Doanh nghiệp đưa ra hơn 100 loại phụ cấp để không phải đóng bảo hiểm xã hội

Tiền lương bình quân đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tăng theo các năm, dựa trên mức lương tối thiểu vùng, trong đó, mức đóng BHXH dựa trên tiền lương cao nhất thuộc về doanh nghiệp Nhà nước. Để lách không phải đóng BHXH, có doanh nghiệp đưa ra hơn 100 loại phụ cấp.

Tiền lương đóng bảo hiểm bằng 86% thu nhập

Theo báo cáo kết quả 6 năm thực hiện Luật bảo hiểm xã hội 2014 trong giai đoạn 2016 - 2021, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá công tác thu BHXH phụ thuộc lớn vào mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm.

Chú thích ảnh
Chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy của Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản miền Nam (TP Cần Thơ). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Năm 2016, tiền lương bình quân đóng BHXH bắt buộc là hơn 4,2 triệu đồng/tháng. Đến năm 2021, tiền lương đóng bảo hiểm đã tăng lên mức gần 5,7 triệu đồng/tháng, tăng hơn 30%.

Như vậy, tiền lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc của người lao động của năm 2021 bằng 86% so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương và bằng 76% GDP bình quân đầu người Việt Nam năm 2021.

Lý giải về việc tăng trên, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cho rằng, tiền lương căn cứ đóng BHXH tăng do Luật BHXH năm 2014 có quy định mới là tiền lương đóng bảo hiểm phải là mức lương, phụ cấp lương theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, sau năm 2016, mức tiền lương làm căn cứ đóng tăng không đáng kể, chỉ tăng theo sự điều chỉnh mức tăng tiền lương tối thiểu vùng hàng năm.

Trong đó, tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động tại doanh nghiệp Nhà nước cũng có sự gia tăng hàng năm. Tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm bắt buộc của người lao động năm 2021 là 6,5 triệu đồng/tháng, tăng 54,76% so với năm 2016. Mức trên đã bằng 115% so với tiền lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc của người lao động nói chung.

Nguyên nhân là khu vực này quy định thang bảng lương, phụ cấp rõ ràng nên tiền đóng sát thu nhập. Dù vậy trên thực tế, bảo hiểm xã hội cho lao động trong doanh nghiệp nhà nước cũng mới tính đóng trên ba loại phụ cấp, gồm chức vụ, thâm niên nghề và thâm niên vượt khung (nếu có).

Bên cạnh đó, tiền lương đóng bảo hiểm trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng nằm trong xu thế tăng. Theo đó, 6,1 triệu đồng/tháng là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm bắt buộc của người lao động năm 2021, tăng 23,29% so với năm 2016.

Ngoài ra, tiền lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc của người lao động tại doanh nghiệp ngoài quốc doanh cũng có sự gia tăng hằng năm. Mức trên đã bằng 89,63% so với tiền lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc của người lao động nói chung.

Như vậy, mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động cao nhất thuộc về doanh nghiệp Nhà nước, tiếp sau đó là khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cuối cùng là khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

Theo cơ quan quản lý, có tình trạng doanh nghiệp chẻ thu nhập, tách phụ cấp sang phúc lợi khác để không phải tính đóng BHXH. Quy định hiện hành khó tách bạch các khoản phụ cấp tính đóng BHXH với doanh nghiệp trả theo lương tối thiểu vùng, bởi mỗi nơi xây dựng thang bảng lương, phụ cấp, mức tiền khác nhau.

Nhiều doanh nghiệp tồn tại ba loại thu nhập: Làm căn cứ đóng BHXH, loại để quyết toán và thu nhập thực tế. Có doanh nghiệp trưng hơn 100 loại phụ cấp lẫn phúc lợi và gần như không thể tính đóng BHXH.

Sửa quy định mức lương đóng bảo hiểm

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) mới nhất đề xuất căn cứ đóng BHXH theo mức lương tối thiểu vùng, cũng để phù hợp với định hướng khi thực hiện cải cách tiền lương sẽ không còn mức lương cơ sở.

Chú thích ảnh
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH May mặc Dony, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu: Hồng Đạt/TTXVN

Cụ thể, dự thảo Luật bổ sung tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố; cao nhất bằng 8 lần mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố.

Đây là cơ sở quy định căn cứ đóng bảo hiểm xã hội đối với những đối tượng không hưởng tiền lương (chủ hộ kinh doanh; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương...); và cũng là căn cứ để xác định trách nhiệm tham gia đối với đối tượng người lao động làm việc không trọn thời gian.

Đối với khu vực ngoài Nhà nước (người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định), tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc cơ bản kế thừa quy định hiện hành. Tuy nhiên, sẽ quy định cụ thể hơn theo hướng tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng, bao gồm mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác, được trả thường xuyên và ổn định trong mỗi kỳ trả lương.

Trên cơ sở đó, Chính phủ quy định chi tiết nhằm xác định cụ thể các khoản phải đóng, không phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; việc xác định tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội đối với trường hợp thỏa thuận trả lương theo giờ, ngày, tuần và theo sản phẩm, khoán.

XM/Báo Tin tức
Tin tức TV: Chỗ ở cho công nhân - Nhu cầu cấp bách
Tin tức TV: Chỗ ở cho công nhân - Nhu cầu cấp bách

Nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, người thu nhập thấp đang rất lớn và cấp bách. Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vẫn đang đạt kết quả rất thấp so với mục tiêu đề ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN