần nào cho thấy cùng với “thiên tai”, chính cách làm của con người cũng làm cho thiên tai ngày càng dữ dội hơn. Liên hệ thực tế tại tỉnh Yên Bái trong những năm qua, ông nhìn nhận thực tế trên thế nào?

Đúng là trong những năm gần đây thiên tai xảy ra theo chiều hướng gia tăng, với cường độ ngày càng cao, tần suất ngày càng lớn và đặc biệt là yếu tố bất thường làm cho thiên tai ngày càng trở nên khó dự báo, khó lường. Thiên tai mưa bão, lũ lụt là thuộc tính của tự nhiên từ muôn đời, con người không thể ngăn chặn được và chỉ có thể chủ động trong phòng, chống để hạn chế tác hại của thiên tai. Tuy nhiên, thực tế cho thấy thiên tai gia tăng cũng có nguyên nhân từ con người, đặc biệt là tình hình phát triển kinh tế của các địa phương như:

Việc mở đường phát triển giao thông đã làm tăng nguy cơ sạt lở dọc các tuyến đường. Chuyển đổi đất rừng làm đường giao thông cũng làm giảm độ che phủ thực vật làm gia tăng sạt lở, gây xói mòn đất. Sự hiện đại hóa phát triển ở các khu đô thị, thị trấn với mật độ bê tông hóa tăng lên. Hiện tượng san lấp hồ, ao làm mất chỗ chứa nước dẫn đến gia tăng ngập lụt…

Để hạn chế các ảnh hưởng của thiên tai, cùng với phát triển kinh tế xã hội của các địa phương chúng ta phải thực hiện hiện tốt và đồng bộ quy hoạch tỉnh vừa mới được Thủ tướng chính phủ phê duyệt. Đồng thời thực hiện tốt kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2021-2025 và Phương án phòng, chống thiên tai theo cấp độ rủi ro. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, phòng chống thiên tai các cấp; lực lượng xung kích phòng chống thiên tai; các lực lượng tham gia công tác phòng, chống thiên tai và người dân, nhất là người dân sống tại các khu vực vùng cao, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có nguy cơ cao xảy ra thiên tai.

Yên Bái đã có bản đồ cảnh báo sạt lở do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện chưa? Nếu có, bản đồ này đã được tỉnh sử dụng như thế nào thưa ông?

Tỉnh Yên Bái đã có bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá tỷ lệ 1:50.000 trong khuôn khổ của Đề án “Điều tra đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ tỉnh trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam” do Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản xây dựng, bàn giao cho tỉnh. Bản đồ được sử dụng để cảnh báo, phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

Theo kết quả điều tra, lập bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá thì hiện nay trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 2.326 điểm trượt lở (47 điểm lũ quét, 37 điểm xói lở bờ sông suối, 2.242 điểm sạt lở đất). Trong đó hiện tượng trượt lở đất đá xảy ra nhiều nhất ở các huyện Mù Cang Chải, Yên Bình và địa bàn thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ.

Các khu vực tập trung trượt lở có mức độ nguy cơ cao, rất cao là: Quốc lộ 32, QL 37, Quốc lộ 70; Đường tỉnh 174, 175B, 170, 163, 171; Thành phố Yên Bái; các xã Trúc Lâu, Tân Phượng, Lâm Thượng, Minh Chuẩn, Phan Thanh, Khánh Hòa, Liễu Đô, Tân Lập, Trung Tâm, Phúc Lợi, Mai Sơn, An Lạc, Khai Trung, Vĩnh Lạc, Tân Lĩnh (huyện Lục Yên); các xã Khau Phạ, La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Hồ Bốn, Lao Chải (huyện Mù Cang Chải); các xã Lâm Giang, Châu Quế Hạ (huyện Văn Yên); khu vực các xã Phúc An, Đại Đồng, Cẩm Ân (huyện Yên Bình).

Khách quan mà nói, trên địa bàn tỉnh Yên Bái, các hiện tượng, điểm sạt lở không chỉ xảy ra ở trên các tuyến đường giao thông. Tuy nhiên, ở ven các tuyến đường giao thông thì thường và dễ xảy ra các hiện tượng sạt lở. Một trong những nguyên nhân gây sạt lở xảy ra ven các tuyến đường giao thông là trong quá trình thi công, đào, san gạt mặt bằng xây dựng các tuyến đường đã làm mất cân bằng sườn dốc tự nhiên. Tại những điểm xung yếu, địa chất kém nếu không có các biện pháp gia cố, gia cường sườn dốc bảo đảm chắc chắn, an toàn sẽ làm tăng nguy cơ sợt lở đất, đá. Trong những năm qua các tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái tại các điểm xung yếu, thường bị sạt lở vào mùa mưa đã được đầu tư gia cố, xử lý nên hạn chế, giảm thiểu tối đa hiện tượng, điểm sạt lở xảy ra vào mùa mưa bão.

Chú thích ảnh
Sau lũ, người dân đã yên tâm khi có nhà mới ở khu tái định cư mới bản Hồng Nhì Pá, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải.

Để cảnh báo sớm nguy cơ sạt lở đất nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, chúng ta cần xây dựng các trạm cảnh báo sớm thiên tai để đưa ra những khuyến cáo, biện pháp ứng phó phù hợp nhanh nhất. Hiện nay, tỉnh Yên Bái đang được Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện “Dự án nâng cao năng lực giảm thiểu rủi ro lũ quét và sạt lở đất ở khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam”, đã lắp đặt thử nghiệm 2 hệ thống cảnh báo sớm trượt lở đất ở xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải và xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu.

Trong công tác phòng tránh sạt lở đất hiện nay, theo tôi điều quan trọng nhất là sự chủ động phòng tránh của người dân sống tại các vùng có nguy cơ. Người dân cần được thông tin cảnh báo kịp thời để di chuyển đến nơi an toàn. Xây dựng bản đồ cảnh báo các khu vực có nguy cơ sạt lở đất với tỷ lệ phù hợp ở các địa phương (vấn đề này đã được Trung ương chỉ đạo, được triển khai, nhưng mới chỉ xây dựng được bản đồ tỷ lệ lớn (tỷ lệ 1:50.000), chưa xác định được chính xác các điểm nguy hiểm để sơ tán dân). Trên cơ sở bản đồ cảnh báo này sẽ quy hoạch, phân bố, bố trí lại dân cư hợp lý và có những đầu tư hạ tầng để đảm bảo an toàn cho người dân. Trước mắt tập trung rà soát những điểm, khu dân cư nằm trong vùng nguy hiểm sạt lở, lũ quét để xây dựng phương án di dân ra khỏi vùng nguy cơ này.

Thưa ông, cùng với giải pháp phòng tránh sạt lở đất như đã nêu trên, trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái sẽ làm gì để giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai nói chung gây ra?

Trong thời gian tới để góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra, tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo và phòng, chống thiên tai; nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, chống thiên tai của người dân và cộng đồng; tăng cường khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng; xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để chủ động phòng, chống, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra.

Triển khai sắp xếp, ổn định dân cư tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và nâng cao đời sống, hỗ trợ sản xuất cho người dân ở khu vực miền núi, đảm bảo an ninh - quốc phòng, giảm thiểu những hậu quả nặng nề do thiên tai gây ra. Đến nay, tỉnh đã sắp xếp ổn định được cuộc sống cho trên 2.246 hộ dân; hỗ trợ khắc phục, di dời an toàn trên 2.285 nhà bị ảnh hưởng (243 nhà bị sập đổ hoàn toàn; 2.042 nhà bị hư hỏng).

Trên địa bàn toàn tỉnh hiện còn 944 hộ trong vùng nguy cơ thiên tai cần di chuyển đến nơi an toàn thuộc 18 dự án di dân tập trung. Tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục rà soát các quỹ đất để bố trí, sắp xếp lại dân cư đồng thời tiếp tục bố trí các nguồn vốn (nguồn vốn hỗ trợ từ trung ương và nguồn vốn của tỉnh) xây dựng các khu tái định cư cho người dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tuấn Anh - Việt Dũng (TTXVN)
Mưa lũ làm trên 3.000 ngôi nhà ở Quảng Trị bị ngập sâu trong nước
Mưa lũ làm trên 3.000 ngôi nhà ở Quảng Trị bị ngập sâu trong nước

Ngày 17/11, theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, mưa lũ từ ngày 13/11 đã khiến địa bàn có trên 3.000 ngôi nhà bị ngập sâu trong nước, 3 người thiệt mạng, thiệt hại lớn về tài sản, hoa màu cũng như các công trình giao thông, đê kè.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN