Điều chỉnh quy hoạch giao thông TP.HCM đến năm 2020

Đến năm 2020, Tp. Hồ Chí Minh phấn đấu thị phần đảm nhận của giao thông công cộng chiếm 20 - 25%; đầu tư hệ thống giao thông đường bộ chính bao gồm trục đường hướng tâm, đường xuyên tâm và vành đai; xây dựng từ 1 - 2 tuyến đường bộ trên cao, 2 - 3 tuyến đường sắt đô thị; di dời các khu bến cảng trên sông Sài Gòn, ưu tiên đầu tư các bến cảng biển chính như cảng Cát Lái, cảng Nhà Bè, cảng Hiệp Phước.

Cầu vượt bằng thép Lăng Cha Cả, TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Hải - TTXVN


Đây là nội dung đáng chú ý trong Quyết định số 568/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải Tp. Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 được Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh công bố ngày ngày 28/6.

Theo đó, ngành giao thông vận tải sẽ phải cải tạo, nâng cấp và hoàn thành các luồng tuyến vận tải thủy nội địa; các cảng sông; bến tàu; nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Cảng hàng không quốc tế Long Thành. UBND Tp. Hồ Chí Minh sẽ chủ trì, phối hợp với các địa phương trong vùng cùng các Bộ, ngành liên quan huy động nguồn vốn dưới mọi hình thức để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; việc xây dựng nâng cấp các công trình giao thông phải tuân thủ quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch vùng.

Thành phố ưu tiên dành quỹ đất hợp lý cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải giai đoạn năm 2013 - 2020 cũng như giai đoạn sau năm 2020, đặc biệt chú trọng quỹ đất dành cho giao thông tĩnh; tăng cường công tác quản lý bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, dành phần vốn thích đáng cho công tác quản lý bảo trì.

Thừa ủy quyền của lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, ông Lê Đỗ Mười, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) đã công bố quyết định nói trên của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu việc điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải Tp. Hồ Chí Minh nhằm phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, khai thác triệt để năng lực kết cấu hạ tầng giao thông hiện có của thành phố, đầu tư có trọng điểm các công trình quan trọng bức thiết mang tính đột phá; nâng cao chất lượng vận tải, chú trọng vào giao thông vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, hạn chế ô nhiễm môi trường, sử dụng năng lượng hiệu quả; huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển giao thông vận tải; ưu tiên dành quỹ đất hợp lý để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; hạn chế tiến tới giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông.

Theo ông Lê Đỗ Mười, tổng quỹ đất đến năm 2020 Tp. Hồ Chí Minh dành cho quy hoạch giao thông vận tải là hơn 22.000 ha, chiếm 22,3% quỹ đất xây dựng của toàn thành phố, trong đó quỹ đất dành cho giao giao thông đường bộ là 18.000 ha. Tổng vốn nhu cầu dự kiến là 2.631.461 tỷ đồng.


Trần Xuân Tình
Hà Nội quy hoạch phía đông đường vành đai 4
Hà Nội quy hoạch phía đông đường vành đai 4

Phân khu đô thị S1 nằm ở phía Tây thành phố trung tâm, thuộc chuỗi đô thị phía Đông đường vành đai 4 (khu vực phía Nam sông Hồng), thuộc địa giới hành chính huyện Đan Phượng và huyện Từ Liêm đã được thành phố Hà Nội quy hoạch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN