Đường về của những mảnh đời lầm lạc - Bài 4: Hồi sinh

Sau khi tốt nghiệp tại Trung tâm, đoạn tuyệt hoàn toàn với ma túy, cuộc sống của những thanh niên từng trượt dài, buông thả nghiện ngập, nay đã bước sang một trang mới. Sức khỏe tốt, lối sống sinh hoạt lành mạnh, tinh thần vui vẻ, thoải mái… họ tự tin khi quay trở lại tái hòa nhập cộng đồng.

Chú thích ảnh
Luyện tập thể thao tại Trung tâm cơ đốc Đời sống mới. 

Kể về những ngày tháng hiện tại của cuộc đời mình, Nguyễn Việt Dũng không giấu được sự tự hào: “Nhiều người bạn lâu ngày mới gặp lại tôi, họ đều bất ngờ và không nhận ra được tôi của ngày hôm nay. Có người tưởng tôi đã chết rồi, có người tưởng tôi vẫn chìm đắm trong nghiện ngập, bệnh tật… Không ai nghĩ bây giờ tôi lại khỏe mạnh được như thế này. Trước kia, vào những buổi họp lớp, tôi là người uống bia, uống rượu nhiều nhất. Nhưng ngày hôm nay, các bạn ngồi uống bia, uống rượu, tôi lại ngồi uống coca-cola. Trước kia, tôi sử dụng ma túy, ngày hôm nay đến điếu thuốc lá tôi cũng không hút. Trước đây, tôi ăn nói bặm trợn, văng tục chửi bậy, nhưng bây giờ cách ăn nói của tôi đã khác, kể cả dáng đi đứng của tôi cũng khác. Các bạn gặp tôi đều thốt lên: “Dũng ơi, bạn khác quá!”. Tất cả họ đều rất mừng cho tôi”.

Sau khi tốt nghiệp tại Trung tâm, đoạn tuyệt hoàn toàn với ma túy, cuộc sống của những thanh niên từng trượt dài, buông thả nghiện ngập, nay đã bước sang một trang mới. Sức khỏe tốt, lối sống sinh hoạt lành mạnh, tinh thần vui vẻ, thoải mái… họ tự tin khi quay trở lại tái hòa nhập cộng đồng. Mừng hơn nữa là khi những người bị nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn cuối ngày nào, nhờ điều trị kiên trì bằng thuốc ARV kháng virus mà tải lượng virus HIV trong họ giảm hẳn, hầu như đều dưới ngưỡng phát hiện, ít có khả năng lây nhiễm cho người khác. Nhiều người trong số này đã lấy vợ, sinh con cái một cách tự nhiên mà cả vợ và con đều khỏe mạnh, không bị lây nhiễm HIV. Nguyễn Việt Dũng, Hoàng Việt Anh, Tạ Phú Cường… là những người có được sự may mắn kỳ diệu này.

Vợ Nguyễn Việt Dũng là một cô gái xứ Quảng xinh đẹp và hồn hậu, có cái tên nhẹ nhàng, dễ thương: Trần Thị Thanh Mai (sinh năm 1986). Mai sinh ra trong một gia đình theo đạo gốc. Cô làm quản lý tại một Tổ chức quốc tế về giáo dục tại Việt Nam. Suốt cuộc trò chuyện với Mai, cô luôn nhoẻn cười và kể về chồng mình bằng tình cảm thân thương, ấm áp. Mai kể, Mai biết quá khứ nghiện ngập của Dũng và căn bệnh hiện tại ngay hồi đầu mới gặp. Ban đầu, Mai không để ý nhiều tới việc đó, nhưng về sau, khi quan hệ giữa hai người dự định sẽ bước tiếp sâu hơn, Mai bắt đầu suy nghĩ về tương lai, về tình trạng bệnh tật của Dũng có ảnh hưởng nhiều đến cô hay không, nếu cô cũng bị lây nhiễm có làm ảnh hưởng đến những người thân của cô hay không… Cùng với sự tham khảo kiến thức y học, Mai hỏi ý kiến ý kiến mẹ cô và được bà khuyên: “Mỗi người có một cuộc đời. Nếu con có niềm tin vào Dũng, con sẽ vượt qua được”. Kể tới đây, mắt Mai cười rạng rỡ: “Và em sẵn sàng vượt qua!”.

Từ ngày quen nhau, yêu nhau và về chung sống một nhà, đến nay đã gần 6 năm, trong mắt Mai, Dũng luôn là người thật thà, lạc quan, giàu lòng trắc ẩn và đầy tình yêu thương. Dũng là nguồn cảm hứng truyền động lực, tạo niềm tin, lạc quan cho Mai trong cuộc sống. Kết quả tình yêu của họ là hai bé gái khỏe mạnh, xinh xắn, dễ thương. Niềm vui nối tiếp niềm vui, hai vợ chồng Dũng hiện đang hồi hộp chờ đón em bé thứ ba sắp chào đời.

Nói về hạnh phúc của mình, Dũng bảo trước đây có trong mơ anh cũng không bao giờ dám nghĩ đến. “Đây như một phép màu đến với tôi, là hạnh phúc tuyệt vời nhất trong cuộc đời tôi” - giọng Dũng mãn nguyện.

Chú thích ảnh
Các thế hệ gia đình anh em Trung tâm cơ đốc Đời sống mới.

“Lập thành tích” cao hơn Dũng, Hoàng Việt Anh lấy vợ từ năm 2012 đến nay đã có 4 “tí nhau” kháu khỉnh với đủ nếp đủ tẻ: hai bé gái, hai bé trai. Hành trình hai người đến với nhau cực kỳ gian truân. Lê Thị Hằng (sinh năm 1987, vợ anh Hoàng Việt Anh) kể, khi mẹ cô biết quá khứ và tình trạng bệnh tật của Việt Anh, bà ra sức phản đối. Một mình phản đối chưa đủ, bà còn vận động mục sư và những người cùng tham gia trong Hội Thánh lên tiếng ngăn cản con gái mình kết hôn với Việt Anh. Nhưng rồi, sau vài lần gặp Việt Anh, thấy cậu hiền lành, chân thật, mẹ Hằng dần thay đổi thái độ, từ ghét bỏ, phản đối sang quý mến và “ngầm” ủng hộ đôi trẻ.

Hằng nhớ có lần Việt Anh đến nhà cô chơi, một bác sinh hoạt cùng nhóm với mẹ Hằng cũng đến nhà. Vốn trước đó mẹ Hằng đã từng nhờ bác này thuyết phục Hằng không yêu Việt Anh nên bà rất lúng túng. Bà không biết làm thế nào đành bảo Việt Anh “trốn tạm” vào trong nhà vệ sinh. Kể đến đây, Hằng tủm tỉm cười: “Tới khi bác ấy muốn đi vệ sinh, mẹ em đành phải bảo: Bác thông cảm, nhà vệ sinh của em bị mất nước”.

Lần khác, Việt Anh đang chuẩn bị ăn tối ở nhà Hằng, có một vị mục sư của Hội Thánh bất ngờ đến chơi. Đây cũng là vị mục sư mà mẹ Hằng nhờ ông giúp đỡ ngăn cản tình yêu của con gái. Không biết làm thế nào, hai người đành phải chở nhau bằng xe đạp chạy ra đầu ngõ để trốn mục sư. Khi trấn tĩnh nhìn lại, cả hai cùng phá ra cười, hóa ra Việt Anh vội vàng chỉ kịp đi một chân giày, một chân dép. Chờ mãi vị mục sư không về, đói quá, hai người đành phải đi mua bánh bao ăn tạm.

Lấy vợ, sinh con khỏe mạnh, ngoan ngoãn, ổn định cuộc sống gia đình… Việt Anh dành thời gian toàn tâm toàn ý cho công việc tại Trung tâm cơ đốc Đời sống mới. Anh được đi học các lớp học về Kinh Thánh và đã được tấn phong Mục sư vào năm 2018. Hiện Việt Anh được tin tưởng giao nhiệm vụ quản lý Trung tâm cơ đốc Đời sống mới tại Quốc Oai, Hà Nội. Trong lễ tấn phong Mục sư, Việt Anh đã xúc động bật khóc. “Với tôi, đó là thời khắc đẹp đẽ và ý nghĩa trong cuộc đời. Tôi không nghĩ mình lại nhận được ân huệ của Thiên Chúa lớn lao đến như vậy” - mục sư Hoàng Việt Anh bộc bạch.

Chậm hơn Việt Anh và Dũng một chút, lấy vợ được 5 năm, anh Tạ Phú Cường cũng được đón nhận niềm vui có con đầu lòng là một bé trai khôi ngô. Đào Thị Nhuần (sinh năm 1979, vợ anh Cường) cũng sinh ra trong một gia đình theo Chúa. Từ nhỏ, Nhuần đã mơ ước sẽ lấy chồng là một mục sư - một người phục vụ Chúa trọn thời gian và là lãnh đạo trong một nhà thờ. Lớn lên, Nhuần tốt nghiệp đại học, rồi làm việc tại Tổ chức Tầm nhìn thế giới (World Vision) và có rất nhiều cơ hội tiếp xúc, gặp gỡ những người đàn ông lịch lãm, có trình độ. Nhuần cười vui vẻ: “Chưa bao giờ em nghĩ là mình sẽ lấy một người có quá khứ nghiện ngập, bị HIV và không được học hành đến nơi đến chốn. Nhưng đến nay, khi chung sống được gần 5 năm, em chưa bao giờ thấy ân hận hay thất vọng về anh Cường. Anh ấy hiền lành, chu toàn và hết mực yêu thương em. Đây là ân huệ mà Chúa đã ban cho cuộc sống hôn nhân của em”.

Ổn định cuộc sống gia đình, vợ chồng anh Cường tham gia góp vốn cùng đầu tư cho bè nuôi hàu tại vùng biển Vân Đồn, tạo việc làm cho nhiều người sinh hoạt tại Trung tâm Đời sống mới Vân Đồn. Một phần nguồn hải sản này được cung cấp cho cửa hàng Hosana ở Hà Nội (do người tốt nghiệp Trung tâm trực tiếp quản lý, làm việc). Vài năm gần đây, công việc nuôi hàu và kinh doanh bán hàng tại hai nơi này khá phát đạt, đã tạo thêm việc làm, ổn định nguồn thu nhập cho anh em sau khi tốt nghiệp, giúp họ từng bước tạo dựng cuộc sống.

Nhìn con cái mình trưởng thành từng ngày, những bậc làm cha làm mẹ không thể tin được cuối cùng mình cũng có được ngày hôm nay. Những thanh niên bặm trợn, bê tha, lưu manh ngày nào, giờ không còn ăn tục, chửi thề, không còn sống buông thả, họ biết sống vì xã hội, biết hy sinh cho người khác… Đồng cảm và chia sẻ với những người còn đang bị chìm lấp trong “vũng bùn” ma túy, bà Vũ Thị Lập muốn gửi lời nhắn nhủ: “Khi các con đang trong vòng nghiện ngập, các con chỉ thấy được thú vui, thấy được những đam mê trong giây phút sử dụng ma túy, nhưng sau đó cuộc đời của các con là chuỗi dài những khổ đau. Nhiều người muốn thoát khỏi cảnh này, thậm chí còn muốn chặt ngón chân, ngón tay để tự thề với mình quyết tâm cai nghiện… Nhưng với kinh nghiệm của người mẹ đã từng có con trong hoàn cảnh nghiện ngập, tôi muốn nói với các con rằng, bản thân nghị lực của các con chưa đủ để có thể thoát ra. Bởi vì, khi một người bị lệ thuộc vào ma túy, đã bị ma túy kiểm soát, bằng nỗ lực riêng của bản thân mình chưa đủ để thoát ra được. Có quyết tâm chỉ là “điều kiện cần”, ngoài ra còn cần “điều kiện đủ” nữa là có niềm tin mới có thể giúp đỡ các con, giải phóng các con thoát khỏi cảnh nghiện ma túy”.

Bài cuối: Niềm tin cuộc đời 

Bài, ảnh: Kim Anh (TTXVN)
Đường về của những mảnh đời lầm lạc - Bài 2: Nỗi đau cùng cực
Đường về của những mảnh đời lầm lạc - Bài 2: Nỗi đau cùng cực

"Quãng đường người mẹ bước đi theo đứa con bị nghiện không bao giờ quên được. Từ chi tiết nhỏ nhất, tôi cũng không thể nào quên được, nó ăn sâu vào trí não, đến nỗi bây giờ khi nhớ lại tôi vẫn cảm thấy rùng mình bởi sự tàn phá khủng khiếp của nó" - bà Vũ Thị Lập (sinh năm 1951, ở Cầu Giấy, Hà Nội, mẹ của Nguyễn Việt Dũng) mở đầu câu chuyện kể về hành trình cùng con cai nghiện ma túy với sự ám ảnh, thảng thốt còn đọng trên khuôn mặt phúc hậu của bà.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN